Kinh tế

Em gái chủ tịch công ty thép muốn bán sạch cổ phiếu, thu về chục tỷ

Em gái chủ tịch công ty thép liên tục đăng ký bán ra cổ phiếu. Từ tháng 7 tới nay, bốn chị em gái của Chủ tịch POM đã đăng ký bán ra gần 32 triệu cổ phiếu.

CTCP Thép Pomina (POM) công bố thông tin bà Đỗ Nhung, em gái ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT đăng ký bán toàn bộ gần 7 triệu cổ phiếu. 

Thời gian giao dịch dự kiến từ 12/9-11/10. Đây là lần thứ 3 trong khoảng hơn 2 tháng trở lại đây, bà Nhung đăng ký bán ra cổ phiếu. 

Nếu tính theo giá phiên 7/9 là 7.110 đồng/cp, bà Nhung có thể thu về khoảng 47 tỷ đồng. 

Ba người chị em gái khác của Chủ tịch Đỗ Duy Thái cũng có động thái thoái vốn tại Pomina trong vài tháng qua. 

Bà Trương Geb Đỗ Thị Cẩm Hương đã bán toàn bộ gần 2 triệu cổ phiếu trong tháng 7. 

Bà Đỗ Thị Kim Cúc bán 3 triệu cổ phiếu đầu tháng 8. 

Bà Đỗ Thị Kim Ngọc cũng bán hơn 7,5 triệu cổ phiếu trong tháng 7, 8.

Từ tháng 7 tới nay, bốn chị em gái của Chủ tịch POM đã đăng ký bán ra gần 32 triệu cổ phiếu.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 799 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ. Thép Pomina báo lỗ 350 tỷ đồng.

Ngoài việc cảnh báo do chậm tổ chức ĐHĐCĐ 2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE ) đã đưa cổ phiếu POM vào diện cảnh báo kể từ ngày 12/5, do lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2022 hơn 444 tỷ đồng. 

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn. 

* TLG: CTCP Tập đoàn Thiên Long công bố kết quả kinh doanh tháng 7. Doanh thu thuần tháng 7 đạt 230 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt 9 tỷ đồng.

* CIG: HOSE giữ nguyên diện cảnh báo với CTCP COMA 18. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6 là âm 289,9 tỷ đồng căn cứ trên BCTC hợp nhất soát xét bán niên năm 2023.

* DHA: Ngày 15/9, CTCP Hóa An sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 3.000 đồng.

* PVT: Tổng CTCP Vận tải Dầu khí chốt ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2022 là 14/9. Cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 3%, thanh toán bắt đầu từ ngày 5/10.

Rung lắc có thể xảy ra khi VN-Index tiệm cận vùng đỉnh cũ. (Ảnh: Hoàng Hà)

Thông tin giao dịch

* VND: Bà Vũ Nam Hương, Giám đốc tài chính CTCP Chứng khoán VNDirect đăng ký bán toàn bộ 728.000 cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 12/9-10/10 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

* PNJ: Ông Đào Trung Kiên, Thành viên HĐQT CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận đã bán ra 175.000 cổ phiếu trong ngày 6/9 theo phương thức thỏa thuận.

* FIR: CTCP Địa ốc First Retail thông qua việc nhận chuyển nhượng 10 triệu cổ phần tại CTCP Thương mại – Dịch vụ - Khách sạn Bạch Đằng, từ ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT FIR.

* AAV: Ông Phạm Văn Đức, cổ đông lớn của CTCP AAV Group đã bán ra 400.000 cổ phiếu trong ngày 31/8. Ông Đức còn giữ hơn 3,29 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,78%.

* ADG: FSN ASIA Private Ltd, cổ đông lớn CTCP Clever Group đăng ký mua 600.000 cổ phiếu từ ngày 11/9-10/10 theo phương thức khớp lệnh.

* EVF: CTCP Quản lý Quỹ Amber, tổ chức có liên quan đến ông Lê Mạnh Linh, Thành viên HĐQT Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu nhằm mục đích đầu tư.

VN-Index

Chốt phiên 7/9, VN-Index giảm 2,36 điểm (-0,19%), xuống 1.243,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.127,7 triệu đơn vị, giá trị 24.769,7 tỷ đồng.

HNX-Index tăng 0,78 điểm (+0,3%), lên 256,14 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 117,3 triệu đơn vị, giá trị 2.286,8 tỷ đồng.

UpCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,16%), lên 94,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 60 triệu đơn vị, giá trị 902,6 tỷ đồng.

Nhận định thị trường phiên giao dịch ngày 8/9, Chứng khoán Agriseco cho rằng, VN-Index tạm thời trở lại vùng 1.240 điểm sau khi bứt phá không thành công. Thị trường sẽ cần thêm thời gian để tích lũy trước khi hình thành xu hướng mới. Rung lắc có thể xảy ra khi VN-Index tiệm cận vùng đỉnh cũ.

Tuy nhiên, các chỉ báo kỹ thuật cho thấy xu hướng tăng giá trung và dài hạn vẫn đang được duy trì. Các nhịp điều chỉnh xảy ra là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên giải ngân một số nhóm ngành có kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan cuối năm như nhóm chứng khoán, thép và nhiệt điện.

Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Trong ngắn hạn, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao hoặc xem xét lướt một phần tỷ trọng cổ phiếu, tức là có thể xem xét chốt lời ở các cổ phiếu có tỷ suất sinh lời cao và chờ mua lại ở nhịp điều chỉnh. 

Theo Ngọc Cương (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/em-gai-chu-tich-cong-ty-thep-ban-sach-co-phieu-thu-ve-chuc-ty-2186859.html