Gia đình

Không nhớ bị chó cắn từ khi nào, cô gái tử vong vì bệnh dại

Gia đình đã sốc khi người thân nhập viện cấp cứu nghi viêm não nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với virus dại.

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thị Thúy, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết đây là nữ bệnh nhân 23 tuổi, quê tại Bảo Thắng, Lào Cai. Bệnh nhân được chuyển đến với chẩn đoán theo dõi viêm não từ tuyến dưới. Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng giống với người nhiễm virus dại.

Bệnh viện đã lấy hai mẫu dịch não tủy và dịch tị hầu gửi đi làm xét nghiệm PCR. Kết quả khẳng định nữ bệnh nhân này dương tính với virus dại. 

Khi nghe giải thích từ bác sĩ, gia đình rất sốc vì không nhớ bệnh nhân bị chó cắn từ khi nào. Ngoài ra, virus này còn có thể lây qua các vết thương hở, hoặc bị chó mèo cào. Tại viện, nữ bệnh nhân này 2 lần ngừng tim. Cuối cùng, gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà.

Trường hợp khác được xác định nhiễm virus dại tại viện là bệnh nhân nam trú tại Phú Thọ. Người này đến cấp cứu trong tình trạng sợ nước, sợ gió, ánh sáng. Sau khi nghe bác sĩ giải thích tình hình bệnh dại đã tấn công vào hệ thần kinh, không thể cứu được, gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà.

Người thân cho biết cách đó không lâu bệnh nhân này bị chó cắn. Sau đó, gia đình giết con vật để liên hoan. Khi tiếp nhận thông tin này bệnh viện đã liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Thọ để điều tra dịch tễ, tiến hành tiêm phòng dại cho thành viên tham gia mổ chó. Bác sĩ Thúy cho biết nếu người giết mổ chó tiếp xúc với dịch tiết dãi có vết thương hở trên da sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus dại.

Theo vị chuyên gia này, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật phổ biến như chó, mèo.

Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tỷ lệ tử vong 100%. Thời gian ủ bệnh trung bình 20-60 ngày nhưng có thể kéo dài nhiều năm sau. Y văn ghi nhận có trường hợp ủ bệnh đến 3-4 năm, thời kỳ ủ bệnh ngắn khi vết thương ở vùng đầu mặt hoặc lây bệnh qua ghép giác mạc. Vì vậy, người bị chó mèo cắn phải đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng dại.

Đặc biệt, người dân cần chủ động tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, phòng tiêm chủng của bệnh viện đã tiếp nhận 99 trường hợp bị chó, mèo cắn, trong đó có 56 trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại, chiếm tỷ lệ 56%.

Theo Phương Thúy (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/khong-nho-bi-cho-can-tu-khi-nao-thieu-nu-tu-vong-do-dai-2110504.html