Kinh tế

Sau lần giảm 'nhỏ giọt' gần đây, giá xăng dầu chuẩn bị tăng 'sốc'?

Chỉ còn ít ngày nữa là đến chu kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước. Trong thời gian này, trên thị trường thế giới, giá dầu đã có xu hướng tăng cao, vượt qua 100 USD/thùng.

Sau 2 tuần giảm liên tiếp, trong tuần vừa qua, giá dầu Brent được giao dịch lên mức 120,7 USD/thùng (tăng 11,5%) và WTI lên 113,9 USD/thùng (tăng 8,8%).

Ông Stephen Innes, chuyên gia cấp cao của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management (Thụy Sĩ), nhận định giá dầu có thể duy trì ở các mức hiện tại và sau đó tăng lên khi Trung Quốc nới lỏng tất cả các quy định hạn chế liên quan đến dịch COVID-19.

Tại thị trường trong nước, giá nhập khẩu mặt hàng này tại Singapore - thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam đã có xu hướng tăng nhẹ.

Cập nhật đến ngày 24/3 trên website của Bộ Công thương cho thấy, giá xăng 92 đã lên mức 132,31 USD/thùng, xăng 95 là 136,26 USD/thùng, dầu hỏa là 149,38 USD/thùng, dầu diesel là 148,96 USD/thùng và dầu mazut tăng mạnh nhất, lên 712,56 USD/thùng. Như vậy, giá xăng tăng khoảng 3 USD/thùng, dầu tăng 6 USD/thùng, dầu mazut tăng hơn 70 USD/tấn.

Sau lần giảm 'nhỏ giọt' gần đây, giá xăng dầu chuẩn bị tăng 'sốc'?
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Theo chia sẻ của một lãnh đạo kinh doanh xăng dầu đầu mối tại Hà Nôi trên Doanh nghiệp & Tiếp thị, trong chu kỳ điều hành giá dự kiến diễn ra vào 1/4 tới đây, giá xăng trong nước có thể tăng theo xu hướng thế giới. Hiện tại, giá xăng trong nước đang lỗ khoảng 1.200 - 1.500 đồng/ít, giá dầu lỗ khoảng 3.000 đồng/lít.

Tuy nhiên, áp lực tăng giá bán lẻ trong lần này đã có giảm. Nguyên nhân là do, quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 4 tới, theo đó, giá xăng dầu sẽ giảm từ 1.100 - 2.200 đồng (bao gồm VAT) tùy loại.

Mặt khác, nhiều dự báo cho thấy giá xăng dầu vẫn còn những biến động phức tạp. Vậy ở kịch bản giá vẫn còn tăng "nóng" thì việc điều hành giá mặt hàng này sẽ ra sao để giảm áp lực lên lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp?

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết trong bối cảnh này vẫn phải tính những kịch bản dài hơn khác. Cụ thể như ở kịch bản khi giá dầu biến động mạnh lên 130 USD/thùng, 150 USD/thùng thì Bộ Công Thương đề xuất đưa ra đề xuất tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, VAT… Ngoài ra, theo ông Đông, có tính đến các gói an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng kinh doanh trực tiếp xăng dầu hay người sử dụng xăng dầu.

Trước đó, trong chu kỳ điều hành giá ngày 21/3, giá xăng E5 RON 92 giảm 655 đồng/lít; xăng RON 95 sẽ giảm 632 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.635 đồng, dầu hỏa giảm 1.673 đồng/lít, còn dầu mazut giảm 565 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 28.330 đồng/lít; RON 95 là 29.192 đồng/lít; dầu diesel 23.633 đồng/lít, dầu hỏa 22.245 đồng/lít, dầu mazut 20.423 đồng/kg.

Đây là lần đầu tiên sau chuỗi 7 lần tăng giá kể từ cuối năm ngoái, mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, mức giảm lần điều chỉnh này được cho là thấp so với sự mong mỏi, kỳ vọng của người tiêu dùng trong bối cảnh giá xăng đã tăng rất cao, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, chi tiêu của họ.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/sau-lan-giam-nho-giot-gan-day-gia-xang-dau-chuan-bi-tang-soc-tintuc816170