Kinh tế

Chủ nhân mới sẽ làm gì với biệt thự 700 tỷ đồng?

Căn biệt thự trị giá 700 tỷ đồng tại Sài Gòn được Công ty cổ phần Minerva mua, nằm trong khu bảo tồn của thành phố nên việc cải tạo, chuyển đổi công năng không đơn giản.

Căn biệt thự trị giá 700 tỷ đồng tại Sài Gòn được Công ty cổ phần Minerva mua, nằm trong khu bảo tồn của thành phố nên việc cải tạo, chuyển đổi công năng không đơn giản.

Tin đồn về căn biệt thự trung tâm TP HCM được bán với giá 35 triệu USD (700 tỷ đồng) cho một chủ đầu tư nước ngoài đã được làm rõ vào hôm nay. Người mua thật sự là doanh nghiệp có trụ sở tại quận 1, TP HCM - Công ty cổ phần MINERVA, do ông Dương Hoàng Danh (sinh năm 1973) làm tổng giám đốc.

Theo hợp đồng mua bán được công chứng ngày 22/10/2015, tổng giá trị mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, cùng với toàn bộ trang thiết bị nội thất hiện có đi kèm là 700 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khu đất là 694 tỷ đồng và giá căn nhà là 6 tỷ đồng. Ngay sau khi ký hợp đồng công chứng mua bán, MINERVA đã thanh toán cho bà Đặng Kim Chi 686 tỷ đồng. 14 tỷ đồng còn lại được công ty này thanh toán thông qua việc đóng thuế thu nhập cá nhân cho chủ nhân cũ. 

Điều thú vị là công ty mua biệt thự cổ mới được thành lập ngày 28/7/2015. Chưa đầy một tháng sau, Công ty cổ phần MINERVA thay đổi đăng ký kinh doanh (19/8/2015) và thực hiện thương vụ 700 tỷ đồng.

Trao đổi với Zing.vn, chủ tịch HĐQT một công ty bất động sản lớn tại TP HCM cho biết, trong giới kinh doanh địa ốc, MINERVA là thành viên mới, nhưng chủ nhân thực sự đứng phía sau là cái tên quen thuộc. Ông này cho rằng, mục tiêu mua không phải để khai thác kinh doanh thuần túy.

"Thực ra, việc các doanh nghiệp lập thêm công ty để thực hiện dự án mới không còn là chuyện lạ. Đó là cách thức của họ, chứ nhà đầu tư mới tinh mà mua một dự án không phải để sinh lời ngay là gần như không thể", ông này nhận xét.

Trong khi đó, một số nguồn tin trong giới bất động sản cho biết, chủ nhân đứng sau MINERVA là một tập đoàn địa ốc hiện sở hữu nhiều công trình đình đám tại TP HCM.
 

Sau nhiều đồn đoán, chủ nhân danh nghĩa của ngôi biệt thự cổ 35 triệu USD đã được xác nhận. Ảnh: Lê Quân.

 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cũng nhận xét, ngôi biệt thự cổ nằm trong diện bảo tồn di sản kiến trúc nên không thể phá bỏ để đầu tư một công trình khác mà chưa có ý kiến của thành phố dù thuộc sở hữu tư nhân.

Về nguyên tắc, phần bên ngoài tòa nhà được bảo tồn nguyên vẹn, chủ mới muốn làm lại nội thất cũng phải thông qua Hội đồng kiến trúc, trình lên thành phố quyết định. Trừ trường hợp thành phố đưa tòa nhà ra khỏi diện bảo tồn thì chủ đầu tư mới có thể tự khai thác.

"Trên thế giới có tỷ phú mua những tài sản với giá trị không tưởng để chứng tỏ đẳng cấp, thì ở Việt Nam, chuyện này cũng có thể xảy ra. Nếu đại gia này mua để biến thành ngôi nhà ở của gia đình thì công trình sẽ được cải tạo, phục dựng, chống xuống cấp", ông Châu nói.
 

Thương vụ mua bán đã hoàn tất, ngôi nhà đang đóng cửa, chờ chủ mới. Ảnh: Lê Quân.

 
Trong khi đó, chuyên gia tài chính kinh tế Đinh Thế Hiển, cho biết, tại TP HCM hiện nay, ngoài những căn biệt thự do Nhà nước quản lý, thì nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân cỡ 700 tỷ đồng gần như không còn. Những công trình tương tự đã chuyển công năng sang kinh doanh từ lâu. Ngôi biệt thự này, ở một khía cạnh nào đó nó làm nên hồn cốt, văn hóa của một vùng đất, lưu giữ đúng một Sài Gòn xưa.

Ông Hiển nhận định, biệt thự nằm trong khu vực bảo tồn của thành phố nhưng là nhà tư nhân, nếu chủ mới quyết tâm thì họ vẫn có thể làm theo ý mình.

 Chủ cũ của căn biệt thự 700 tỷ đồng này là là 2 cụ Đặng Kim Chi (sinh năm 1938) và Nguyễn Kim Sa Dang (sinh năm 1934). Cụ Nguyễn Kim Sa Dang quốc tịch Mỹ, còn cụ Đặng Kim Chi sống tại chính căn nhà trên. Trong khoảng thời gian từ khi rao bán đến nay, rất nhiều thông tin được bàn tán về người mua thực sự. Ban đầu, căn nhà được cho là do người nước ngoài mua, sau đó lại có thông tin chủ sở hữu thực sự là một nữ đại gia 8x.
 
>> Ảnh: Biệt thự 700 tỷ sẵn sàng đón chủ mới

Theo H.Linh - V.Dũng (Zing.vn)