Kinh tế

Ông Đinh La Thăng: Mục tiêu TP HCM có 500.000 doanh nghiệp không viển vông

Trước băn khoăn về khả năng tăng gấp đôi, gấp ba số doanh nghiệp trong vòng 4 năm tới, Bí thư TP HCM cho rằng việc này là khả thi với số lượng đơn vị hiện tại, khả năng thúc đẩy khởi nghiệp và chuyển đổi các hộ kinh doanh.

 

“Bên cạnh việc mở rộng số lượng doanh nghiệp, thành phố cũng sẽ chú trọng phát triển chất lượng, xây dựng những tập đoàn lớn có sức cạnh tranh trong khu vực”, ông Phong nói.

Cho rằng mục tiêu đặt ra như trên là tốt nhưng phần lớn doanh nghiệp tham dự hội nghị nghi ngờ về tính khả thi. "Bởi thành phố có hơn 10 triệu dân, tức tương đương khoảng hơn 2 triệu gia đình mà cứ 4 gia đình sẽ có một gia đình kinh doanh là điều không hợp lý với thực tế", ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa - cao su TP HCM nhận xét.

ong-dinh-la-thang-muc-tieu-tp-hcm-co-500000-doanh-nghiep-khong-vien-vong

Bí thư TP HCM - Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Hậu

Ông Quốc Anh cũng trích dẫn kết quả khảo sát mới đây của VCCI rằng, càng ngày doanh nghiệp Việt càng li ti chứ không còn là vừa và nhỏ nữa (bình quân vốn và doanh thu trên số lượng doanh nghiệp). "Mà theo quy luật kinh doanh thì doanh nghiệp phải ngày càng lớn lên để tăng tính cạnh tranh và tiềm lực tài chính", ông nói.

Do đó, theo ông Quốc Anh, thành phố không cần thiết phải đặt mục tiêu đạt 500.000 doanh nghiệp đến 2020 mà phải làm sao để cho tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động này lớn mạnh lên. 

Ngoài ra, ông cũng mong muốn lãnh đạo làm sao để tạo ra sự liên thông giữa các cơ quan, bộ ngành để giảm thiểu thời gian đi lại cho doanh nghiệp. Ông dẫn chứng đơn vị mình cần làm một văn bản và theo quy trình thì khoảng 5 ngày là xong. Thế nhưng khi triển khai thì Sở bảo cần có thêm ý kiến quận huyện (quy trình mất 5 ngày nữa nhưng thực tế mất cả tuần). Sau đó, doanh nghiệp lại phải quay về Sở và mất thêm một tuần nữa… Cuối cùng, thay vì 5 ngày xong thì công ty phải mất mấy tuần mới hoàn tất một văn bản chỉ vì không có sự liên thông giữa các cơ quan, bộ ngành. 

Ông Nguyễn Lộc - Giám đốc Công ty Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) cũng bày tỏ sự ủng hộ mục tiêu của thành phố, phấn đấu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp, nhưng ông lo ngại việc này quá tham vọng vì chỉ còn có 4 năm nữa thôi nên muốn đạt được phải có những giải pháp hết sức quyết liệt. Chẳng hạn như có nhiều chương trình tạo ra làn sóng khởi nghiệp, bên cạnh những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn xây dựng thương hiệu.

Ông cho rằng, hiện nay Việt Nam đang ở một quá trình gia nhập sâu, rộng với nền kinh tế quốc tế nhưng các hiệp định có phần gây khó cho doanh nghiệp trong nước trong khi lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài nhiều hơn.

Đại diện Tổng công ty Samco bày tỏ thêm, chủ trương này là động lực khuyến khích khởi nghiệp. Tuy nhiên, ông cho rằng trước khi doanh nghiệp muốn phát triển thì phải phát triển thị trường. Nhưng năm 2017-2018, Việt Nam bước vào các sân chơi lớn như TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN… thì thuế suất sẽ về 0% nên đây là trăn trở lớn của các doanh nghiệp và cần có sự hỗ trợ từ chính quyền. Chẳng hạn như xuất xứ về nguyên vật liệu cũng cần thiết nhưng để doanh nghiệp làm được thì khó, Chính phủ, thành phố phải có sự hỗ trợ thì mới giải quyết được.

Về tiết kiệm nguồn lực, trong đó quan trọng là đất cho doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng thì trên địa bàn thành phố, các khu công nghiệp chưa lấp đầy nên có những sự hỗ trợ cho doanh nghiệp về cơ chế để họ thuê. Nếu tập trung các doanh nghiệp vào khu công nghiệp thì sẽ đảm bảo được vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ được môi trường tốt hơn...

Đáp lại những băn khoăn về mục tiêu 500.000 doanh nghiệp trong 4 năm tới, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng nhấn mạnh thành phố đưa ra mục tiêu trên là không mơ hồ. Đây là con số được đưa ra dựa trên các yếu tố nền tảng, căn bản, toàn diện của TP HCM.

Theo ông Thăng, hiện nay Thành phố có hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể, và trong môi trường hội nhập thì sắp sẽ tới tạo mọi điều kiện để các hộ cá thể này chuyển thành doanh nghiệp. "Nếu chúng ta có quyết tâm cao thì mục tiêu trên là không viển vông. Đây là con số rất rõ ràng và thành phố có khả năng thực hiện, bên cạnh việc đảm bảo tốt chất lượng doanh nghiệp", ông Thăng chia sẻ.

Ông Thăng cũng nói thêm, nếu không có quyết tâm thì không thể phát triển, nên thành phố phải đưa ra mục tiêu, khát vọng thì mới phấn đấu làm được. Và khát vọng này không chỉ của lãnh đạo thành phố mà còn là khát vọng của doanh nghiệp và của toàn dân.

Tổng kết hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để hoàn thiện việc triển khai Nghị quyết 35, nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao năng lực và sự hỗ trợ nhau, phải thay tư duy "ai thắng ai" thành tư duy "hai bên cùng thắng".

Hoạt động thì phải minh bạch để tiếp cận quốc tế vì chúng ta đã bước vào sân chơi toàn cầu, đào tạo nhân lực cao, thu hút chuyên gia nước ngoài và đặc biệt là phải kết nối doanh nghiệp FDI để chuyển giao công nghệ.

Ông Phong cũng cho biết, thành phố đã đề nghị Sở Kế hoạch & Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM tập hợp và đánh giá để lựa chọn ngành nghề nào thuộc chủ lực nhằm xây dựng những sản phẩm có thương hiệu. "Từ năm 2020, cả nước đề ra mục tiêu xây dựng từ 5-10 tập đoàn kinh tế đứng trong top 300 tập đoàn lớn nhất châu Á. Vậy thì TP HCM cần làm gì? Đó là chúng ta cũng phải tính đến các doanh nghiệp đầu đàn", ông Phong nói.

Theo Lệ Chi (VnExpress.net)