Kinh tế

DN xăng dầu lãi khủng nhờ chênh lệch thuế: Móc túi dân

Theo chuyên gia, việc doanh nghiệp xăng dầu lãi khủng nhờ chênh lệch là không thể chấp nhận và cần buộc họ trả lại cho người tiêu dùng.

Theo chuyên gia, việc doanh nghiệp xăng dầu lãi khủng nhờ chênh lệch là không thể chấp nhận và cần buộc họ trả lại cho người tiêu dùng.

Hiện nay, Liên bộ Công thương - Tài chính đang áp dụng biểu thuế nhập khẩu trong Thông tư 78 ban hành tháng 5/2015 làm cơ sở tính giá xăng dầu bán lẻ trong nước. Cụ thể, thuế với xăng là 20%, dầu diesel và mazut là 10%, dầu hỏa là 13%.

Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Thông tư 165 của Bộ Tài chính, từ ngày 1/1/2015, thuế nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN được điều chỉnh như sau: xăng là 20%, dầu diesel, madút được giảm còn 5%.

Từ tháng 4/2015 đến nay, liên bộ áp dụng mức thuế nhập khẩu với xăng là 20%, dầu diesel là 10%. Như vậy, thực chất thuế nhập khẩu diesel là 5% nhưng giá bán lẻ cho người dân vẫn áp dụng thuế 10%. Người dân, doanh nghiệp mua dầu diesel phải trả khoản chênh thuế 5% và khoản chênh lệch thuế này đã đem lại hàng nghìn tỷ đồng về cho doanh nghiệp trong năm 2015.

Theo lộ trình ATIGA, từ 1/1/2016, thuế nhập khẩu tất cả các loại dầu đều về 0% như vậy khoảng cách chênh lệch đã nâng lên 10%. Người dân mua dầu diesel đang phải trả thêm 10%.

Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp xăng dầu hưởng lãi lớn từ chênh lệch thuế thực chất là hành động móc túi người dân


Trao đổi với PV về sự bất hợp lý này, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng điều này là không thể chấp nhận được bởi chính người tiêu dùng đang phải gánh hộ thuế xăng dầu cho doanh nghiệp.

"Mức chênh lệch thuế từ 5-10% là rất lớn, đem lại khoản lãi khủng cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau với mức thuế khác nhau, cần tính lại cho rõ chỗ này.

Chẳng hạn, doanh nghiệp nhập khẩu xăng với mức thuế 20% thì không vấn đề gì, nhưng nếu họ nhập về với mức thuế chỉ có 10% và khi tính ra giá xăng dầu lại kê lên mức thuế 20%, còn lại 10% chênh lệch là một mức lãi vô lý, không thể chấp nhận được. Đáng lưu ý, lượng xăng dầu được nhập khẩu từ ASEAN và Hàn Quốc, nơi doanh nghiệp Việt được hưởng ưu đãi về thuế lại là nguồn nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam.

Đây là bài toán khó vì nếu tính theo mức thuế 10% thì những dooanh nghiệp phải nhập với mức thuế 20% sẽ thiệt thòi. Còn nếu tính theo thuế 20% thì những doanh nghiệp nhập khẩu với thuế 10% lãi rất khủng", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi chỉ rõ.

Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định, việc Liên Bộ Tài chính-Công thương quản lý các đầu mối nhập khẩu xăng dầu áp thuế như trên là không minh bạch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn, đè gánh nặng lên sản xuất kinh doanh của những người sử dụng xăng dầu, trong đó có lực lượng vận tải và làm cho giá thành vận tải tăng lên.

"Ở Việt Nam xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước quản lý nhưng phải quản lý về giá sao cho minh bạch, sòng phẳng với người tiêu dùng, còn quản lý mà tạo ra khoảng trống để doanh nghiệp xăng dầu lãi khủng, người tiêu dùng bị thiệt thòi chứng tỏ chưa minh bạch, rõ ràng", ông Liên thẳng thắn.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc định mức thuế nhập khẩu đối với các đầu mối xăng dầu, mà phần lớn là doanh nghiệp có vốn nhà nước rõ ràng có sự uu đãi, tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp xăng dầu hưởng, mà người ta vẫn gọi là lợi ích nhóm. Trong khi doanh nghiệp xăng dầu nhà nước được lãi cao thì các nhóm khác, phần lớn là doanh nghiệp tư nhân bị ép giá. Mặc dù giá xăng dầu lúc lên lúc xuống nhưng khi giá thế giới giảm thì các doanh nghiệp xăng dầu trong nước lại giảm chậm hoặc giảm chưa tương xứng với mức giảm của thế giới. Bản thân doanh nghiệp xăng dầu lại được lãi nhờ việc sau 15 ngày mới điều chỉnh giá 1 lần. Những điều đó khiến người dân và xã hội phải gánh trên vai mức giá bất hợp lý.

Phải trả lại tiền cho dân

Để xử lý vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng, để đảm bảo công bằng phải điều tiết lại bằng cách khấu trừ khoản chênh lệch thuế nhập khẩu của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu và nộp vào ngân sách nhà nước hoặc quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể như thế nào thì Bộ Tài chính phải có phương án, không thể để vô lý như hiện nay. Việc để doanh nghiệp xăng dầu lãi khủng nhờ chênh lệch thuế Bộ Tài chính phải biết vì đây là cơ quan điều hành thuế. Sự việc này đã bộc lộ lỗ hổng trong chính sách kiểm soát giá xăng dầu của cơ quan chức năng.

"Suy cho cùng, đây là hành động móc túi người dân, mà bây giờ lại để doanh nghiệp xăng dầu hưởng thì không thể chấp nhận được", ông Ngãi nhấn mạnh.

Dù vậy, về mặt lâu dài, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi vẫn nhấn mạnh rằng "cần thả nổi thị trường xăng dầu, nhập khẩu xăng dầu với mức thuế bao nhiêu, tính giá cả thế nào... doanh nghiệp xăng dầu sẽ tự tính để cạnh tranh trên thị trường và người tiêu dùng sẽ được lợi.

"Năm 2015, nếu áp mức thuế đúng thực tế thì giá xăng dầu trong nước còn rẻ hơn nhiều và người dân được hưởng lợi, đồng thời ảnh hưởng rất tốt đến nền kinh tế".

Ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng, phải để các doanh nghiệp xăng dầu tự do kinh doanh nhằm tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, không nhất thiết Nhà nước phải ấn định giá bán ra như hiện nay.

"Phải để xăng dầu kinh doanh theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp xăng dầu phải minh bạch đầu vào, nếu không sẽ bị phạt. Doanh nghiệp vận tải chưa kịp giảm giá thì bị phạt, tại sao doanh nghiệp xăng dầu lãi khủng vô lý như thế lại không phạt?", ông đặt câu hỏi.
 
>> Doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn từ chênh lệch thuế

Theo Thành Luân (Đất Việt)