Kinh tế

Chính sách hỗ trợ thuế và giao dịch liên kết – 'phao cứu sinh' cho doanh nghiệp

Những chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đã có nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể dành riêng cho doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19.

Trong thời gian chưa có hướng dẫn cụ thể của Chính phủ và bộ ban ngành đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết, doanh nghiệp có thể tham khảo Hướng dẫn về tác động giá giao dịch liên kết của đại dịch Covid-19 do Tổ chức OECD công bố để quản lý giá giao dịch liên kết hiệu quả hơn trong giai đoạn khó khăn này.

Chính sách hỗ trợ thuế và giao dịch liên kết – 'phao cứu sinh' cho doanh nghiệp
Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về ưu đãi thuế dành riêng cho doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Sàng lọc, đánh giá tác động từ Covid-19

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trước những tác động của đại dịch, Chính phủ Việt Nam và các bộ ban ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp và người lao động, tiêu biểu như Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về Gia hạn kê khai và nộp thuế TNDN, GTGT và tiền thuê đất, Nghị quyết số 116/2020/NQ-CP và Nghị định 114/2020/NĐ-CP về Giảm thuế 30% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (có doanh thu dưới 200 triệu đồng).

Tuy vậy, chưa có hướng dẫn cụ thể dành riêng cho doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 như đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, lợi nhuận sụt giảm, thu hẹp quy mô hoạt động… Doanh nghiệp có thể tham khảo Hướng dẫn về tác động giá giao dịch liên kết của đại dịch Covid-19 công bố bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 18/12/2020 để quản lý giá giao dịch liên kết hiệu quả hơn.

Cụ thể, hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 18/12/2020 có bốn điểm chính mà các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết cần lưu ý.

Thứ nhất, ảnh hưởng của Covid-19 phản ánh rõ rệt nhất ở quy trình nghiên cứu so sánh để tìm kiếm các công ty tương đồng. Doanh nghiệp nên cân nhắc loại bỏ các công ty so sánh trong phân tích cũ không chịu tác động của Covid-19 hoặc không có số liệu so sánh cùng kỳ với bên được đánh giá; bổ sung hoặc loại bỏ các tiêu chí sàng lọc, và lựa chọn giai đoạn phân tích so sánh phù hợp.

Thứ hai là việc theo dõi chi phí liên quan đến Covid-19 đối với các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ. Trong năm tài chính, các doanh nghiệp cần ghi nhận và tính toán chi tiết tác động của Covid-19. Cụ thể là thay đổi về doanh số bán hàng, hiệu suất sản xuất và chi phí phát sinh thêm; số liệu phân tích kết quả tài chính theo quý/nửa năm và báo cáo tài chính giữa niên độ; và theo phân khúc bán hàng cho bên liên kết và bên độc lập riêng biệt; xem xét và trao đổi kỹ với các bên liên kết, liên quan đến các dịch vụ nội bộ, nếu phát sinh như sự cần thiết của dịch vụ, chính sách giá trong giao dịch,…

Khi kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp xem xét lại các nghiên cứu so sánh hiện tại, cân nhắc sử dụng kết hợp các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết; và thực hiện điều chỉnh so sánh, như so sánh doanh thu/chi phí/lợi nhuận giữa kế hoạch và thực tế hoặc với năm trước, tính toán các chi phí phát sinh thêm do Covid-19, điều chỉnh lợi nhuận do năng suất thấp, chi phí trong giai đoạn giãn cách,…

Chính sách hỗ trợ thuế và giao dịch liên kết – 'phao cứu sinh' cho doanh nghiệp - 1
Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Tổng Giám đốc tư vấn thuế và giao dịch liên kết - Deloitte Việt Nam.

Thứ ba, các doanh nghiệp thuộc điều kiện được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ do Covid-19 đối với các giao dịch liên kết chú ý phân loại của các khoản hỗ trợ có ảnh hưởng đến chính sách giá và chính sách hỗ trợ có tác động đến giá trong giao dịch liên kết; ảnh hưởng của chính sách hỗ trợ trong quá trình lựa chọn đối tượng so sánh tương đồng, cũng như điều chỉnh các khác biệt trọng yếu.

Cuối cùng, doanh nghiệp nên xem xét tác động của Covid-19 đến quy trình thực hiện APA, phối hợp với cơ quan thuế hướng đến cách thức làm việc hiệu quả và linh hoạt, giảm thiểu rủi ro đình trệ quy trình áp dụng do ảnh hưởng của dịch.

Chính sách đi vào thực tiễn kinh doanh

Dựa trên hướng dẫn của OECD, nhiều quốc gia đã đưa ra các quy định phù hợp với khuôn khổ pháp lý và môi trường kinh doanh.

Điển hình là cơ quan thuế Singapore ban hành hướng dẫn xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với các chi phí liên quan Covid-19, và liên quan đến giá giao dịch liên kết. Việc áp dụng nghiên cứu so sánh sử dụng dữ liệu trung bình nhiều năm đối với giai đoạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, sử dụng các công ty so sánh phát sinh lỗ trong; phương án cụ thể cho từng trường hợp để giải quyết hồ sơ APA, ... Sở thuế vụ Úc cũng ban hành hướng dẫn về tác động kinh tế của Covid-19 đối với các thỏa thuận giao dịch liên kết. Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Chính phủ cũng ban hành các hướng dẫn cho doanh nghiệp liên quan đến xác định giá giao dịch liên kết trước ảnh hưởng của đại dịch.

Với các doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam, trước tiên nên đánh giá đúng xu hướng hành động của cơ quan thuế trong bối cảnh đại dịch. Theo quan sát của các chuyên gia Deloitte, trong giai đoạn giãn cách xã hội, cơ quan thuế thường áp dụng hình thức yêu cầu cung cấp tài liệu và giải trình qua email hoặc điện thoại.

Ngay khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, cơ quan thuế bắt đầu tập trung thanh kiểm tra, trong đó đẩy mạnh thanh kiểm tra các doanh nghiệp có thực hiện giao dịch liên kết. Theo Tổng cục Thuế, lũy kế 3 quý đầu thực hiện được 46.752 cuộc thanh, kiểm tra. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh, kiểm tra là 34.040 tỷ đồng.

Đối với các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ, doanh nghiệp cần ghi nhận và tính toán chi tiết các ảnh hưởng do tác động của Covid-19 để thực hiện điều chỉnh so sánh; xem xét các giao dịch dịch vụ nội bộ; và cân nhắc sử dụng kết hợp các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết phù hợp…

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên thu thập và chuẩn bị các giải trình phù hợp để có thể chứng minh với cơ quan thuế về tác động của COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh, chủ động liên hệ với các chuyên gia tư vấn thuế để được hỗ trợ kịp thời về các chính sách thuế mới, hướng đến chiến lược toàn diện trong tương lai để giải quyết ảnh hưởng của Covid-19, sẵn sàng vận hành trong trạng thái bình thường mới.

Theo Đinh Mai Hạnh (Diễn Đàn Doanh Nghiệp)




https://diendandoanhnghiep.vn/chinh-sach-ho-tro-thue-va-giao-dich-lien-ket-phao-cuu-sinh-cho-doanh-nghiep-214464.html