Kinh tế

Đổi tiền lẻ, tiền mới 'ăn' chênh lệch dịp Tết Nguyên đán có bị phạt không?

Mọi hành vi thu đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch, trao đổi tiền trên mạng không được phép đều vi phạm quy định pháp luật.

Cứ mỗi dịp Tết đến, dịch vụ đổi tiền mới để lì xì lại nở rộ. Trên một số nhóm mạng xã hội, nhiều người dùng tung ra dịch vụ đổi tiền mới.

Theo khảo sát, phí đổi tiền lẻ sẽ phụ thuộc vào từng mệnh giá. Như các loại tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng mức phí sẽ dao động từ 13 - 15%, loại 10.000 đồng, 20.000 đồng là 6 - 8%, còn với 50.000 đồng, 100.000 đồng thì chịu phí 3 - 5%.

Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, nhiều trang mạng còn quảng cáo đổi cả đồng tiền hiếm là ngoại tệ của nhiều nước với giá trị gấp nhiều lần mệnh giá thực tế, tùy vào độ độc, lạ của tờ tiền.

Đổi tiền lẻ, tiền mới 'ăn' chênh lệch dịp Tết Nguyên đán có bị phạt không?
Ảnh minh họa: Internet

Mới đây, Báo Công Thương dẫn nguồn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thu, đổi tiền mới, tiền lẻ và rao đổi tiền trên mạng internet trong những ngày tới, nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời việc thu đổi tiền mới, tiền lẻ hưởng chênh lệch.

Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, chỉ có NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng mới được phép thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Cùng quan điểm, đại diện NHNN Việt Nam cho hay, từ nhu cầu thanh toán, lưu thông hàng hóa - tiền tệ trong dịp cuối năm thường tăng cao, NHNN luôn chỉ đạo hệ thống NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thanh toán, công tác tiền tệ - kho quỹ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt về cả số lượng, cơ cấu và chất lượng tiền cho lưu thông hàng hóa - tiền tệ, nhất là cho doanh nghiệp thương mại, siêu thị dịp cuối năm và Tết cổ truyền.

Do đó, mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch và rao đổi tiền trên mạng không được phép, đều vi phạm quy định pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm.

Không chỉ vi phạm pháp luật, dịch vụ đổi tiền lấy phí còn nguy cơ gặp phải tiền giả, hoặc bị "bùng" tiền đặt cọc...

Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ (Nghị định số 88) quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Nghị định này quy định rõ, hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ để ăn chênh lệch là hành vi vi phạm pháp luật; vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ.

Cụ thể, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định số 88 thì cá nhân vi phạm việc thực hiện đổi tiền không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Đây là mức phạt áp dụng với cá nhân vi phạm.

Còn tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 88 quy định về mức phạt tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, tương ứng xử phạt hành chính từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng.

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền lấy phí đang diễn ra trên mạng vì không những vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ gặp phải tiền giả, hoặc bị "bùng" tiền đặt cọc...

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo, yêu cầu cán bộ ngân hàng không được trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho những đối tượng đổi tiền mới hưởng chênh lệch giá. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp nhận phản ánh và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để quản lý tốt, hạn chế sai phạm phát sinh, bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/doi-tien-le-tien-moi-an-chenh-lech-dip-tet-nguyen-dan-co-bi-phat-khong-d205774.html