Kinh tế

Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Quy hoạch cả cá tra, cá rô phi là vô lý

Tình trạng bộ nào cũng muốn giữ quy hoạch như "giấy phép con", tạo cơ chế xin - cho là vấn đề gây bức xúc khi Thường vụ Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật Quy hoạch.

Tình trạng bộ nào cũng muốn giữ quy hoạch như "giấy phép con", tạo cơ chế xin - cho là vấn đề gây bức xúc khi Thường vụ Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật Quy hoạch.

Tình trạng quy hoạch ngành, sản phẩm quá nhiều nhưng chất lượng thấp, thiếu tính khả thi, thiếu gắn kết, chồng chéo... là thực trạng được chỉ ra trong phiên thảo luận sáng sáng 16/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật quy hoạch (sửa đổi).

Theo đại diện cơ quan soạn thảo, sản phẩm phát triển tới đâu là do nhu cầu thị trường, không chỉ trong nước, mà cả quốc tế. “Nếu đặt ra quy hoạch mà không kiểm soát được thực tiễn phát triển của thị trường, nền kinh tế... thì không thể quản lý được. Qua phân tích đều nhận được đồng thuận rất cao việc bỏ quy hoạch ngành sản phẩm. Đây chính là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng là cái cớ để xin – cho”, ông Đông đúc kết.

bo-ke-hoach-dau-tu-quy-hoach-ca-ca-tra-ca-ro-phi-la-vo-ly

Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định, Bộ Kế hoạch & Đầu tư không có ý định xây dựng luật này nhằm “kéo” thêm quyền về bộ để quản lý. Ảnh: VPQH

Dẫn trường hợp cụ thể tại Bộ Công Thương, vị lãnh đạo ngành kế hoạch cho rằng những trường hợp như quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, quy hoạch cá tra, cá rô phi... là vô lý, không đi theo nhu cầu phát triển của thị trường, nền kinh tế.

“Anh lấy quy hoạch để cho phép người này được quyền xuất khẩu gạo, người kia không được quyền xuất, là vô lý. Có chăng chỉ nên quy định điều kiện để được xuất khẩu, chứ không phải đưa vào quy hoạch. Tương tự, quy hoạch cá tra, cá rô phi... cũng vậy. Vậy nên nếu đưa ra mà không quản lý được quy hoạch kiểu thế thì không đúng. Sau khi tranh luận, Bộ Công Thương đã đồng ý bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm”, Thứ trưởng Đông thẳng thắn. 

Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết cơ quan này đồng ý loại bỏ các quy hoạch sản phẩm. Thay vào đó, các sản phẩm cụ thể sẽ được quản lý bằng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kinh tế...

“Điều này sẽ giúp bỏ được những loại giấy phép con, là bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Quy hoạch sản phẩm thường có độ trễ so với thị trường. Vì thế nên để cho thị trường quyết định”, ông Thanh nói.

Nhất trí bỏ quy hoạch sản phẩm vì không thích nghi cơ chế thị trường, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: "Bây giờ thị trường cần bao nhiêu sản phẩm thì khi đó cung – cầu quyết định chứ không phải do ông kế hoạch đề ra năm nay sản xuất 10 tấn thóc hay 10 tấn tôm".

Tuy ủng hộ việc xoá bỏ quy hoạch sản phẩm để tránh "doanh nghiệp phải chạy đi, chạy lại rất khổ nếu muốn có giấy phép đầu tư", nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu lưu ý cơ quan soạn thảo cần phân tích thêm mặt lợi của quy hoạch này, nếu không sẽ làm đảo lộn tất cả cơ cấu đã có. "Mấy hôm nay cứ tranh luận mãi chuyện có nên đưa dự án thép Cà Ná vào quy hoạch hay không. Ngành xi măng, thép... phát triển được như ngày nay là nhờ có quy hoạch sản phẩm, không thể phủ nhận", vị này trăn trở. 

Đọc tờ trình của Chính phủ về dự luật này, Tổng thư ký của Quốc hội – Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn, khi ban hành luật có hạn chế được tình trạng "lạm phát" dự án, rồi tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch lâu nay? “Đọc dự án luật này tôi lại thấy điều ngược lại. Lâu nay chúng ta vẫn mắc là cần khen thì khen hết lời, đến lúc chê thì cũng hết lời”, ông Phúc nói.

Trưởng ban dân nguyện Trần Thanh Hải thì đề nghị cơ quan soạn thảo phân tích thêm, tiền ngân sách dành làm quy hoạch mỗi năm tới 8.000 tỷ đồng giảm bao nhiêu khi dự luật này ban hành.

Giải trình thêm, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đưa ra con số, nếu phương án quy hoạch tổng thể quốc gia được thông qua thì số lượng quy hoạch sẽ giảm xuống, kinh phí dự kiến chỉ còn 248 tỷ đồng.

Trước băn khoăn dự thảo luật nếu được thông qua có phá vỡ quy hoạch hiện nay, ông Đông dẫn ví dụ việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, người dân ở một vùng ngoại thành 9 năm không có đất kinh doanh chỉ vì quy hoạch đất đai của Sở Tài nguyên & Môi trường khác Sở Quy hoạch kiến trúc. Đó là lý do phải có quy hoạch tích hợp như dự thảo đã đề cập.

Nếu phương án quy hoạch tổng thể quốc gia được thông qua thì sau đó sẽ rà soát các quy hoạch hiện hữu và một Hội đồng sẽ thẩm định các quy hoạch để giữ lại quy hoạch còn hiệu quả, bỏ quy hoạch chồng chéo. Sau quy trình đó, lần đầu tiên sẽ có bản quy hoạch tổng thể quốc gia tích hợp cả quy hoạch ngành, địa phương dựa theo chiến lược phát triển kinh tế.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng khẳng định, Bộ Kế hoạch & Đầu tư không có ý định xây dựng luật này nhằm “kéo” thêm quyền về bộ để quản lý.

Theo Nguyễn Hoài (VnExpress.net)