“Bây giờ phải nhặt từng nghìn một. Cuốc xe 15 nghìn thì tài xế nhận về 8,9 nghìn, cuốc xe 12 nghìn nhận về 8,8 nghìn đồng. Để có tiền lo cho gia đình, tôi phải chạy xe 13-14 tiếng, thậm chí là 16 tiếng một ngày”.
Đó là chia sẻ của anh Phú, một tài xế xe ôm công nghệ tại Hà Nội khi hãng xe của anh tăng chiết khấu lên 39%. Anh Phú cho biết, bản thân anh chỉ học hết cấp 3, cũng trải qua nhiều công việc làm thuê chân tay nặng nhọc, vất vả, nhận về vài triệu đồng/tháng. Vậy nên, năm 2019, anh xin làm xe ôm công nghệ.
“Đợt mới làm tôi thấy thích lắm. Thời gian tự do, thoải mái, tiền lại có đút túi hàng ngày. Thu nhập một tháng sau khi trừ các chi phí cũng được từ 8-10 triệu đồng, cao hơn lương ngày trước”, anh Phú nói.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng tài xế gia nhập hãng xe công nghệ của anh Phú ngày càng nhiều, công ty tăng chiết khấu từ 32% lên đến 39%. Số lượng cuốc xe “nổ về” giảm lại tăng chiết khấu khiến thu nhập của anh Phú giảm đi một nửa.
“Kinh tế khó khăn. Các khu công nghiệp cắt giảm công nhân nhiều lắm nên công nhân họ tràn về, thêm cả dân văn phòng chạy thêm, các tài xế ở các hãng khác bị khoá app cũng nhảy sang bên tôi làm tài xế dẫn đến quá đông tài xế mà lượng khách lại ít đi. Cả ngày “đói khách”, được một cuốc xe thì công ty chiết khấu đến 39% thì tài xế còn gì”, anh Phú phân tích.
Theo anh Phú, hãng xe công nghệ anh đang làm không yêu cầu tài xế phải cung cấp giấy tờ lý lịch tư pháp nên đăng kí làm tài xế rất dễ. Chỉ cần có giấy tờ xe, giấy phép lái xe và 400 nghìn đồng mua đồng phục là có thể nhận cuốc kiếm tiền.
Vì vậy, ngày càng nhiều người gia nhập hãng xe công nghệ này. “Công ty thì càng nhiều tài xế họ lại càng bán được nhiều đồng phục. Miếng bánh bị cấu nhỏ dần, tài xế tăng thời gian chạy mới đủ sống”, anh Phú thở dài.
Để có tiền trang trải tiền nhà trọ, điện nước, tiền ăn và tiền gửi về cho vợ con, anh Phú phải chạy “bạt mạng” ngoài đường từ 13-14 tiếng mỗi ngày. Có những ngày “ế”, anh phải đứng ngoài đường đến 16 tiếng.
“Tính ra giờ chỉ được từ 3.200-3.300 đồng/km. Chạy từ 13-14 tiếng/ngày được 500 nghìn đồng thì công ty chiết khấu mất 195 nghìn đồng, tiền ăn một ngày hết 60-70 nghìn đồng, xăng xe hết 80 nghìn đồng. Tài xế tính ra chỉ còn 155 nghìn đồng.
Chưa kể cứ 1 tuần hoặc 10 ngày phải thay dầu xe một lần. Chạy xe số còn tiết kiệm được một tí chứ xe ga thì chỉ đủ ăn và tiền nhà trọ nhưng vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì giờ tình hình khó khăn chung, tìm việc khác cũng khó”, anh Phú thở dài.
Hơn 5 giờ chiều, anh Đạt, xe ôm công nghệ tại Hà Nội chỉ vào app của mình với doanh thu của 11 cuốc xe hoàn thành là 266 nghìn đồng. Anh Đạt cho biết, đó là số tiền mà anh “cày” khoảng 10 tiếng, chưa trừ xăng xe, ăn sáng và ăn trưa.
“Bây giờ hãng xe công nghệ bên tôi chiết khấu khoảng 33%, số cuốc xe thì giảm khoảng 50% vì tài xế quá đông. Có ngày đi làm chỉ đủ tiền ăn và xăng xe nhưng bây giờ kinh tế khó khăn, nghỉ làm xe ôm thì không biết làm gì”, anh Đạt nói.
Theo anh Đạt, mặc dù vất vả, lượng khách ít nhưng vẫn nhiều người đang coi xe ôm công nghệ là một nghề toàn thời gian, đổ xô đi làm khiến số lượng tài xế ngày một tăng theo cấp số nhân.
“Chạy xe cứ như bị cuốn vào ấy, không dứt ra được vì chạy xe này là tiền tươi cầm luôn được về. Mưa hay nắng thích thì nghỉ, ốm đau cũng nghỉ, nhà có việc hay đi chơi cũng tự nghỉ”, anh Đạt chia sẻ.
Tự do, thoải mái nhưng theo anh Đạt, thời gian gần đây thu nhập có ngày không đủ trang trải cuộc sống nên ra Tết anh sẽ đi học nghề hoặc đi làm việc khác.
Bởi vì theo anh Đạt, công việc văn phòng hay công nhân có thể lương không cao nhưng mưa nắng không sợ, không lo rủi ro tai nạn, không hít khói xe, bụi bặm cả ngày. Chưa kể, chạy xe ăn cơm đường cháo chợ suốt ngày, không đúng giờ giấc. Ngày ngồi trên yên xe từ 12-16 tiếng, nhẹ thì bị trĩ, nặng thì bị thoát vị đĩa đệm, thoái hoá đốt sống.
“Nghề tài xế công nghệ bây giờ bạc và vất vả, mệt mỏi lắm chị ạ. Giờ kinh tế khó khăn, tìm việc khác cũng khó. Tôi cố chạy đến tết rồi ra Tết tìm việc khác, lương chỉ cần 8-9 triệu đồng mà được làm giờ hành chính, được đóng bảo hiểm đầy đủ là nghỉ chạy xe luôn”, anh Đạt bộc bạch.
Theo Hồng Cảnh (Nguoiduatin.vn)