Kinh tế

Sập bẫy mua tour du lịch giá rẻ trên mạng, nhiều người cay đắng mất hàng chục triệu đồng

Tin tưởng vào sản phẩm du lịch giá rẻ được rao bán trên mạng, không ít người mất trắng cả chục triệu đồng từ những đối tượng lừa đảo.

Có thể nói, nhu cầu du lịch đang dần trở nên thiết yếu đối với nhiều gia đình mỗi dịp hè đến. Thời đại công nghệ 4.0, nhiều người tiêu dùng vẫn có thói quen tìm kiếm thông tin các tour du lịch, vé máy bay giá rẻ hay “săn sale” các voucher giảm giá trên mạng.

Quả thật chỉ cần lên mạng xã hội gõ cụm từ “voucher du lịch” sẽ cho ra một loạt hội nhóm rao bán, thanh lý voucher khách sạn, resort, du lịch giá rẻ. Muốn nghỉ dưỡng ở đâu, xa, gần, trong nước, hay ngoài nước... trên mạng đều có đủ.

Lợi dụng việc này, nhiều cá nhân, tổ chức đã dùng các chiêu trò tinh vi, tung các thông tin “siêu giảm giá” 30-50% so với giá gốc, thậm chí miễn phí để lừa đảo khách hàng.

Thực tế, rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo trên. Khi người tiêu dùng phát hiện ra bị kẻ lừa đảo chiếm đoạt tiền thì chúng đã cao chạy xa bay.

Chia sẻ trong một hội nhóm về du lịch, tài khoản Hồ Mỹ An cho biết: “Tôi là một trong nhiều nạn nhân của công ty M.L Travel.

Gia đình tôi đặt chuyến đi Phượng hoàng cổ trấn (Trung Quốc) ngày 30/4 -4/5 giá trị hợp đồng khoảng 117 triệu đồng. Tuy nhiên đến ngày 29/4 sau khi gia đình liên hệ nhiều lần về lịch trình chính xác của chuyến đi, phía công ty mới báo chuyến đi bị hủy không bay được.

Sau nhiều lần gọi điện không được, cũng như hàng loạt tin nhắn, tôi mới liên hệ được với công ty này và được hứa hẹn hoàn trả lại toàn bộ 100% số tiền tôi đã chuyển theo hợp đồng dịch vụ đã ký.

Tuy nhiên sau nhiều lần thất hẹn, đến 24/5 gia đình mới tôi được trả hộ chiếu, và nhận lại 37 triệu đồng sau hai lần trả.

Đến thời điểm hiện tại công ty M.L Travel vẫn chưa hoàn trả hết toàn bộ tiền cho gia đình tôi và đồng thời tôi không thể liên lạc được. Tôi yêu cầu phía bà Trần M.L và công ty M.L Travel hoàn trả nốt số tiền 80 triệu đồng cho gia đình tôi”.

Sập bẫy mua tour du lịch giá rẻ trên mạng, nhiều người cay đắng mất hàng chục triệu đồng
Trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt bài viết chia sẻ về việc bị lừa đảo khi đặt cọc tiền du lịch qua mạng. Ảnh VTC News.

Để tìm hiểu thêm thông tin VTC News đã liên hệ nhiều lần với đơn vị M.L Travel qua số điện thoại trên fanpage mạng xã hội nhưng không có người bắt máy. Ngay cả địa chỉ trên phố Hàng Bông - nơi được giới thiệu là văn phòng của đơn vị lữ hành này - trên thực tế hiện cũng không có dấu hiệu nào liên quan đến M.L Travel.

Một người dân đang kinh doanh tại địa chỉ này cho biết: "Trước đây M.L Travel có hoạt động tại đây, tuy nhiên chỉ được một thời gian họ đã không hoạt động và chuyển đi từ rất lâu rồi. Giờ ở đây không có đơn vị du lịch nào cả".

Không chỉ Công ty M.L mà còn nhiều cá nhân, đơn vị khác cũng bị người tiêu dùng bêu tên trên mạng xã hội. chứng tỏ chiêu lừa này ngày càng phổ biến, trắng trợn. 

Chia sẻ với CAND Online, anh P.N.L (Hà Nội) cho hay vừa bị lừa 7 triệu đồng khi mua voucher du thuyền Hạ Long 5 sao. Theo anh L, tháng 4/2023, anh thấy thông tin quảng cáo “Chương trình khuyến mại du thuyền Hạ Long Ambassador 5 sao, 3 ngày 2 đêm với giá chỉ 1.999K/khách” của một fanpage giống hệt của du thuyền Hạ Long Ambassador anh từng tham khảo.

Thấy giá quá hời vì bình thường, du thuyền này có mức giá khá cao - 7,9 triệu đồng/người nên anh không ngần ngại liên hệ đặt tour cho 9 thành viên, với tổng số tiền là 14 triệu đồng. Để giữ voucher cho chuyến đi vào tháng 5/2023, tư vấn viên yêu cầu anh phải chuyển khoản 50% để đặt cọc.

Sau khi chuyển tiền, anh L phát hiện đã bị fanpage chặn tài khoản. Nghi ngờ bị lừa, anh liên hệ đến một đơn vị cung cấp loại hình tương tự thì được biết, không có đơn vị nào bán voucher với mức giá như trên. Email đã xác thực thanh toán cũng không còn phản hồi. Lúc này, anh L mới biết mình đã mua phải voucher “ảo”.

Chính quản lý của du thuyền Ambassador Hạ Long (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) đã phải lên mạng cảnh báo việc du thuyền Ambassador liên tục bị giả mạo trong thời gian gần đây và cảnh báo khách hàng thận trọng.

Cũng có nhu cầu đưa cả gia đình du lịch Vinpearl Nha Trang, anh P.V.M (Hải Phòng) đã đặt phòng qua một đối tượng chuyên quảng bá voucher du lịch giá rẻ trên một hội nhóm. Tin tưởng lời mời chào của đối tượng này, anh đã chuyển trước 13,5 triệu đồng tiền phòng vì theo nguyên tắc đặt phòng khách sạn phải chuyển khoản 100%.

Đúng ngày giờ, gia đình anh đáp máy bay vào Vinpearl Nha Trang nhưng lúc check phòng thì anh vô cùng bất ngờ khi lễ tân báo anh chưa thanh toán tiền phòng. Cả anh và lễ tân gọi cho đối tượng kia thì không bắt máy. Lễ tân còn cho anh biết, số điện thoại anh và lễ tân gọi cũng từng lừa một người y như trường hợp của anh.

Tình hình cấp bách, anh buộc phải đặt lại phòng và thanh toán, còn số tiền kia coi như mất trắng. Đó cũng là kì nghỉ đáng nhớ của gia đình anh khi phải thanh toán giá trị tiền phòng đắt gấp đôi bình thường.

Chị B.L (Hà Nội) cũng bức xúc cho biết, bạn chị vừa cùng gia đình chồng từ Hàn Quốc trở về Việt Nam du lịch cũng đặt tour qua một đối tượng trên mạng để đi du lịch Phú Quốc.

“Lúc đầu, khi tư vấn, bạn này nói bạn mình chuyển 50% cọc trước nhưng khi chuyển xong lại báo chuyển cọc thêm 50% nữa với lý do tạp vụ báo phải thanh toán đủ mới làm được thủ tục.  Bạn mình thì tin người, lại đang ở nước ngoài nên không gọi check thông tin, số điện thoại, thế là chuyển luôn 100% số tiền cọc 10 triệu đồng và sau khi chuyển xong, đối tượng chặn luôn bạn mình. Số tiền tuy không lớn nhưng rất ức chế vì bọn mình hoàn toàn tin tưởng mới đặt cọc trước. Ai ngờ bị lừa đau đớn”, chị L bức xúc cho biết.

Nói về tình trạng nhiều người bị lừa đảo khi đặt cọc du lịch, VTC News dẫn lời ông Phạm Duy Nghĩa - CEO Vietfoot Travel, Phó Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội, Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam - nhận định, do còn thiếu nhiều rào cản pháp lý rõ ràng nên việc lừa đảo tiền của du khách qua mạng xã hội ngày càng phổ biến.

“Hiện nay có tình trạng rất nhiều người mở mới các công ty du lịch, lấy tên công ty nhái một số đơn vị uy tín, đặt văn phòng trên phố cổ Hà Nội rất hoành tráng. Mục đích của họ là để làm hình ảnh, quảng cáo, sau khi lừa được một số tiền, họ sẽ biến mất, đóng cửa văn phòng do các hợp đồng thuê văn phòng thường chỉ có thời hạn vài tháng, hoặc thậm chí không có văn phòng nào có thật mà chỉ là địa chỉ ma”, ông Nghĩa nêu thực trạng.

Ông Nghĩa khuyến cáo, người tiêu dùng nên lựa chọn những đơn vị uy tín, lâu năm và tìm hiểu thật kỹ trước khi cọc tiền: “Việc quan trọng nhất để không bị lừa phải đến từ sự cảnh giác của người dân. Để trở thành người tiêu dùng thông thái hãy bỏ công tìm hiểu, thậm chí đến tận nơi để làm việc, ký kết hợp đồng trực tiếp. Khi giao một số tiền lớn thì phải đến tận nơi, xem văn phòng của họ, kiểm tra thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mình nên quay trở lại với việc mục sở thị, mắt thấy tai nghe, không thể lúc nào cũng thấy những hình ảnh đẹp trên mạng rồi chuyển tiền cho người lạ được, như thế rất dễ bị lừa. Công nghệ hiện nay tuy rất tiện lợi nhưng không có nghĩa giao cả trăm triệu cho người khác mà không cần kiểm tra được”.

Sập bẫy mua tour du lịch giá rẻ trên mạng, nhiều người cay đắng mất hàng chục triệu đồng - 1
Bộ Công an cảnh báo 5 thủ đoạn lừa đảo liên quan đến du lịch dịp nghỉ lễ - Ảnh minh họa: Bộ CA

Cảnh giác trước 5 chiêu lừa đảo mùa du lịch

Trước đó, ngày 24/5, Bộ Công an đã đưa ra khuyến cáo người dân cảnh giác với tội phạm lừa đảo trên lĩnh vực du lịch.

Cụ thể, nhóm người lừa đảo sẽ đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc từ 30 - 50% rồi chiếm đoạt.

Một hình thức khác, nghi can lừa đảo sẽ đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa du lịch nước ngoài, cam kết tỉ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa.

Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, nhóm lừa đảo sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… và dễ dàng "sập bẫy". Nhóm lừa đảo sẽ lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.

Với thủ đoạn tinh vi hơn, nhóm lừa đảo sẽ làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch.

Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch thì nghi can sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

Đáng chú ý, hình thức lừa đảo mới xuất hiện là tội phạm sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người bị giả mạo) để tạo lòng tin với nạn nhân.

Thêm một phương thức nữa là nhóm lừa đảo mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng, thông tin trên Tuổi Trẻ.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/sap-bay-mua-tour-du-lich-gia-re-tren-mang-nhieu-nguoi-cay-dang-mat-hang-chuc-trieu-dong-d168501.html