Công nghệ

Hãy từ chối khi nhân viên bán hàng 'gạ gẫm' bạn dán màn hình điện thoại: Đây là lý do

Miếng dán bảo vệ màn hình điện thoại giờ đây không còn hữu ích như trước. Chúng làm giảm chất lượng hiển thị, gián tiếp dẫn đến việc hao mòn pin.

Màn hình đã tốt hơn trước

Khi mua một chiếc điện thoại thông minh mới, nhân viên bán hàng thường đưa ra lời đề nghị đôi khi hơi khó chịu về việc bạn nên trả tiền thêm cho vài biện pháp bảo vệ tăng cường - bảo hành vàng, ốp lưng và tất nhiên là cả miếng dán bảo vệ màn hình.

Miếng bảo vệ màn hình từ lâu đã được coi như thứ cần thiết nhất trên mỗi thiết bị, có giá từ vài chục cho đến vài trăm nghìn đồng. Những tấm nhựa và thủy tinh này đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá 50 tỷ USD, nhưng ẩn sau đó là một bí mật tăm tối. Theo các chuyên gia, miếng dán bảo vệ màn hình ngày nay không còn quá cần thiết.

Vỡ màn hình luôn là nguyên nhân hàng đầu khiến điện thoại bị hỏng, tiếp đến là do dính nước và các vấn đề về pin. Tuy nhiên, kính màn hình điện thoại đã trở nên chắc chắn hơn đáng kể trong 5 năm qua.

"Nó thực sự không hữu ích đến thế". Raymond Soneira, Giám đốc điều hành của DisplayMate Technologies, nói về miếng bảo vệ màn hình trong cuộc phỏng vấn với Gizmodo.

Hãy từ chối khi nhân viên bán hàng 'gạ gẫm' bạn dán màn hình điện thoại: Đây là lý do

Công ty của Soneira nghiên cứu cách tối ưu hóa màn hình điện thoại người dùng. Anh không sử dụng miếng bảo vệ màn hình mà chỉ sử dụng một chiếc ốp điện thoại, cẩn thận khi sử dụng và hiếm khi làm rơi.

DisplayMate nhận thấy rằng miếng bảo vệ màn hình khiến điện thoại bị lóa, giảm chất lượng hiển thị, khiến người dùng phải tăng thêm độ sáng. Theo thời gian, điều này sẽ làm hao mòn pin điện thoại.

Tuy nhiên, cộng đồng điện thoại có ý kiến trái chiều về vấn đề bảo vệ màn hình. Kỹ sư sửa chữa iFixit, Carsten Fraunheim lưu ý miếng dán màn hình hữu ích trong việc chống trầy xước, mài mòn vi mô và giúp người dùng yên tâm. Fraunheim cho rằng lợi ích của chúng là "không cần bàn cãi" nhưng thừa nhận thứ này ít cần thiết hơn trước đây.

"Khi công nghệ kính điện thoại thông minh ngày càng có khả năng chống vỡ tốt hơn, các tấm dán màn hình sẽ mất đi tính năng đáng giá của chúng là chống va đập", kỹ sư cho biết.

Trey Barnett, một kỹ thuật viên máy tính tại uBreakiFix ở Manhattan, đã chứng kiến rất nhiều màn hình bị nứt trong 14 năm anh sửa chữa điện thoại. Tuy nhiên, anh thấy ít iPhone bị hỏng màn hình hơn trước.

"Tôi có thể nói rằng màn hình đã cứng cáp hơn trước, nhưng bạn biết đấy, điều đó không ngăn được mọi người làm rơi vỡ", anh cho biết.

Lập luận khác ủng hộ dán màn hình là chúng có giá thấp hơn so với thay thế màn hình điện thoại. Mặc dù điều đó là đúng nhưng khả năng bạn phải sửa màn hình đã thấp hơn rất nhiều so với trước đây.

Nguồn gốc của miếng dán bảo vệ màn hình

Vào năm 2021, iPhone của Apple bắt đầu sử dụng Ceramic Shield, vật liệu mới được cho là cứng hơn bất kỳ loại kính điện thoại thông minh nào trước đây. Nó đến từ Corning, một công ty kính được Steve Jobs ủy quyền sản xuất màn hình đầu tiên cho iPhone vào năm 2007.

Jobs nổi tiếng về quyết định đưa ra thời hạn 6 tháng cho Corning để sản xuất màn hình iPhone, vốn dự kiến ban đầu sẽ là nhựa. Corning đã làm được điều đó, tạo ra một loại vật liệu mỏng, đặc biệt chắc chắn có tên là Gorilla Glass.

Hãy từ chối khi nhân viên bán hàng 'gạ gẫm' bạn dán màn hình điện thoại: Đây là lý do - 1
Vật liệu này được sử dụng trong thập kỷ đầu tiên của iPhone và vẫn được sử dụng trong hầu hết các điện thoại Samsung.

 Kính Gorilla Glass bền hơn hầu hết các loại kính, nhưng lúc đầu nó không hoạt động tốt. Miếng dán bảo vệ màn hình cho điện thoại gần như ngay lập tức xuất hiện khi người tiêu dùng đua nhau bọc điện thoại của họ bằng lớp vật liệu an toàn.

Các diễn đàn của Apple năm 2008 đầy rẫy những người thảo luận về các sản phẩm bảo vệ màn hình đời đầu. Những người dùng iPhone đầu tiên làm xước màn hình Gorilla Glass. Một số người dùng khác thì cho rằng những miếng dán màn hình đời đầu tệ đến mức làm hỏng màn hình cảm ứng của iPhone. Cho đến nay, các miếng dán màn hình đã tốt hơn nhiều, nhưng bản thân màn hình cũng vậy.

Ceramic Shield là một bước tiến lớn của công nghệ màn hình. Vật liệu được sử dụng khác nhiều so với kính điện thoại thông minh thông thường. Corning được mô tả là thứ lai giữa gốm và thủy tinh, và Apple cho biết nó bền gấp 4 lần so với Gorilla Glass khi bị rơi.

Tuy nhiên, những cải tiến lớn này đã không được chú ý. Điều này được cho là bị che mắt bởi sự phát triển của ngành bảo vệ màn hình. Theo Grand View Research, đến năm 2030, ngành này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 85 tỷ USD.

Bất cứ ai từng bị nứt màn hình điện thoại sẽ cho bạn biết trải nghiệm đó đau đớn đến mức nào. Mặc dù màn hình điện thoại đã tốt hơn nhiều nhưng quá trình thay thế cũng để lại sẹo khiến bất kỳ ai cũng phải mua miếng dán bảo vệ sau đó.

Hoàn toàn có thể hiểu được lý do tại sao bạn vẫn dán miếng bảo vệ màn hình cho điện thoại của mình. Đó là một khoản đầu tư lớn nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy màn hình đang ngày càng tốt hơn. Chỉ cần một chiếc ốp điện thoại tốt là đủ.

Vậy tại thời điểm nào chúng ta nên bỏ miếng bảo vệ màn hình? Những tấm phim mỏng manh này có thể làm giảm chất lượng của màn hình cao cấp trong túi của bạn và chúng có khả năng làm hao mòn pin. Miếng dán bảo vệ màn hình có lẽ nên dần bị đưa vào dĩ vãng.

Theo Mạnh Kiên (Đời Sống & Pháp Luật)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/hay-tu-choi-khi-nhan-vien-ban-hang-ga-gam-ban-dan-man-hinh-ien-thoai-ay-la-ly-do-a410989.html