Kinh tế

Giá thịt lợn tăng là do người chăn nuôi 'găm' hàng?

Theo Bộ Công thương, một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng là do một bộ phận người dân chăn nuôi và nhà sản xuất “găm” hàng, chờ thời điểm tăng giá cao hơn.

Theo ghi nhận của PV, giá thịt lợn tăng từ khoảng tháng 6/2019 trở lại đây và thời điểm bắt đầu tăng giá mạnh nhất là từ cuối tháng 10/2019 cho đến nay.

Cụ thể, giá thịt lợn thành phẩm hiện tại đang chạm ngưỡng 160.000 – 180.000 đồng/kg, tăng từ 15.000 – 20.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 12/2019. Trong đó, giá lợn móc hàm mà tiểu thương phải mua là từ 80.000 – 90.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn tăng là do người chăn nuôi 'găm' hàng?
Giá thịt lợn thành phẩm hiện tại đang chạm ngưỡng 160.000 – 180.000 đồng/kg.

Theo Bộ Công thương, giá thịt lợn thành phẩm ở thời điểm hiện tại là đã tăng khoảng 60 – 80% so với tháng 9 và tăng 60 - 95% so với đầu năm 2019.

Trước tình hình tăng giá cả mặt hàng thịt lợn, Bộ Công thương đã phát đi thông cáo chỉ rõ, một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn thành phẩm chưa có dấu hiệu dừng lại là do sự ảnh hưởng của Dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019 và đến cuối tháng 6 đã lan rộng, bùng phát trên phạm vi toàn quốc.

Số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo do dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam chưa được khống chế, chưa có vaccine chống dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước (đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay).

Giá thịt lợn tăng là do người chăn nuôi 'găm' hàng? - 1
Một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng là do một bộ phận người dân chăn nuôi và nhà sản xuất “găm” hàng, chờ thời điểm tăng giá cao hơn.

Việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống cũng giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn.

Ngoài ra, trong bối cảnh thiếu thốn về nguồn cung và thì nhu cầu tiêu dùng tăng, đặc biệt là dịp cuối năm nên một bộ phận người chăn nuôi và sản xuất "găm" hàng để chờ giá tăng cao hơn.

Giá thịt lợn tăng là do người chăn nuôi 'găm' hàng? - 2
Giá thịt lợn thành phẩm chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Theo Bộ Công thương, thời gian đầu khi xuất hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, người tiêu dùng chưa có thông tin đầy đủ nên nhu cầu tiêu thụ giảm.

Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này đã bình thường trở lại và như thường lệ sẽ có xu hướng tăng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán (tăng mạnh nhất trong tháng 1 năm 2020).

Do vậy, dự báo nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm giảm nhẹ khoảng 5-10% so với năm 2018 do giá quá đắt nhưng vấn ở mức cao, khoảng 300.000 – 320.000 tấn/tháng. Như vậy, dự báo nhu cầu cho tháng 12/2019 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn.

Trước tình hình thiếu nguồn cung thịt lợn, Bộ Công thương đã triển khai những phương án nhằm bình ổn giá mặt hàng thịt lợn. Cụ thể là yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch.

Tại Hà Nội, để đảm bảo nguồn cung thịt lợn phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán, UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường thịt lợn trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các hộ dân, trang trại chăn nuôi không găm hàng, tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động bất hợp pháp như đầu cơ, găm hàng, ép giá, tung tin thất thiệt... gây mất ổn định thị trường.

Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/thi-truong/gia-thit-lon-tang-la-do-nguoi-chan-nuoi-gam-hang-20191218114751723.htm