Gia đình

Ngủ trưa quan trọng thế nào và ngủ trong bao lâu là tốt nhất? Chuyên gia thần kinh sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó

Sau thời gian làm việc buổi sáng, một giấc ngủ trưa thực sự giúp cơ thể hết mệt mỏi, phục hồi sức khỏe, tái tạo lại năng lượng, cải thiện trí nhớ, cải thiện tâm trạng, làm tăng tư duy sáng tạo.

Mới đây, một nhà thần kinh học đã tiết lộ những điều nên làm và không nên làm trong giấc ngủ trưa cực kỳ quan trọng đó.

Tiến sĩ Matthew Walker, giáo sư khoa học thần kinh và tâm lý học tại Đại học California cho biết, thời gian lý tưởng cho một giấc ngủ trưa chỉ nên kéo dài tối đa 20 phút.

Những người ngủ lâu hơn có thể rơi vào trạng thái ngủ sâu. Lúc đó, khi bắt buộc bị tỉnh dậy, đầu óc cảm thấy mơ màng, uể oải hơn lúc trước khi ngủ trưa... do các cơ quan trong cơ thể chưa sẵn sàng làm việc lại. 

Để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ buổi tối, chuyên gia khuyến cáo không nên ngủ trưa sau 3h chiều nhất là những người bị mất ngủ.

Ngủ trưa quan trọng thế nào và ngủ trong bao lâu là tốt nhất? Chuyên gia thần kinh sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó

Thông thường, 1 chu kỳ ngủ sẽ bao gồm 4 giai đoạn ngủ, trong đó 3 giai đoạn đầu thuộc giấc ngủ NREM (giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh) và giai đoạn cuối thuộc giấc ngủ REM (giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh):

Giai đoạn 1 – Ru ngủ: Giai đoạn đầu tiên của giấc ngủ NREM sẽ diễn ra trong vòng 1 – 5 phút. Đặc điểm chính trong giai đoạn này bao gồm chuyển động chậm dần của nhịp thở, nhịp tim, sóng não, mắt, các cơ dần thả lỏng. Người ngủ sẽ rất dễ bị tỉnh và một khi tỉnh giấc sẽ rất khó ngủ tiếp.

Giai đoạn 2 – Ngủ nông: Giai đoạn giữa của giấc ngủ NREM chiếm tới 50% thời lượng giấc ngủ, khoảng 10 – 60 phút và kéo dài hơn sau mỗi chu kỳ. Lúc này, các chức năng cơ thể giảm dần, sóng điện não chậm lại, nhịp tim, nhịp thở chậm dần và mắt không động đậy. Người ngủ sẽ có ý thức lơ mơ và không thể nhìn thấy gì ngay cả khi mắt đang mở.

Giai đoạn 3 – Ngủ sâu và rất sâu: Giai đoạn cuối của giấc ngủ NREM là giai đoạn ngủ sâu và rất khó để tỉnh giấc, thời lượng khoảng 20 – 40 phút, toàn bộ nhịp tim, nhịp thở và sóng não đều đặn hơn. Đây là giai đoạn rất quan trọng và có vai trò quyết định bạn có một đêm ngon giấc hay không. Thức giấc vào giai đoạn này sẽ gây ra cảm giác mệt mỏi và thậm chí cáu kỉnh.

Giai đoạn 4 – Ngủ mơ: Đây là giai đoạn thuộc giấc ngủ REM kéo dài 10 – 60 phút và là giai đoạn các giấc mơ xuất hiện.

Tiến sĩ Walker cho biết giai đoạn thứ hai, khoảng 20 phút, là thời gian chợp mắt lý tưởng. Khoảng thời gian này tạo ra những lợi ích lớn nhất cho việc học, làm việc và tăng cường trí nhớ, đồng thời giảm lo lắng.

Một nghiên cứu cho thấy rằng một giấc ngủ trưa kéo dài 9 phút cũng giúp cơ thể tỉnh táo, và phản ứng nhanh nhạy.

Tuy nhiên, chợp mắt hơn 20 phút đồng nghĩa với việc bước vào giai đoạn sâu hơn của chu kỳ giấc ngủ. Thức dậy sau một giấc ngủ sâu — khoảng 40 phút hoặc một giờ sau khi chợp mắt — có thể xuất hiện trạng thái nôn nao khiến bạn uể oải và mệt mỏi hơn.

Chính sự uể oải sau khi thức dậy đã ảnh hưởng tới tâm trạng và cản trở các chức năng của não, bạn có thể mất một giờ nữa để trở nên tỉnh táo hơn.

Phát biểu trên kênh YouTube The Diary Of A CEO, Tiến sĩ Walker cho biết, ngủ trưa có thể mang lại một số lợi ích tuyệt vời: có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, làm giảm huyết áp, cải thiện tập trung và trí nhớ giúp học tập và lưu trữ thông tin tốt hơn. Ngoài ra, giấc ngủ trưa có thể cải thiện tâm trạng, gia tăng cảm xúc tích cực và hạn chế cảm xúc tiêu cực.

Ngủ trưa thường không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ ban đêm đối với hầu hết mọi người.

Tuy nhiên, với những người có giấc ngủ chập chờn, khó ngủ và ngủ ít vào ban đêm thì rất dễ có tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ vào ngày hôm sau. Bệnh mất ngủ có thể sẽ trầm trọng hơn nếu tiếp tục ngủ bù vào buổi trưa, sau đó lại lặp lại vòng tuần hoàn này vào không thể quay về giờ giấc sinh học vốn có.

Vì thế để tình trạng này không nặng hơn thì những người bị mất ngủ vào ban đêm nên cố gắng hạn chế việc ngủ trưa dù chỉ là chợp mắt.

HL (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/ngu-trua-quan-trong-the-nao-va-ngu-trong-bao-lau-la-tot-nhat-chuyen-gia-than-kinh-se-giup-ban-tra-loi-cau-hoi-do-d170598.html