Đời sống

Tranh cãi giáo viên nhắn tin “OK”: Đừng tạo áp lực thêm cho nhà giáo!

Phụ huynh bức xúc khi cô giáo nhắn trả lời bằng từ “OK”, học sinh nhảy lầu sau khi bị giáo viên thu điện thoại… những câu chuyện đang gây tranh cãi dư luận khiến không ít giáo viên hoang mang...

Phụ huynh bức xúc khi cô giáo nhắn trả lời bằng từ “OK”, học sinh nhảy lầu sau khi bị giáo viên thu điện thoại… những câu chuyện đang gây tranh cãi dư luận khiến không ít giáo viên hoang mang...

Sự việc cô giáo thu điện thoại, khiến một nam sinh ở Ninh Bình nhảy từ tầng 3 xuống sân trường chưa lắng xuống, thì những giờ qua, hành vi ứng xử của một giáo viên khác tiếp tục bị đem ra mổ xẻ, trở thành chủ đề bàn luận trên nhiều diễn đàn. Sự việc xuất phát từ bức xúc của một phụ huynh, có con đang học lớp 7.

Theo chia sẻ, phụ huynh ngoài 30 tuổi, cô giáo ngoài 50 tuổi. Vì con bị ốm, phụ huynh đã nhắn tin cho cô giáo để xin cho con nghỉ học.

Nội dung tin nhắn là: “…Tôi xin phép cho cháu nghỉ vì bị sốt phải đi khám. Khi đi học lại tôi xin gửi giấy phép tới nhà trường sau. Xin cảm ơn cô”. Đáp lại tin nhắn của phụ huynh, cô giáo chỉ nhắn là “OK”.

Phụ huynh chia sẻ câu chuyện lên một diễn đàn về giáo dục và bày tỏ sự bức xúc, kèm lời than rằng “giáo dục ơi giáo dục...”.

Tin nhắn trả lời bằng chữ "OK" của giáo viên gây tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh: FB 

Ngay sau đó, tình huống này đã nhận được nhiều ý kiến bình luận trái chiều. Giáo viên có cách ứng xử trong hình huống này đã bị dân mạng chỉ trích, cho rằng không lịch sự, khi trả lời quá cụt lủn.

Chị Minh Lý (có con đang học lớp 3 tại một trường Tiểu học ở Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng, cô giáo trong trường hợp trên ứng xử sư phạm chưa đúng, bởi với phụ huynh và học sinh, giáo viên luôn là một chuẩn mực nhân cách. Đáng lẽ cô nên nhắn một câu dài hơn, hoặc ân cần hỏi thăm sức khỏe của học sinh.

Còn theo chị Phạm Thị Hồng – giảng viên Trường Đại Học Kinh Doanh và Công Nghệ Hà Nội: Câu trả lời OK không đến nỗi phải nói cô giáo là không lịch sự.

Dù vậy, là người đang công tác trong ngành giáo dục, đặt địa mình ở trường hợp này, chị Hồng sẽ ứng xử khác. “Kể ra cô giáo cũng hơi kiệm lời trong việc nhắn lại cho phụ huynh. Tôi nghĩ nên nhắn lại cho phụ huynh một câu đủ hơn, sẽ thể hiện sự chuẩn mực và tính sư phạm của mình” - chị Hồng chia sẻ.

Phụ huynh nên thông cảm với nhà giáo!

Tình huống giáo viên nhắn tin trả lời “OK” với phụ huynh cho thấy, giáo viên làm gì - dù không sai - cũng dễ dàng bị đánh giá, phán xét. Nhất là trong thời công nghệ, mọi chia sẻ đều có thể trở thành đề tài để dân mạng bình phẩm, ném đá.

Trước sự việc này, Thạc sĩ Bùi Thị Kim Tuyến - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người – cho rằng, phụ huynh nên thông cảm hơn với giáo viên, không phải vấn đề nào cũng quan trọng hóa, rồi đưa lên mạng để chỉ trích. Vì giáo viên bây giờ thực sự rất áp lực.

Nghề giáo là một trong những nghề chịu nhiều áp lực, rất cần sự chia sẻ của phụ huynh. Ảnh: Hải Nguyễn

“Tôi thử hỏi các bố mẹ, ở nhà có một hai đứa con nhiều khi đã quay cuồng, giờ ở lớp học vài chục cháu. Mà mỗi cháu một tính, không thể chiều hết được, nên phụ huynh cần có cái nhìn cảm thông với nhà giáo. Tôi đã từng nói chuyện với nhiều giáo viên, các em nói muốn bỏ nghề. Lương thấp là một phần, chủ yếu là áp lực công việc quá lớn, chịu sức ép tứ đủ phía. Không may học sinh bị ngã xây xát, phụ huynh cũng đến trường làm ầm lên khiến giáo viên bị kỷ luật ” - thạc sĩ Bùi Thị Kim Tuyến chia sẻ.

Nói về tính huống ứng xử sư phạm trên, thạc sĩ Tuyến cho rằng, cô giáo nhắn OK là đã đủ thông tin. Theo quy định của Bộ GDĐT, giáo viên không được sử dụng điện thoại khi đang giảng dạy trên lớp, nên cần nhắn nhanh và gọn. Nếu lịch sự, phụ huynh đáng lẽ nên viết giấy xin phép nghỉ học cho con, hoặc gọi điện thông báo cho giáo viên.

“Vì lớp học đông, giáo viên còn phải quản học sinh, thời gian đâu để cô ngồi nhắn tin trau chuốt. Mà không phải cô giáo nào ở tuổi trên 50 cũng thuần thục về công nghệ, để gõ một tin nhắn dài, với những câu hỏi thăm sức khỏe học sinh như các phụ huynh mong muốn. Tôi nghĩ việc này chẳng có gì đáng để phụ huynh phải làm ầm ỹ lên như thế” – thạc sĩ Tuyến thẳng thắn.

Theo Đặng Chung (Lao Động)