Theo bạn, "lỗi" ở đâu?

Không khó để bắt gặp những hình ảnh như thế này: Mẹ tay xách cặp, vừa chạy theo vừa lo lắng kiểm tra xem con có quên sách vở gì không; con mới ngã cái là mẹ đã vội vàng lao đến bế lên; lúc con làm thủ công thì tay mẹ còn bận rộn hơn con.

Những "bà mẹ siêng năng" ấy giống như những con quay không biết mệt, lo toan sắp xếp từng ly từng tí trong cuộc sống của con. Thế nhưng, trớ trêu thay, chính những bà mẹ tận tụy nhất lại rất dễ nuôi ra những đứa trẻ thiếu sức sống. Đằng sau điều đó là ba "cái bẫy của sự siêng năng" mà cha mẹ nên ngẫm nghĩ thật kỹ.

Tại sao 3 kiểu bà mẹ
Ảnh minh hoạ

Cái bẫy thứ nhất: Bà mẹ kiểu "bao trọn gói" – dùng sự chăm chỉ để cắt mất đôi cánh của con

Một câu chuyện từng gây chấn động về một thiếu niên ở Hồ Nam được mệnh danh "thần đồng số 1 Trung Quốc": 13 tuổi vào đại học, 17 tuổi vào Viện Hàn lâm Khoa học nhưng cuối cùng lại bị buộc thôi học vì không thể tự chăm sóc bản thân.

Mẹ của cậu bé bao thầu tất cả việc nhà, đến mức còn đút cơm cho con đến tận khi học cấp ba. Khi sống một mình ở Bắc Kinh, cậu ta để quần áo dơ chất đống, giữa mùa đông lạnh giá vẫn mặc phong phanh ra đường.

Câu chuyện như một tấm gương phản chiếu nỗi lo lắng chung của các bậc cha mẹ ngày nay – chúng ta sợ con đi đường vòng, mà quên mất rằng chính đường vòng mới là con đường trưởng thành.

Giống như một đứa trẻ mới tập đi, những cú ngã là dưỡng chất nuôi lớn cảm giác thăng bằng; còn nếu mãi bị bế bồng trong lòng, chúng sẽ chẳng bao giờ biết đi là như thế nào.

Cái bẫy thứ hai: Bà mẹ siêng "lo lắng" – dùng sự quan tâm thái quá để giăng kín một cái lưới vô hình

Từng có một bà mẹ chia sẻ trên mạng thời gian biểu chi tiết từng phút của con: 7 giờ sáng dậy nghe tiếng Anh, tan học là học Toán nâng cao, piano, lập trình – kín cả buổi tối.

Đứa trẻ như một món đồ chơi lên dây cót, ngay cả thời gian mơ màng cũng bị coi là "lãng phí". Sự sắp xếp kín kẽ ấy thực chất là nỗi sợ hãi với những điều không chắc chắn.

Giống như cây mọng nước được nuôi trong nhà kính, nhìn có vẻ được chăm sóc kỹ, nhưng lại không chịu được gió sương chút nào.

Trong khi đó, ở Phần Lan, họ cho phép trẻ có 2 tiếng mỗi ngày để chơi tự do. Việc chơi đắp người tuyết, quan sát kiến... giúp phát triển sự tập trung, có thể còn giá trị hơn hàng giờ luyện đề.

Cái bẫy thứ ba: Bà mẹ chăm chỉ "khen ngợi" – dùng mật ngọt nuôi ra những tâm hồn yếu ớt như thủy tinh

Trong lúc "giáo dục bằng khen ngợi" thịnh hành trên mạng xã hội, từng có trường hợp điển hình nhất: Một bà mẹ cài điện thoại mỗi giờ phát ra câu: "Con giỏi quá, con là số một!". Con vẽ một ông mặt trời méo mó, cả nhà thay nhau khen "giống Picasso quá!". Kết quả là đến lớp 3, chỉ vì bài tập được điểm thấp, đứa trẻ đã khóc và nhịn ăn để phản đối.

Khen ngợi quá mức giống như bón phân tăng trưởng, cây con tưởng chừng tươi tốt nhưng rễ lại không hề vững. Sự tự tin thực sự phải đến từ cảm giác chinh phục sau khi vượt khó, chứ không phải từ những lời khen sáo rỗng.

Điểm chung của ba kiểu "mẹ siêng năng" là: Chuyển việc nuôi con thành hành động tự cảm động bản thân. Họ giống như người làm vườn chăm chỉ, nhưng lại quên rằng cây cối không chỉ cần tưới nước mà còn cần ánh nắng, gió trời.

Trí tuệ thực sự trong giáo dục nằm ở chỗ "biết cái gì không nên làm":

Thời gian để trống giúp con học cách sắp xếp.

Trải nghiệm thất bại giúp con học được bản lĩnh.

Đánh giá khách quan giúp con hiểu rõ chính mình.

Khi buông bỏ được khát vọng làm "người mẹ hoàn hảo", có thể bạn sẽ thấy một đứa trẻ biết tự xỏ giày, biết buồn vì điểm thấp, biết giúp mẹ phơi đồ – mới chính là hình ảnh đẹp nhất của sự trưởng thành.

Bởi vì, một đứa trẻ ưu tú không phải được "siêng năng nuôi thành", mà là từ không gian phù hợp, tự mình lớn lên.

Theo Hiểu Đan (Phụ Nữ Số)