Theo báo cáo của Cục thống kê, đến quý II năm nay, Việt Nam có khoảng 1,35 triệu thanh niên không đi học cũng không đi làm.

Mới đây, Cục thống kê (Bộ Tài chính) công bố báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý II và 6 tháng đầu năm.

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong quý II/2025, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 53,1 triệu người, tăng 169.800 người so với quý trước và tăng 553.200 người so với cùng kỳ năm 2024. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động giữ ở mức 68,2%, giảm nhẹ 0,4 điểm % so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động đạt 53 triệu người, tăng 542.600 người so với cùng kỳ năm trước.

Khó tin: Hơn 1,3 triệu thanh niên Việt không học cũng không đi làm- Ảnh 1.
Ảnh minh họa

Lao động có việc làm

Lao động có việc làm quý II/2025 ước tính là 52,0 triệu người, tăng 138,6 nghìn người so với quý trước và tăng 544,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 20,2 triệu người, tăng 152,6 nghìn người so với quý trước và tăng 440,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 31,8 triệu người, giảm 14,0 nghìn người và tăng 103,5 nghìn người.

Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm quý II/2025 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,5 triệu người, chiếm 25,9%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,3 triệu người, chiếm 33,2%; khu vực dịch vụ là 21,2 triệu người, chiếm 40,9%.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, lao động có việc làm là 51,9 triệu người, tăng 538,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 20,1 triệu người, tăng 437,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 31,8 triệu người, tăng 101,0 nghìn người.

Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm sáu tháng đầu năm 2025 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,5 triệu người, chiếm 26,0% và giảm 243,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,2 triệu người, chiếm 33,2% và tăng 258,5 nghìn người; khu vực dịch vụ là 21,2 triệu người, chiếm 40,8% và tăng 523,3 nghìn người.

Nhìn chung, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Số lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản)[2] quý II/2025 là 33,0 triệu người, chiếm 63,5% trong tổng số lao động có việc làm.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 63,9%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 48,0%, giảm 1,7 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 74,0%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nam là 67,2%, giảm 1,0 điểm phần trăm và nữ là 60,1%, giảm 1,4 điểm phần trăm.

Thiếu việc làm giảm mạnh

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II/2025 là 799,2 nghìn người, tăng 2,2 nghìn người so với quý trước và giảm 148,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II/2025 là 1,73%, tăng 0,01 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 1,47%, tăng 0,49 điểm phần trăm và giảm 0,06 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 1,90%, giảm 0,31 điểm phần trăm và giảm 0,51 điểm phần trăm.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 798,1 nghìn người, giảm 142,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,72%, giảm 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,23%, giảm 0,14 điểm phần trăm; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,05%, giảm 0,44 điểm phần trăm.

Thu nhập bình quân của người lao động

Thu nhập bình quân của người lao động quý II/2025 là 8,2 triệu đồng/tháng, giảm 58 nghìn đồng so với quý I/2025 và tăng 800 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 9,3 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7,0 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,9 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 7,2 triệu đồng/tháng.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, thu nhập bình quân của người lao động là 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,1%, tương ứng tăng 760 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 9,3 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7,1 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 10,0 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 7,2 triệu đồng/tháng.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2025 là 2,24%, tăng 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,49%; khu vực nông thôn là 2,08%.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động sáu tháng đầu năm 2025 là 2,22%, giảm 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,44%; khu vực nông thôn là 2,08%.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý II/2025 là 8,19%, tăng 0,26 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,18 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,23%; khu vực nông thôn là 7,06%.

Trong quý II/2025, cả nước có khoảng 1,35 triệu thanh niên (từ 15-24 tuổi) không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, chiếm 10,1%. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn là 11,4%, khu vực thành thị là 8,2%; nữ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 11,4%; nam là 8,9%.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 6 tháng đầu năm 2025 là 8,06%, tăng 0,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,65%, tăng 0,46 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 6,69%, giảm 0,18 điểm phần trăm.

Tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm

Quý II/2025, tỉ lệ lao động không được sử dụng hết tiềm năng (gồm người thất nghiệp, thiếu việc làm và nhóm sẵn sàng làm việc nhưng chưa tìm việc) là 3,9%, tương đương khoảng 2,06 triệu người – mức thấp so với giai đoạn đại dịch COVID-19.

So với đỉnh điểm 10,4% vào quý III/2021, con số này cho thấy thị trường lao động đang phục hồi ổn định.

Theo Nam An (Nguoiduatin.vn)