Kinh tế

Lãi suất gửi tiết kiệm giảm sốc

Một "ông lớn" ngân hàng vừa giảm lãi suất gửi tiết kiệm thêm tối đa 0,4 điểm %, kéo mặt bằng lãi suất đầu vào xuống mức thấp kỷ lục.

Trong biểu lãi suất huy động mới nhất cập nhật ngày 30-11, Vietcombank điều chỉnh giảm lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng tại ngân hàng này chỉ còn lãi suất 2,4%/năm; lãi suất các kỳ hạn khác cũng giảm so với hồi cuối tháng 10. Lãi suất gửi kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên hiện là 4,8%/năm, giảm 0,3 điểm % so với trước đó.

Chỉ trong hơn 1 tháng qua, Vietcombank đã 3 lần giảm lãi suất huy động và đang có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước. Đây cũng là mức lãi suất thấp kỷ lục của Vietcombank và nhóm các "ông lớn" ngân hàng.

Đối với 3 ngân hàng thương mại nhà nước khác là BIDV, VietinBank và Agribank, đến cuối ngày 30-11, lãi suất tiền gửi cao nhất cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên vẫn được duy trì ở mức 5,3%/năm.

Lãi suất gửi tiết kiệm giảm sốc
Vietcombank điều chỉnh giảm lãi suất về mức thấp kỷ lục

Lãi suất huy động liên tục giảm những tháng qua nhưng số liệu của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố đến cuối tháng 9-2023 cho thấy tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 4,65% so với cuối năm ngoái, còn tiền gửi của dân cư tăng tới 9,95%.

Cụ thể, tiền gửi của dân cư tính đến cuối tháng 9 -2023 đạt 6,449 triệu tỉ đồng, tăng thêm xấp xỉ 16.000 tỉ đồng và đánh dấu tháng tăng thứ 9 liên tục từ đầu năm. Nếu tính từ đầu năm đến giờ, tiền của dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng đã hơn 583.000 tỉ đồng. 

Lãi suất huy động giảm tiếp trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn bị một số doanh nghiệp phản ánh còn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và điều kiện kinh tế khó khăn ở thời điểm hiện tại. Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng cũng chưa như kỳ vọng, khi số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến ngày 22-11 mới tăng 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm là 14%-15%.

Đáng chú ý, theo Ngân hàng Nhà nước, mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng không đồng đều. Vì vậy, cơ quan quản lý đã chia lại "miếng bánh" tín dụng để kịp thời linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Theo Thái Phương (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/kinh-te/lai-suat-gui-tiet-kiem-giam-soc-20231130183535398.htm