Kinh tế

Những ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận ‘khủng’ thu về năm 2018

Năm 2018 tiếp tục ghi nhận những con số lợi nhuận kỷ lục trong hàng chục năm vận hành của thị trường tín dụng.

Thông tin tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2019 của Vietcombank diễn ra sáng 10/1, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT, đã tiết lộ con số lợi nhuận trước thuế nhà băng này thu về năm qua lên tới 18.016 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử kinh doanh của ngân hàng.

Mức lợi nhuận này tăng tới gần 64% so với năm 2017, và vượt 38% kế hoạch ban đầu, con số này cũng vượt xa nhiều dự báo trước đó từ các chuyên gia, quỹ đầu tư và các công ty chứng khoán…

Đóng góp lớn vào mức lợi nhuận kỷ lục này là số tăng trưởng của tín dụng cho vay năm qua đạt 14,9% so với đầu năm, lên 635.452 tỷ đồng. Trong khi đó, tăng huy động vốn trong năm thấp hơn đạt 13,7%, lên con số 823.830 tỷ đồng. Huy động ít, giải ngân cho vay nhiều chính là nguyên nhân khiến thu nhập lãi của nhà băng này tăng mạnh.

Cần lưu ý, Vietcombank luôn là ngân hàng có mức lãi đầu vào (lãi suất huy động) thấp nhất hệ thống, nhưng tiền của người dân đổ vào gửi tại đây vẫn liên tục tăng lên trong những năm vừa qua.

Đặc biệt, tỷ trọng tín dụng bán lẻ đã tăng mạnh từ 39,6% (năm 2017) lên 46,2% năm nay. Đây cũng được xem là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận tốt hơn rất nhiều so với tín dụng bán buôn.

Số tiền thu từ thoái vốn các tổ chức năm qua cũng mang về cho ngân hàng này 1.550 tỷ đồng. Cụ thể, Vietcombank đã thoái toàn bộ vốn khỏi OCB và giảm rất mạnh tỷ lệ sở hữu tại MBBank và Eximbank.

Những ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận ‘khủng’ thu về năm 2018

Mức kỷ lục còn diễn ra trong bối cảnh nhà băng này đã chi tới hơn 10.490 tỷ đồngđể trích lập quỹ dự phòng rủi ro, tương đương tới gần 170% số dư nợ xấu tính đến cùng kỳ.

Trong khi đó, chưa công bố con số lợi nhuận cụ thể, nhưng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV, đã tiết lộ mức tăng trưởng của chỉ số này năm vừa qua đạt dương 13% so với 2017.

Với mức lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 8.665 tỷ đồng, dễ tính mức lợi nhuận BIDV thu về năm vừa qua xấp xỉ đạt mức 9.800 tỷ, cũng là một kỷ lục tại ngân hàng này.

Ông Tú cũng thông tin thêm, năm 2018 ngân hàng này đã nâng tổng tài sản lên 1,283 triệu tỷ đồng, tăng 9,1%. Nhờ việc tăng mạnh dư nợ tín dụng nên tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này đã giảm xuống dưới 1,4% tổng dư nợ so với mức 1,62% hồi đầu năm.

Cũng tại hội nghị này, số tiền lãi trước thuế kỷ lục 7.525 tỷ đồng của Agribank cũng được Chủ tịch ngân hàng, ông Trịnh Ngọc Khánh, công bố.

Tuy nhiên, theo vị này, mức tăng trưởng của lợi nhuận năm nay không đến từ tăng lãi suất cho vay vì từ đầu năm Agribank đã giảm lãi suất khá nhiều. Lợi nhuận năm vừa qua chủ yếu đến từ mảng dịch vụ tăng thu trên 20%, và ngân hàng thu hồi được hơn 12.000 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý, chiếm 14% tổng nợ đã xử lý. Lần đầu tiên sau nhiều năm, nợ xấu nội bảng tại nhà băng này đã giảm về 1,51% tổng dư nợ.

Trước đó, cả Sacombank và TPBank đều đã ước tính con số lợi nhuận thu về năm nay với kết quả tăng mạnh, cùng đạt trên 2.200 tỷ đồng.

Hay như trường hợp của Maritime BankMSB, dù chưa công bố thông tin về kết quả kinh doanh năm qua, trong thông báo nội bộ mới đây của nhà băng này đã tiết lộ lần đầu tiên mức lợi nhuận trước thuế ngân hàng đã đạt trên 1.000 tỷ đồng. Trong khi những năm gần đây ngân hàng này chỉ có số tiền lãi quanh mức 160 tỷ đồng vì trích lập dự phòng rủi ro.

Nhiều ngân hàng đến nay chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm, nhưng qua 3 quý từ đầu, mức lợi nhuận đã gần đạt kế hoạch cả năm, trong khi quý IV thường xuyên là quý mang về nhiều lợi nhuận nhất cho ngành ngân hàng.

Những ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận ‘khủng’ thu về năm 2018 - 1

Thực tế, lợi nhuận tăng mạnh của các ngân hàng đã được Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia ước tính từ trước. Cụ thể, theo cơ quan này, tổng lợi nhuận sau thuế của các TCTD năm 2018 sẽ tăng 40% so với năm trước.

Đặc biệt, đơn vị này cho biết bên cạnh doanh thu từ tín dụng thì dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng sẽ tiếp tục đóng góp tích cực hơn vào nguồn thu dịch vụ của ngân hàng.

Nguyên nhân vì doanh thu phí bảo hiểm tăng 25,8% và đã có khá nhiều thỏa thuận hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm được ký kết thời gian qua sẽ giúp mảng này tăng trưởng liên tục.

Ngoài ra, hoạt động thu hồi và xử lý các khoản nợ xấu đã trích lập đang giúp các ngân hàng thu về những khoản lợi nhuận lớn, đặc biệt là việc đấu giá tài sản đảm bảo để xử ký nợ xấu.

Đánh giá từ các chuyên gia, việc xử lý được các khoản nợ xấu còn giúp ngân hàng hạch toán lại chi phí phải trích lập dự phòng trước đó, nay sẽ được chuyển thành lợi nhuận, vì vậy mà chỉ tiêu này tại nhiều ngân hàng sẽ tăng rất mạnh trong năm 2018 và những năm sau. 

Những con số lợi nhuận đầu tiên của ngành ngân hàng đã công bố đang cho thấy dự báo này là có cơ sở.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)