Công nghệ

Lùi tiếp thời hạn khôi phục hoàn toàn cáp biển APG vì phát hiện 2 lỗi mới

Việc phát hiện thêm 2 sự cố mới trên các nhánh S9 và S1.9 của tuyến cáp quang biển quốc tế APG đã khiến cho thời gian sửa chữa xong tuyến cáp biển này bị lùi tiếp so với kế hoạch.

Trong thông tin mới chia sẻ với phóng viên VietNamNet, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway – APG chưa thể hoạt động trở lại bình thường từ cuối tháng 8/2023 như kế hoạch dự kiến đã được đơn vị quản lý tuyến cáp này thông báo.

Sở dĩ như vậy là do ngoài việc lịch khắc phục sự cố xảy ra hồi cuối tháng 6/2023 trên nhánh S1.7 của tuyến cáp APG tiếp tục bị lùi, đơn vị quản lý tuyến cáp còn phát hiện thêm 2 lỗi mới trên các nhánh S1.9 và S9.

Cụ thể, thay vì được sửa xong vào cuối tháng 8/2023 như lịch cũ, thời gian khắc phục sự cố trên nhánh S1.7 của tuyến cáp biển APG đã được lùi sang tháng 9, từ ngày 7/9 đến 11/9. Trong khi đó, 2 sự cố mới trên các nhánh S9 và S1.9 chưa có lịch sửa chữa.

Lùi tiếp thời hạn khôi phục hoàn toàn cáp biển APG vì phát hiện 2 lỗi mới
Trong khi sự cố trên nhánh S1.7 của tuyến cáp APG dự kiến được khắc phục trong tháng 9, hai lỗi trên nhánh S9 và S1.9 hiện chưa có lịch sửa. (Ảnh minh họa: Internet)

Đại diện nhà mạng cũng cho biết thêm, việc 3 nhánh S1.7, S1.9 và S9 cùng gặp sự cố đang gây mất dung lượng trên hướng kết nối đi Singapore của tuyến cáp APG. Tuy nhiên, vị đại diện ISP này nhận định rằng, ảnh hưởng của các sự cố trên tuyến cáp biển APG với các nhà mạng và người dùng Internet tại Việt Nam là không lớn.

APG là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 4 tuyến khác gồm IA (còn gọi là Liên Á), AAG, AAE-1 và SMW3.

Trên thực tế, ngoài tuyến cáp biển APG đang gặp sự cố, hiện nay 4 tuyến cáp quang biển IA, AAG, AAE-1 và SMW3 đều đang hoạt động bình thường, góp phần giúp các nhà mạng đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet quốc tế cung cấp tới người dùng.

Kết quả đo của Speedtest cho thấy, tính đến hết tháng 7, tốc độ truy nhập Internet băng rộng cố định tại Việt Nam là 93,44 Mbps, tăng 27,09% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 44 và cao hơn 12,84 Mbps so với mức trung bình thế giới. Tốc độ truy nhập Internet băng rộng di động của Việt Nam là 47,31 Mbps, tăng 28,87% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 50 và cao hơn 4,39 Mbps so với mức trung bình thế giới.

Trước đó, trong giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023, các nhà mạng Việt Nam đã gặp phải tình huống hy hữu là cả 5 tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố. Theo nhận định của ông Vũ Thế Bình Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, từ tình huống này cả cơ quan quản lý nhà nước và các nhà mạng đều đã rút ra được nhiều điều.

Việc cả 5 tuyến cáp biển mà các nhà mạng Việt Nam sử dụng, khai thác cùng gặp sự cố đã cho thấy sự mong manh của hệ thống cáp biển từ Việt Nam đi quốc tế. “Chắc chắn rằng, thời gian tới Việt Nam sẽ có thêm các tuyến cáp biển với hướng đi đa dạng hơn. Qua đó, giảm thiểu tình trạng đồng thời đa số các tuyến cáp biển không sử dụng được. Điều này không chỉ liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ của các nhà mạng, mà còn liên quan đến tính an toàn của Internet Việt Nam nói chung”, ông Vũ Thế Bình nêu quan điểm.

Trong dự thảo Chiến lược hạ tầng số quốc gia đang được Bộ TT&TT xây dựng, Bộ đề xuất mục tiêu đến năm 2025 sẽ đầu tư bổ sung từ 2 - 4 tuyến cáp quốc tế; mục tiêu đến năm 2030 là bổ sung từ 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế, từ 2 - 4 tuyến cáp quang đất liền.

Theo kế hoạch đang được 2 nhà mạng lớn là VNPT, Viettel cùng các liên minh cáp triển khai, dự kiến vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, sẽ có thêm 2 tuyến cáp biển SJC2 và ADC được đưa vào hoạt động, nâng tổng số tuyến cáp kết nối Internet Việt Nam với quốc tế lên 7. Cả 2 tuyến ADC, SJC2 đều có trạm cập bờ được đặt tại Bình Định.

Theo Vân Anh (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/lui-tiep-thoi-han-khoi-phuc-hoan-toan-cap-bien-apg-vi-phat-hien-2-loi-moi-2179550.html