Bố mẹ "vắng mặt" trong tuổi thơ thì khó mà trở thành "nhân vật chính" trong lòng con.

Gần đây có một đoạn clip ngắn đang gây bão MXH Trung Quốc. Trong đoạn clip, một bà mẹ nhẹ nhàng hỏi con trai mình: "Bé yêu ơi, nếu mẹ và bố con ly hôn, con sẽ muốn ở với ai?". Có lẽ người mẹ chỉ hỏi cho vui nhưng câu trả lời bộc phát từ đứa trẻ 5 tuổi khiến chị sững sờ.

"Con chọn bố, vì bố có tiền!", cậu bé đáp.

Khoảnh khắc ấy, người mẹ như sụp đổ tại chỗ, đau lòng, nụ cười trên môi chị như đông cứng lại.

Câu trả lời vô tư của con trai khiến người mẹ vô cùng đau lòng

Sau khi xem video này, có cư dân mạng bình luận: "Không phải lỗi của đứa trẻ, mà là cách dạy dỗ của người lớn có vấn đề". Cũng có người để lại lời nhắn: "Những đứa trẻ được ông bà nuôi từ nhỏ, thường lạnh lùng và thực dụng hơn vì chúng không từng trải qua hơi ấm thực sự từ sự đồng hành của cha mẹ".

Nhiều bà mẹ than phiền rằng từ lúc mang thai, họ đã phải một mình đi khám, chịu đựng cơn nghén, lết cái bụng nặng nề qua những ngày hè oi ả và đêm đông giá lạnh. Đến ngày sinh, họ đau đến tái mặt, nghiến răng chịu đựng những cơn co thắt kéo dài hàng chục tiếng. Từng là người phụ nữ chân đi giày cao gót, tay xách túi, áo váy chỉn chu đi làm đi chơi, nay vì con mà họ nghỉ việc, mặt mũi bơ phờ, quần áo lôi thôi, ngày nào cũng bận rộn đến mức chưa từng có một giấc trưa trọn vẹn.

Ngày nào cũng nấu cơm, giặt đồ, ru ngủ, kể chuyện cho con, quay vòng như cái chong chóng. Cay đắng hơn cả, là mọi điều mẹ làm, con chỉ nhớ mỗi câu: "Bố có tiền".

Đây chẳng phải một câu nói của con trẻ vô tư, mà thực tế đã nói lên cả một thực trạng, một góc khuất trong giáo dục gia đình.

Nếu trẻ chọn "bố có tiền", đừng chỉ trách con thực dụng

Đừng vội gán cho con nhãn "vô ơn", cũng đừng trách con "ích kỷ, lạnh lùng". Trẻ chỉ đang nói ra điều mà chúng cho là "đáng tin" nhất trong mắt mình. Mà sự "đáng tin" ấy, chính là hệ quả từ giá trị mà người lớn truyền vào đầu chúng từ nhỏ.

Có thể trẻ chỉ thấy rằng bố là người mua đồ chơi, đặt đồ ăn, quẹt điện thoại thanh toán không chớp mắt. Còn mẹ thì sao? Mẹ thường nói: "Không được", "Đắt quá", "Cái này không mua được"...

Trong mắt trẻ, bố là "người làm được mọi thứ", còn mẹ là "người luôn cấm đoán". Bạn nghĩ xem, trẻ sẽ chọn ai?

Chuyện này giống như bạn để một người chọn giữa hai bên, một người suốt ngày ép ăn rau, người còn lại thì mỗi ngày đều có khoai tây chiên, gà rán, nước ngọt. Trẻ nhỏ đâu phân biệt được bên nào tốt cho sức khỏe, chúng chỉ biết bên nào "sướng" hơn.

Trẻ chịu ảnh hưởng từ chính giá trị người lớn truyền vào đầu chúng (Ảnh minh họa)

Câu hỏi đặt ra là có phải chính chúng ta đang tự tay nuôi dưỡng nên một đứa trẻ "vô ơn"? Sự lạnh nhạt của trẻ không phải sinh ra đã có, mà là kết quả của quá trình giáo dục, đồng hành, thậm chí là cách chúng ta thể hiện cảm xúc hàng ngày.

1. Chiều con như chiều vua, đến lúc con "coi thường" bạn cũng là chuyện dễ hiểu

Từ nhỏ, con ăn mặc có người lo, việc gì cũng có người làm thay, không muốn mang vớ, không chịu dọn bát đĩa, thậm chí bài tập cũng không muốn tự làm. Bạn luôn nói "Để mẹ làm cho" và hậu quả là bạn nuôi dạy ra một đứa trẻ không biết ơn, không hiểu giá trị lao động.

Nếu chưa từng trải qua việc "cho đi", trẻ làm sao hiểu được sự vất vả của cha mẹ? Không hiểu sự hy sinh thì cũng không thể học được lòng biết ơn.

Một cư dân mạng từng chia sẻ: "Anh tôi từ nhỏ không phải làm gì, lấy vợ rồi mà con khóc cũng không biết bế. Giờ mẹ tôi già yếu, muốn anh ấy chăm sóc vài hôm, anh chỉ nói: 'Con bận việc, không có thời gian'".

Giáo dục như thế, chẳng khác nào một sự thất bại âm ỉ kéo dài.

2. Vừa hy sinh, vừa than vãn: Con không cảm động mà còn thấy phiền

Nhiều bậc cha mẹ, nhất là mẹ, hay nói với con: "Con có biết mẹ vất vả thế nào không?"/ "Vì con mà mẹ đã từ bỏ biết bao nhiêu thứ?"/ "Con chẳng hiểu chuyện gì cả, mẹ nuôi con uổng công rồi!"...

Lúc đầu nghe một hai lần, có thể trẻ còn áy náy, nhưng nếu những lời "đạo đức hóa sự hy sinh" này lặp đi lặp lại mỗi ngày, tai trẻ sẽ tự động đóng lại, lòng cũng trở nên chai sạn. Chúng sẽ nghĩ: "Mẹ sinh con là do mẹ chọn, chứ con đâu có ép mẹ sinh. Mẹ nói hoài vậy để làm gì?".

Nghe câu này thấy đau lòng không? Nhưng nhiều đứa trẻ bây giờ thật sự nghĩ như vậy.

Đừng lúc nào cũng dùng sự hy sinh làm công cụ ràng buộc đạo đức (Ảnh minh họa)

3. Bố mẹ "vắng mặt" trong tuổi thơ thì làm sao trở thành "nhân vật chính" trong lòng con?

Nhiều gia đình vì áp lực kinh tế, phải gửi con cho ông bà nuôi, bản thân thì đi xa kiếm tiền. Bề ngoài là "vì tương lai con", nhưng trẻ không hiểu điều đó. Chúng chỉ biết: "Lúc con sốt là bà nội đưa đi bệnh viện", "Con té là ông ngoại dán băng cá nhân", "Con khóc là bà ngoại dỗ dành"...

Thế thì khi lớn lên, trẻ sẽ thân với ai? Chắc chắn không phải là người "chỉ thỉnh thoảng gọi video".

Tình cảm của trẻ được xây dựng bằng thời gian, chứ không thể chỉ dựa vào câu: "Mẹ làm vậy là vì con".

Vậy làm sao để không dạy con thành một đứa trẻ "vô ơn"?

1. Đừng làm hết mọi việc cho con

Hãy cho con biết rằng cơm không tự rơi từ trời xuống, đồ chơi cũng không tự có sẵn. Hãy để con học cách chịu trách nhiệm, như làm việc nhà, chăm thú cưng, quan tâm người trong nhà. Đó là cách giúp con rèn khả năng thấu cảm.

2. Đừng lấy tình yêu làm công cụ đạo đức

Yêu con là hành động, không phải là lời nói. Bạn có thể hy sinh thầm lặng, nhưng hãy để con tự nhận ra tình yêu ấy, thay vì suốt ngày nhắc: "Mẹ vì con mà thế này, thế kia…". 

Trẻ cần sự đồng hành thực sự chất lượng từ cha mẹ (Ảnh minh họa)

3. Dành thời gian thật sự chơi, nói chuyện, kết nối với con

Đừng xem nhẹ mười phút trò chuyện trước giờ ngủ, hay lúc cùng vẽ tranh, lắp lego. Chính sự hiện diện ấm áp ấy mới khiến con, khi lớn lên, nhớ về bạn với sự yêu thương thật lòng.

Khi con nói ra một câu khiến ta đau lòng, thay vì buồn bã, hãy tự hỏi:

Có phải đã lâu rồi con không cảm nhận được sự dịu dàng và mạnh mẽ của chúng ta?

Có phải ta chỉ mải "nuôi", mà quên mất phải "dạy"?

Có phải ta chỉ chăm chăm cho con thật nhiều, mà quên mất sự hiện diện thật sự?

Hình hài cuối cùng của con trẻ, chính là phản chiếu cách ta giáo dục đấy.

Theo Thiên An (Thanh Niên Việt)