Công nghệ

Dấu ấn quan trọng của Apple tại Việt Nam

Apple đạt nhiều cột mốc đáng nhớ tại Việt Nam năm vừa qua nhờ chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài từ khâu bán hàng đến hình ảnh thương hiệu.

Hơn 1 giờ sáng ngày 7/10/2022, giám đốc phát triển ngành hàng điện thoại Thế Giới Di Động nhắn tin cho PV VietNamNet, báo số lượng đặt cọc cho các mẫu iPhone 14 đạt 5.000 máy chỉ trong 1 giờ đầu tiên. “Quá khủng khiếp”, “chưa từng có tiền lệ” là những mỹ từ ông này dành cho kết quả ấn tượng đó.

Người đồng cấp bên FPT Shop cũng nói về đơn đặt hàng iPhone 14 Series “vượt xa mọi kỳ vọng”. Đây là lần đầu tiên một số nhà bán lẻ tại Việt Nam cập nhật đơn đặt hàng theo giờ.

Lần đầu chiếm ngôi số 2 tại Việt Nam

Những từ hoa mỹ của các đại lý bán lẻ dành cho Apple hoá ra không chỉ có ý nghĩa đánh bóng.

Số liệu của GfK cho thấy, trong tháng 10/2022, Apple đạt được mức thị phần 20,5%, chỉ hơn Oppo chưa tới 1%, chiếm ngôi số 2 các hãng smartphone lớn nhất tại Việt Nam.

Có lẽ đó là lần đầu tiên Apple đạt được mức thị phần cao như vậy tại thị trường trong nước.

Dấu ấn quan trọng của Apple tại Việt Nam
Nhân viên một nhà bán lẻ đang chuẩn bị iPhone 14 giao cho khách khuya ngày 13/10/2022. (Ảnh: Hải Đăng)

Theo số liệu, tổng lượng smartphone tiêu thụ tại Việt Nam tháng 10/2022 đạt khoảng 1,2 triệu chiếc. Với thị phần 20,5%, Apple bán được khoảng 240.000 máy.

Đứng đầu danh sách smartphone bán chạy của hãng trong tháng là các mẫu iPhone 14 Pro Max, tiếp đến là thế hệ Pro/Pro Max ra mắt trước đó. Chỉ tính riêng 10 smartphone bán chạy nhất, Apple đạt doanh thu gần 6.000 tỷ đồng chỉ trong tháng 10.

Bình luận về việc này, một quản lý cấp cao đang làm việc trong hãng smartphone thuộc top 5 tại Việt Nam cho hay, sức nóng của iPhone 14 đã giúp Apple gia tăng doanh số. Bên cạnh đó, việc thị trường xách tay suy giảm cũng khiến doanh số bán lẻ chính hãng tăng lên.

Về nguyên tắc, khi người dùng dồn vào mua máy chính hãng trong bối cảnh hàng xách tay ít hẳn, thị phần Apple sẽ được trả về giá trị vốn có.

Theo thông lệ, thị phần Apple tiếp tục gia tăng trong các tháng 11, tháng 12 và giảm dần kể từ tháng 1 năm sau đó. Việc này là do hiệu ứng iPhone ra mắt vào tháng 9 giúp đẩy mạnh doanh số cho hãng không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới.

“Apple Store” bao phủ thị trường

Những con số ấn tượng nói trên không hề tự đến với Apple. Hãng đã có quá trình chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước đó.

Đúng 1 năm trước đó, vào thời điểm tháng 10/2021, ngay sau khi Việt Nam chính thức mở cửa sau đại dịch Covid-19, hàng loạt cửa hàng mono store chuyên bán sản phẩm Apple bắt đầu ra đời. TopZone, ShopDunk là những cái tên nổi bật mở hàng loạt cửa hàng đẹp mắt chỉ bán sản phẩm của hãng Táo.

Dấu ấn quan trọng của Apple tại Việt Nam - 1
Các cửa hàng "Apple Store thu nhỏ" đẹp đẽ liên tục khai trương góp phần gia tăng hình ảnh cho Apple tại Việt Nam. (Ảnh: Hải Đăng)

Cho đến hiện tại, cả hai cái tên này góp hơn 150 cửa hàng tại các thành phố lớn trên toàn quốc, tạo một mạng lưới các “Apple Store thu nhỏ” để người dùng trải nghiệm trước khi mua. Các cửa hàng đẹp đẽ, sang trọng này như các Apple Store thu nhỏ, góp phần lớn vào việc nâng cấp hình ảnh cho Apple và iPhone.

Đó là chưa kể hàng ngàn cửa hàng được uỷ quyền khác của Apple có mặt khắp nơi trên khắp 63 tỉnh thành trên toàn quốc, sẵn sàng giao hàng cho khách trong ngày, thậm chí tính theo giờ, theo phút.

Việc nở rộ các cửa hàng Apple chính hãng góp phần lớn trong việc thu hẹp các shop nhỏ chuyên bán hàng xách tay. Rất khó để nói liệu sự nở rộ này khiến thị trường xách tay co cụm, hay ngược lại, từ các cam kết của Apple trong việc hạn chế thị trường xách tay, các nhà bán lẻ đã mạnh dạn mở rộng các cửa hàng mono store nhằm phục vụ khách hàng của hãng công nghệ giá trị nhất hành tinh.

Thiếu hàng và “bia kèm lạc”

Thông thường, nguồn hàng iPhone mới sẽ không đáp ứng được nhu cầu trong khoảng vài tuần đầu kể từ khi ra mắt. Điều này là do sự chênh lệch trong dự báo nguồn hàng và nhu cầu thực tế từng quốc gia và khu vực. Tuy nhiên năm nay sự khan hiếm kéo dài hơn.

Chuỗi CellphoneS cho hay, phải đến đầu tháng 12 mới trả đủ hết các đơn khách đã đặt cọc trong tháng 10, nhất là với những đơn mua iPhone 14 Pro Max màu tím - phiên bản đắt hàng nhất trong iPhone 14 Series.

Việc khan hàng iPhone 14 Pro Max do sức hút mạnh mẽ của mẫu máy này. Ngoài ra còn có nguyên nhân Trung Quốc đóng cửa nhà máy do dịch Covid-19, hay xung đột Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng gặp khó khăn.

Dấu ấn quan trọng của Apple tại Việt Nam - 2
Apple muốn phổ biến dòng iPhone 14/14 Plus (bên trái) bên cạnh iPhone 14 Pro Max nhằm phủ rộng các phân khúc giá. (Ảnh: Hải Đăng)

Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ cũng than phiền việc phải “bán bia kèm lạc”, tức là họ phải nhập các mẫu máy ít được chuộng hơn như iPhone 14 và iPhone 14 Plus nếu muốn lấy iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max.

Trên thực tế, việc “bán bia kèm lạc” diễn ra từ nhiều năm nay và được khá nhiều hãng trên thị trường áp dụng.

Khách hàng Việt vẫn thích sở hữu các sản phẩm cao cấp dòng Pro, trong khi Apple rõ ràng muốn phổ biến thêm các máy cấp thấp hơn nhằm mục đích chiếm lĩnh nhiều phân khúc giá.

Nhìn lại năm 2022, Apple đã có nhiều dấu mốc quan trọng tại Việt Nam cả về hình ảnh thương hiệu, thị phần, lẫn độ phủ của hệ thống bán hàng.

Theo Hải Đăng (ICT News)




https://ictnews.vietnamnet.vn/dau-an-quan-trong-cua-apple-tai-viet-nam-nam-2022-5012305.html