Kinh tế

Công an không phải "người đòi nợ" cho ngân hàng

Nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí cần có "cơ chế đặc biệt" xử lý nợ xấu, song vẫn băn khoăn quy định về xử lý tài sản đảm bảo.

Nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí cần có "cơ chế đặc biệt" xử lý nợ xấu, song vẫn băn khoăn quy định về xử lý tài sản đảm bảo.

Uỷ viên thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội - Lưu Bình Nhưỡng thì góp ý nghị quyết cần ghi rõ việc thu giữ tài sản đảm bảo chỉ thực hiện với tài sản không có tranh chấp, không bị toà án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kê biên theo pháp luật.

"Nếu không quy định, sau này dẫn đến có những tranh chấp”, ông Nhưỡng giải thích, đồng thời đề nghị cần quy định rõ cơ quan công an cấp quận, phường (xã), hay thành phố sẽ nhận thông báo về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của đại biểu Phan Thanh Bình (Quảng Nam).

Ngược lại, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhận xét không cần thiết quy định chi tiết đến vậy. "Cơ quan công an không phải người đi đòi nợ cho các tổ chức tín dụng”, ông Cầu nhấn mạnh. 

cong-an-khong-phai-nguoi-doi-no-cho-ngan-hang

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, công an không phải lực lượng "đi đòi nợ" cho các tổ chức tín dụng. Ảnh: Quốc hội

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An giải thích, đây là những tranh chấp về dân sự, không phải vấn đề hình sự hay an ninh trật tự nên không cần quy định rõ cơ quan cấp nào tham gia. "Ở đây chúng ta đảm bảo an ninh trật tự, có 3 cấp độ, bình thường cấp xã, phức tạp hơn có cấp huyện, thậm chí có cả cấp tỉnh đảm nhận. Nên giờ phân cấp như vậy là cứng nhắc", ông nói và đề nghị để tránh tranh chấp phát sinh sau này, quá trình xử lý, thu hồi tài sản đảm bảo nên quay hình (camera) để làm bằng chứng. 

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng phải xác định Nghị quyết xử lý nợ xấu lần này ban hành không phải "lá bùa chống lưng" cho sai phạm của ngân hàng. 

Theo đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) khi nghiên cứu hồ sơ, báo cáo đánh giá tác động của Nghị quyết thì vẫn thiếu đánh giá tác động tổng thể. Ông đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm rõ thêm, bao nhiêu nợ xấu tồn đọng sẽ được xử lý, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống còn bao nhiêu phần trăm; lãi suất cho vay giảm được bao nhiêu...? 

Ngoài ra, vị đại biểu tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, dự thảo Nghị quyết đưa ra 2 phương án quy định phạm vi nợ xấu cần xử lý là quá rộng, không khả thi. "Không nên vô tình để Nghị quyết xử lý nợ xấu thành lá bùa chống lưng cho những sai phạm của ngân hàng trước đây", đại biểu Minh nói và nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chia sẻ, xử lý nợ xấu phải có thời hạn chứ không thể để các tổ chức tín dụng "ỷ lại vào cơ chế đặc thù" này trong xử lý nợ. Theo ông, Nghị quyết chỉ quy định xử lý các khoản nợ tới 31/12/2016 là phu hợp, còn các khoản nợ phát sinh thời điểm này thì áp dụng các quy định pháp luật hiện hành xử lý. 

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) lại cho rằng, còn hoạt động tín dụng thì còn phát sinh nợ xấu. Nếu khống chế thời gian chỉ xử lý các khoản nợ tới 31/12/2016, thì có thể tương lai sẽ lại phải có thểm một bản Nghị quyết tương tự xử lý "cục máu đông" này sau khi thời hạn 5 năm của Nghị quyết lần này hết hiệu lực.

"Như vậy thì rất tốn công, tốn sức của các đại biểu Quốc hội", ông Ngân nói, đồng thời đề nghị Nghị quyết xử lý nợ xấu lần này không nên giới hạn dư nợ được xử lý chỉ tới thời điểm 31/12/2016.

Giải trình trước các đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Lê Minh Hưng cho rằng, nợ xấu luôn tiềm ẩn, phát sinh hằng ngày. Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, trung bình nợ xấu mới phát sinh hằng năm 1,3-1,5% tổng dư nợ cho vay với nền kinh tế. 

Với mục tiêu tăng dư nợ cho vay bình quân khoảng 16%, dự  kiến nợ xấu phát sinh thêm trong 5 năm tới (2017-2022) là 350.000 tỷ đồng. Tổng số nợ xấu cần xử lý trong 5 năm tới là 640.000 tỷ đồng, nên bình quân mỗi năm cần xử lý gần 130.000 tỷ. Do đó, "nếu xử lý nợ tới 31/12/2016 và nợ của các tổ chức phát sinh phát sinh sau sẽ xử lý theo luật  hiện hành sẽ rất bất cập. Rất mong Quốc hội xem xét, quyết định”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tha thiết.

Nếu dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua, ông Hưng khẳng định, chi phí tài chính sẽ giảm, chắc chắn lãi suất sẽ giảm và tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng sẽ tăng.

Theo Anh Minh (VnExpress.net)