Theo truyền thông địa phương, người đàn ông 73 tuổi cảm thấy choáng váng và ngất xỉu khi đang đi bộ vào chiều muộn, không lâu sau khi dùng bữa trưa.

Một vụ ngộ độc hi hữu vừa xảy ra tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), khi một người đàn ông 73 tuổi bất ngờ ngã quỵ sau bữa tối và toàn thân chuyển sang màu xanh tái nhạt.

Theo truyền thông địa phương, ông Vương – nạn nhân trong vụ việc bất ngờ cảm thấy choáng váng và ngất xỉu khi đang đi bộ vào chiều muộn, không lâu sau bữa ăn trưa có món dưa muối do gia đình tự làm.

Sau khi ăn món khoái khẩu, người đàn ông 73 tuổi đột ngột ngã quỵ, toàn thân chuyển màu xanh- Ảnh 1.

Khi được đưa đến bệnh viện, môi và móng tay của ông đã chuyển sang màu tím sẫm, độ bão hòa oxy trong máu chỉ còn khoảng 80%, thấp hơn mức bình thường rất nhiều. Tình trạng này báo hiệu ông đang rơi vào cơn thiếu oxy nghiêm trọng.

Sau khi kiểm tra và khai thác tiền sử ăn uống, các bác sĩ nghi ngờ ông Vương bị ngộ độc nitrit, một loại hóa chất thường sinh ra trong quá trình lên men thực phẩm nếu không đảm bảo vệ sinh và thời gian ngâm thích hợp.

Sau khi ăn món khoái khẩu, người đàn ông 73 tuổi đột ngột ngã quỵ, toàn thân chuyển màu xanh- Ảnh 2.

Kết quả xét nghiệm cho thấy lượng methemoglobin trong máu của ông cao gấp 60 lần mức bình thường. Đây là một chỉ dấu rõ ràng của ngộ độc nitrit, có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Ngay lập tức, ông Vương được tiêm thuốc giải độc xanh methylen – một phương pháp đặc hiệu giúp chuyển hóa methemoglobin trở lại thành hemoglobin bình thường. Nhờ điều trị đúng hướng, tình trạng sức khỏe của ông dần ổn định và qua cơn nguy kịch.

Các chuyên gia y tế giải thích rằng nitrit, bao gồm natri nitrit, kali nitrit và canxi nitrit là những hợp chất có độc tính cao. Chỉ cần 0,2-0,5 gam nitrit cũng đủ gây ngộ độc ở người lớn, còn liều khoảng 3 gam có thể gây tử vong. Khi vào cơ thể, nitrit biến hemoglobin, chất mang oxy thành methemoglobin không có khả năng vận chuyển oxy, dẫn đến thiếu oxy trầm trọng trong các mô và cơ quan.

Biểu hiện ngộ độc nitrit có thể bắt đầu bằng các triệu chứng thần kinh như chóng mặt, mệt mỏi, tê tay chân, buồn nôn. Trường hợp nặng có thể gây khó thở, hôn mê, co giật, rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong do suy hô hấp. Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất là hiện tượng tím tái ở môi, móng tay, lưỡi, da mặt xuất phát từ việc thiếu oxy trầm trọng trong máu.

Sau khi ăn món khoái khẩu, người đàn ông 73 tuổi đột ngột ngã quỵ, toàn thân chuyển màu xanh- Ảnh 3.
Ảnh minh hoạ.

Đặc biệt, trong các món rau củ muối chua tự làm, hàm lượng nitrit thường đạt đỉnh sau 1-2 tuần đầu lên men. Sau khoảng 20 ngày, lượng nitrit này mới bắt đầu giảm. Việc tiêu thụ các món muối chưa đủ thời gian ngâm hoặc được chế biến không đảm bảo vệ sinh có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thận trọng khi chế biến và sử dụng các món muối chua tại nhà. Nếu phát hiện những triệu chứng nghi ngờ ngộ độc, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngộ độc nitrit có thể được cứu chữa nếu phát hiện sớm, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu lơ là chủ quan.

Những điều cần biết để sử dụng thực phẩm muối chua an toàn

Không nên muối chua, ngâm rau củ quả trong lọ nhựa, inox 

Nhiều loại quả chua như mơ, sấu, dâu thường được ngâm đường thành siro pha nước giải khát giải nhiệt mùa hè. Ngoài ra, các món muối chua từ cải bẹ, cải thảo, măng, cà… cũng là món phổ biến trong bữa cơm hàng ngày của mỗi gia đình.

Tuy nhiên, việc bảo quản thực phẩm trong lọ nhựa hoặc inox không đảm bảo an toàn, có thể gây ra nhiều tác hại với sức khỏe. Thay vào đó, hãy lựa chọn bình thủy tinh có chất lượng để đảm bảo an toàn và nên tiệt trùng dụng cụ muối chua trong nước sôi trước khi đựng thực phẩm.

Không nên ăn đồ muối chua thường xuyên 

Ăn quá nhiều dưa muối dễ gây kích thích dạ dày làm tăng acid, gây trầm trọng các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, thậm chí là viêm loét dạ dày.

Ngoài ra, đối tượng cần hạn chế ăn mặn như người có tiền sử về bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh về thận nên hạn chế đồ muối chua để có thể kiểm soát lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày.

Không uống nước hoa quả ngâm khi bụng đang đói 

Những thức uống từ siro hoa quả ngâm đường tại nhà giúp giải khát hiệu quả trong mùa Hè oi bức. Tuy nhiên, hoa quả ngâm thường có vị chua, do đó, nên hạn chế uống nước pha từ siro khi đói để tránh gây cồn cào dạ dày. Trẻ nhỏ với hệ tiêu hóa yếu không nên sử dụng những đồ uống từ hoa quả ngâm này.

Không ăn dưa muối khi còn màu xanh, có vị cay hăng 

Hầu hết thức ăn chế biến qua các khâu lên men như cá muối, dưa muối, nước mắm đều có thể chứa nitrosamine. Hàm lượng nitrit sẽ giảm đi và mất hẳn khi dưa đã chua vàng. Do đó, bạn nên ăn dưa, cà được muối nén, muối nước đủ thời gian; Hạn chế ăn khi nguyên liệu muối còn xanh, có vị cay hăng.

Theo Minh Hoa (nguoiduatin.vn)