Kinh tế

Bộ Công Thương đề xuất tăng tiếp giá điện trong năm 2024

Mặc dù đã hai lần tăng giá điện trong năm 2023 (mức 3% và 4,5%), song đến nay khoản lỗ của EVN vẫn chưa thể khắc phục nên Bộ Công Thương kiến nghị về việc điều chỉnh giá điện trong năm nay.

Theo VnExpress thông tin, tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá đầu tuần này, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm nay, để phản ánh biến động các chi phí đầu vào và giúp tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Gần nhất, giá điện tăng 4,5% vào tháng 11/2023, với đề xuất của Bộ Công Thương, nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý, đợt tăng giá tiếp theo có thể sẽ vào tháng 5 năm nay.

Đề xuất tăng giá điện được Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh tình hình tài chính của EVN vẫn rất khó khăn, lỗ khoảng 17.000 tỷ đồng năm ngoái dù được điều chỉnh giá bán hai lần. Tính chung 2022-2023, tập đoàn này lỗ gần 38.000 tỷ đồng, trong đó số lỗ sau kiểm toán hợp nhất 2022 gần 20.750 tỷ đồng. Khoản này chưa gồm chênh lệch tỷ giá treo từ các năm trước, khoảng 14.000 tỷ đồng.

Bộ Công Thương đề xuất tăng tiếp giá điện trong năm 2024
Bộ Công Thương đề xuất tăng tiếp giá điện trong năm 2024.

EVN lý giải nhiều thông số đầu vào ảnh hưởng tới chi phí. Ngoài ra, còn do giá nhiên liệu đầu vào dù giảm so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao so với trước, theo VTC News.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch EVN cho rằng, nếu tình hình tài chính không sớm cải thiện thì đời sống người lao động ảnh hưởng, nhiều cán bộ lương thấp quá sẽ rời ngành ra đi.

Còn ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng nhận định, nếu không tăng giá điện thì không thể giải quyết được lỗ lũy kế của EVN.

Trong năm qua, giá điện tăng tới hai lần: một lần vào đầu tháng 5, một lần vào giữa tháng 11. Ở lần tăng đầu tiên, giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm 3%, từ 1.864,44 đồng/kWh lên 1.920,37 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Sang lần hai, giá điện tăng tiếp lên 2.006,79 đồng/kWh, tức tăng 4,5%.

Hiện tại, bậc 1 cho kWh 0-50 là 1.806 đồng/kWh (biểu giá cũ hồi đầu năm là 1.678 đồng/kWh); bậc 2 cho kWh 51-100 là 1.866 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.734 đồng/kWh); bậc 3 cho kWh 101-200 là 2.167 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.014 đồng/kWh); bậc 4 cho kWh 201-300 là 2.729 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.536 đồng/kWh); bậc 5 cho kWh 301-400 đồng/kWh là 3.050 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.834 đồng/kWh); bậc 6 cho kWh 401 trở lên là 3.151 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.927 đồng/kWh), thông tin trên Dân Trí.

Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản gửi EVN yêu cầu khẩn trương xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng. Theo đó, EVN sẽ xây dựng lộ trình và đề xuất đối tượng khách hàng sử dụng điện áp dụng giá bán điện hai thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng.

Trên cơ sở đề xuất về cơ chế và lựa chọn đối tượng khách hàng, công ty điện lực tính toán đối chứng, so sánh việc áp dụng giá bán điện hai thành phần với việc áp dụng giá bán điện theo biểu giá điện hiện hành.

EVN cũng được yêu cầu nghiên cứu, đánh giá tác động việc thực hiện giá bán lẻ điện bình quân và tác động với các nhóm khách hàng sử dụng điện khi áp dụng cơ chế giá bán điện hai thành phần; báo cáo tổng kết và đề xuất cơ chế giá bán điện hai thành phần sau giai đoạn tính toán, đối chứng gửi về Bộ Công Thương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/bo-cong-thuong-de-xuat-tang-tiep-gia-dien-trong-nam-2024-d206338.html