Kinh tế

Nghịch lý giá heo hơi lao dốc, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo giá cao ngất

Giá heo hơi đang ở vùng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (từ tháng 7/2019), nhưng giá thịt heo ngoài chợ và trong siêu thị vẫn cao khiến người mua bức xúc.

Số liệu cập nhật đến ngày 28/3 của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho thấy, giá heo hơi tại chuồng trại dao động từ 47.000 - 51.000 đồng/kg. Trong đó, thấp nhất là khu vực miền Tây với mức giá từ 47.000 đồng/kg, thậm chí có nơi xuống 45.000 đồng/kg đối với heo hơi loại hai. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (kể từ tháng 7/2019).

Giá hơi lao dốc nhưng một tháng qua, giá thịt bán lẻ tại các chợ truyền thống, siêu thị vẫn neo ở mức cao.

Nghịch lý giá heo hơi lao dốc, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo giá cao ngất
Ảnh minh họa: Internet

Ghi nhận trên VnExpress, tại các chợ truyền thống, giá thịt dao động 70.000-170.000 đồng một kg, trong đó, ba rọi và sườn non, thịt nạc giòn (phần thịt nọng cổ) có giá cao nhất. So với giá hơi, các mặt hàng này tại chợ truyền thống đang cao gấp 1,5-3,5 lần (tùy theo loại thịt).

Trong khi đó, ở các hệ thống siêu thị, giá thịt heo bán lẻ đang cao hơn so với chợ truyền thống 30.000-40.000 đồng mỗi kg (tùy loại). Cụ thể, giá xương cổ heo 70.000 đồng một kg, chân giò 110.000-130.000 đồng một kg, còn ba rọi, sườn non, nạc nọng heo 190.000-240.000 đồng, không thay đổi so với trước. Mức giá này cao gấp 1,5-5 lần so với giá heo hơi.

Nhiều người tiêu dùng tỏ ra băn khoăn, bức xúc trước thực trạng này. Chị Minh Ánh ở Vĩnh Tuy, Hà Nội than: "Cứ nghe thông tin giá heo hơi giảm nhưng trên thực tế chúng tôi vẫn phải mua thịt heo giá cao, có chăng là giảm không đáng kể và cũng rất tùy hứng, tức là thích thì người bán giảm, không thích thì giữ nguyên giá hoặc hôm nay giảm, ngày mai đã tăng trở lại. Mỗi khi chúng tôi hỏi, họ chỉ trả lời rằng do giá nhập vào thế. Tuy nhiên, cụ thể giá nhập như thế nào thì người mua làm sao biết được".

Thắc mắc về giá thịt heo quá cao và không chịu giảm so với giá heo hơi, VTC News được anh Trần H., một tiểu thương ở chợ Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) trả lời: “Không có ai quy định giá bán thịt heo ngoài chợ cả, tất cả là do chúng tôi tự cân đối, điều chỉnh và nhìn nhau mà bán. Giá nhập heo mảnh cao thì chúng tôi bán giá cao, giá thịt heo mảnh thấp thì chúng tôi bán thấp. Hiện chúng tôi vẫn phải nhập ở mức cao nên nếu bán ra mức thấp thì chúng tôi lỗ to hoặc chỉ hòa vốn, tức là đi làm không công.

Theo anh H., giá heo mảnh hiện chưa xuống cùng nhịp với giá heo hơi và thường có độ trễ nhất định do thịt heo hơi từ chuồng phải qua tay một, hai thương lái, rồi qua lò mổ, mới đến khâu phân phối bán lẻ là những người bán thịt ngoài chợ như anh H. “Kinh nghiệm của tôi cho thấy, trong trường hợp thịt heo giảm đáy, giữ nguyên mức thấp đó trong khoảng nửa tháng thì may ra thịt heo bán lẻ ngoài chợ mới giảm tương ứng", anh H. dự báo.

Nghịch lý giá heo hơi lao dốc, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo giá cao ngất - 1
Ảnh minh họa: Internet

Cũng trao đổi với báo trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, thịt heo phải qua quá nhiều khâu trung gian từ chuồng trại đến thương lái, bán buôn cấp 1, cấp 2, lò mổ, bán buôn lợn mảnh, cuối cùng mới đến chợ truyền thống.

“Chỉ tạm tính mỗi khâu trung gian hưởng 8-10% thì giá thịt heo đến tay người tiêu dùng sẽ cao đến mức nào. Còn một khâu nữa cũng đẩy giá lên đó chính là khâu bán lẻ. Ví dụ trong siêu thị, nếu áp dụng mức chiết khấu từ 20% trở lên với thịt heo thì sẽ vô hình chung đẩy giá lên rất cao”, ông Phú nói.

“Chúng ta công nhận một cách khách quan là ở siêu thị, TTTM các chi phí để bảo quản, bày bán thịt heo có cao hơn ở chợ, ngoài ra còn thuế VAT 10% nữa. Ví dụ 1kg thịt hiện nay siêu thị đang bán trên thị trường là 180.000 đồng/kg thì trong đó VAT là 18.000 đồng, người tiêu dùng phải chịu thuế này. Ngoài ra chưa kể thịt heo ở siêu thị phần lớn được nhập từ doanh nghiệp, với quy trình nuôi khác và cũng đã được doanh nghiệp ký thỏa thuận nguồn hàng, mức giá trong thời gian dài nên không dễ điều chỉnh như ở chợ. Tuy nhiên, việc chênh lệch đến 60.000 - 70.000 đồng/kg, thậm chí là còn cao hơn như hiện tại thì thật sự là hơi quá”, ông Phú nói thêm.

Cũng theo chuyên gia, một nguyên nhân nữa khiến giá thịt heo trên thị trường không tăng, giảm theo quy luật đó là do hệ thống chợ đầu mối và sàn giao dịch hàng hóa chưa được hình thành hoàn chỉnh. Chính vì vậy vẫn diễn ra việc ép giá, gây thiệt hại cho người chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng lại đem lại lợi nhuận cao vô lý cho các khâu trung gian.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định, việc giá thịt heo bán lẻ neo cao, không giảm theo giá heo hơi nghĩa là lợi nhuận chủ yếu về tay các tiểu thương bán buôn.

TS. Cấn Văn Lực từng chỉ ra những “điểm nghẽn” trong câu chuyện này chính là chi phí ở khâu trung gian. Điểm thứ hai cũng rất quan trọng đó là văn hóa kinh doanh.

“Nông dân luôn là người yếu thế, nhiều khi bị các lái buôn ép giá. Câu chuyện này tôi nghĩ đạo đức kinh doanh là vô cùng quan trọng và rõ ràng là cần phải có biện pháp chế tài xử lý tình trạng thật nghiêm”, vị chuyên gia nói.

Nhìn nhận diễn biến này, VnExpress dẫn lời ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc C.P Việt Nam cho rằng nguyên nhân chủ yếu là sức mua yếu. Ông dẫn chứng, trong 75 kg thịt pha lóc, các bộ phận đầu lòng, xương heo, mỡ heo, thịt nạc mông chiếm phần lớn nhưng lại khó bán, giá thấp; vì vậy, các tiểu thương, siêu thị thường đẩy giá những phần còn lại (hút khách hơn) như ba rọi, sườn non lên cao để bù đắp.

"Trước đây, các loại thịt khó bán được các nhà hàng, quán ăn, bếp công nghiệp mua với số lượng lớn. Một năm trở lại đây, doanh nghiệp phá sản, công nhân nghỉ việc hàng loạt khiến nhóm hàng này khó tiêu thụ hoặc bán dưới giá sản xuất", ông Huy lý giải thêm.

Tuy nhiên, các lý do trên không được những người chăn nuôi đồng tình. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng các chi phí mà tiểu thương và siêu thị nêu chiếm phần không đáng kể trong cơ cấu giá thành. Đặc biệt, hiện rất nhiều hệ thống siêu thị đã mua trực tiếp từ nông dân (không qua trung gian) nên giá thành thịt bán lẻ không thể cao như vậy.

Nghịch lý giá heo hơi lao dốc, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo giá cao ngất - 2
Ảnh minh họa: Internet

Theo ông, đây là câu chuyện về hoạt động phân phối hàng hóa ở Việt Nam. Hầu hết giới kinh doanh đều nhắm đến mục tiêu lợi nhuận cao nên khi đã tăng giá rồi rất khó giảm. Trong khi đó, khâu kiểm soát của Nhà nước chưa chặt chẽ. "Các chi phí có tăng, nhưng tôi cho rằng giá bán lẻ trên 200.000 đồng một kg là quá đắt so với giá heo hơi hiện nay", ông Đoán nói trên VnExpress.

Để giá thịt heo tới tay người tiêu dùng sát với thực tế, ông Đoán cho rằng cần kiểm soát lại khâu phân phối, giảm bớt các khâu trung gian. Ngoài ra, nên đẩy mạnh xu hướng tiêu dùng thịt mát với mô hình khép kín từ trang trại tới khâu phân phối, giảm các chi phí thừa.

Cũng theo ông Đoán, do số liệu thống kê về nguồn cung trên thị trường không sát thực tế khiến người nuôi đổ xô mở rộng trang trại, làm mất cân đối cung cầu. Do đó, nông dân lâm vào cảnh thua lỗ nặng. Ông đề nghị Nhà nước cần quy hoạch lại việc chăn nuôi trong dân, kiểm soát chặt hoạt động nhập khẩu thịt.

Đồng quan điểm, các chuyên gia khẳng định, để kéo giá thịt heo về đúng giá thị trường, giúp người tiêu dùng mua được thịt heo đúng giá cũng như để người chăn nuôi không bị thua thiệt thì cơ quan chức năng nhất định phải có cơ chế “dẹp loạn" các khâu trung gian, bằng biện pháp hành chính nghiêm khắc. Ngoài ra, phải sử dụng sức mạnh của cả hệ thống, phát huy vai trò của các hiệp hội bán lẻ, hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiệp hội chăn nuôi, hội phụ nữ ở các chợ…để người bán nhận thức, chia sẻ khó khăn chung với xã hội.

"Cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm mọi trường hợp có dấu hiệu trục lợi", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói trên VTC News.

Còn chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: "Chỉ khi các khâu trung gian hạn chế "ăn dày" thì mới có thể cải thiện được thực trạng giá thịt heo luôn đắt hơn rất nhiều so với giá heo hơi".

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/nghich-ly-gia-heo-hoi-lao-doc-nguoi-tieu-dung-van-phai-mua-thit-heo-gia-cao-ngat-d159760.html