Đời sống

Chuyện đời của H.: Đi làm osin từ năm lên 9, có con với cậu chủ mà vẫn mang tiếng chửa hoang

Sau hơn 10 năm làm osin cho nhà cậu chủ, đứa bé là "món quà" tặng kèm cho H., "món quà" mà ngay từ khi hình thành đã bị chối bỏ. H. đành nuốt nước mắt, tủi nhục ôm con về nhà, chấp nhận làm mẹ đơn thân, sống giữa bao điều tiếng của thế gian.

Sau hơn 10 năm làm osin cho nhà cậu chủ, đứa bé là "món quà" tặng kèm cho H., "món quà" mà ngay từ khi hình thành đã bị chối bỏ. H. đành nuốt nước mắt, tủi nhục ôm con về nhà, chấp nhận làm mẹ đơn thân, sống giữa bao điều tiếng của thế gian.

Chẳng được học hành, đi làm osin từ năm 9 tuổi... 

Biến cố cuộc đời ập đến cách đây 7 năm, nhưng mỗi lần nhắc lại, Đào Thị H. (29 tuổi, ngụ xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) vẫn không nguôi buồn tủi. H. kể, nhà H. hồi xưa nghèo lắm, nghèo hơn cả bây giờ, nghèo đến nỗi cơm ngày 2 bữa cũng không đủ ăn.

H. là con đầu lòng trong gia đình có 4 chị em gái. Mẹ H. đột ngột phát bệnh tâm thần sau khi sinh cô em gái út, lúc con bé mới 6 - 7 tháng tuổi. Cha H., phần vì buồn chán cảnh nghèo, không tìm ra kế sinh nhai, phần nản vì vợ ốm đau triền miên, nửa tỉnh nửa mê, con cái nheo nhóc mà sinh tật rượu chè, suốt ngày say khướt.

Ngã rẽ cuộc đời của osin từng sinh quý tử cho cậu ấm nhưng bị chối bỏ - Ảnh 1.

Chẳng ai nghĩ đến việc làm sao cho khỏi khổ, và con chữ, với những đứa trẻ nhà H. là chuyện viển vông. Thế nên, mới 9 tuổi, H. đã được gửi đi làm giúp việc nhà cho một gia đình khá giả ở làng bên với mức lương vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng/ tháng.

H. sống ở căn nhà ấy hơn chục năm trời, suốt những năm tháng tuổi thơ, tuổi dậy thì, thời thanh niên. Căn nhà ấy đã trở thành ngôi nhà thứ hai của H., nơi cô osin nhỏ làm việc nhà để nuôi sống bản thân và kiếm tiền gửi về phụ giúp cha mẹ nuôi em.

Suốt mười mấy năm làm osin, quanh quẩn trong nhà chủ với những việc nội trợ, H. cũng chẳng có điều kiện học hành, chuyện gặp gỡ, yêu đương với các thanh niên lại càng không. Vậy mà H. mang thai, và sinh con vào tháng 6/2011, khi chưa một lần biết yêu. H. chua chát bảo, đó là "món quà" mà cậu chủ cũng sàn sàn tuổi H. "tặng" cho mình. 

Theo lời H., cậu chủ nhiều lần vừa dụ dỗ, vừa ép buộc H. làm chuyện vợ chồng, nhưng H. không dám mách ai. Đến khi linh cảm có một sinh linh đang lớn dần trong bụng, H. lại càng sợ hãi hơn, không dám hé răng nói một lời. Cuối tháng 6/2011, H. lâm bồn, sinh một bé trai kháu khỉnh, nhưng từ khi mới lọt lòng đã mang phận vô thừa nhận.

6 năm nếm bao điều cay cực làm mẹ đơn thân

Mặc cho H. một mực khẳng định đó là con của cậu chủ, nhưng chẳng ai tin. Gia đình từng là mái nhà thứ hai cưu mang H., cho H. công việc nuôi thân suốt mười mấy năm trời không tin đứa bé là con của H. và cậu chủ, nên chối bỏ, đuổi H. ra khỏi nhà. Cay đắng, tủi nhục, người mẹ trẻ ôm đứa con còn đỏ hỏn về nhà cha mẹ ruột.   

Ở một vùng quê nghèo như nơi H. sống, chuyện ai đó là mẹ đơn thân giống như một cú chấn đông lớn. Người ta xì xào H. chửa hoang, H. hư hỏng... Cứ như thế, 6 năm sống trong tủi nhục, mang phận gái chửa hoang với xóm làng, H cứ cắn răng chịu đựng, cố gắng sống để nuôi con, chăm sóc bố mẹ. 

Đi làm osin từ năm lên 9, có con với cậu chủ rồi bị ruồng bỏ - Ảnh 1.

Ông Đức chỉ mong cháu mình được đi học, biết cái chữ, không khổ như bố con ông.

"Tôi làm mẹ đơn thân ở tuổi 23, khi chưa kịp chuẩn bị tâm lí, cũng không biết gì về cuộc đời. Cũng may, thằng bé chào đời khỏe mạnh, ngoan ngoãn, cứ thế lớn lên như củ sắn củ khoai.

Từ ngày con sinh ra đến bây giờ, đã 6 năm trôi qua, con tôi chưa một lần được bố, ông bà nội ghé thăm. Nó mang họ mẹ. Biết hoàn cảnh, thằng bé rất ngoan và thương mẹ", H tâm sự.

Từ ngày có con, gánh nặng đè lên vai người mẹ trẻ. Đàn em H. cũng đã lớn, xa nhà đi làm thuê. Một mình H. vừa chăm mẹ bệnh tật, nuôi con thơ dại. Cũng may, người bố khi nhìn thấy con, cháu bất hạnh đã thay đổi tâm tính, không còn rượu chè, hằng ngày ở nhà chăm sóc vợ, trông cháu cho H. đi làm thuê. 

H. hồ hởi khoe, vừa rồi, tích góp được một số tiền, cộng thêm hỗ trợ của ba đứa em, vay mượn ngân hàng, H. đã xây được một căn nhà kiên cố, thay thế ngôi nhà cũ nát trước đây.

Chuyện đời của H.: Đi làm osin từ năm lên 9, có con với cậu chủ mà vẫn mang tiếng chửa hoang - Ảnh 1.

Ông Đức chia sẻ cuộc đời bất hạnh của con gái.

Về phần mình, dù còn chưa nguôi ngoai nỗi đau, sự tủi nhục trong những năm tháng cũ, H. vẫn được an ùi phần nào khi em bé đã sắp vào lớp 1. Tích góp được một chút tiền kiếm được từ nghề phụ hồ, H. dẫn con ra chợ mua 2 bộ quần áo mới, 1 bộ sách giáo khoa để con chuẩn bị bước vào năm học mới.  Với H., đó là niềm an ủi duy nhất trong muôn vàn tủi nhục mà H. đã trải qua. 

"Dù khó khăn đến mấy cha con tôi cũng phải cho cháu học chữ. Chỉ mong cháu ngoan, chăm chỉ học chứ cả nhà tôi không một ai biết chữ, có muốn phụ đạo cho cháu cũng chịu. Đời tôi, đời con đã thiệt phận, chỉ mong đời cháu sẽ tươi sáng hơn", ông Đức tâm sự.

Tình yêu đầu nở hoa

Hướng đôi mắt nhìn người đàn ông đang ngồi bên cạnh, H. cười tươi khoe với tôi, đến tháng 11 này cô sẽ được làm cô dâu. Chồng tương lai của H. là người cùng làng, ít hơn 7 tuổi, làm nghề đi biển. Dù chênh lệch tuổi tác nhưng anh T. tỏ ra là một thanh niên từng trải, lại thật lòng thương yêu H.

"Dù biết rõ hoàn cảnh của mẹ con tôi nhưng suốt thời gian dài anh T. thường xuyên lui tới, quan tâm, tận tình chăm sóc. Mới đầu, thấy anh ít tuổi hơn nhiều nên tôi do dự lắm, nhưng rồi được gia đình, bạn bè động viên, thấy anh cũng thật lòng, lại thương yêu thằng bé nên tôi đã quyết định tiến tới hôn nhân", H. chia sẻ.

Chuyện đời của H.: Đi làm osin từ năm lên 9, có con với cậu chủ mà vẫn mang tiếng chửa hoang - Ảnh 2.

Mẹ con H. bên người chồng sắp cưới.

H. cũng hồ hởi khoe, cha mẹ chồng tương lai biết chuyện nhưng không hề phản đối mà ngược lại, họ rất ủng hộ, còn nói sẽ thương yêu con trai riêng của H. như cháu nội của họ. H. nghe vậy cũng an ủi phần nào.

"Sau bao nhiêu sóng gió, giờ đây, tôi chỉ muốn có một gia đình bình dị, hạnh phúc như bao người phụ nữ khác, tôi sẽ được yêu, và con trai tôi sẽ có một người bố biết đồng cảm thương yêu", ôm con trai vào lòng, H. cười nhẹ, liếc mắt sang phía chồng tương lai và bảo thế.

Theo N.Hoàng (Tri Thức Trẻ)