Kinh tế

Vì sao giá xăng tăng kỷ lục nhưng giảm lại nhỏ giọt?

Ngày 21/3, giá xăng trong nước đã được điều chỉnh giảm hơn 600 đồng/lít. Mức giảm này được cho là thấp so với sự mong mỏi, kỳ vọng của người tiêu dùng trong bối cảnh giá xăng đã tăng rất cao, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, chi tiêu của họ.

Ngày 21/3, giá xăng trong nước đã được điều chỉnh giảm lần đầu tiên sau 7 kỳ tăng liên tiếp. Theo đó, mặt bằng giá bán lẻ trong nước với xăng RON 95 giảm 632 đồng/lít còn 29.192 đồng/lít; xăng E5 RON 92 giảm 655 đồng/lít còn 28.330 đồng/lít.

Trên một số diễn đàn, mạng xã hội, không ít người đặt câu hỏi vì sao giá xăng giảm ở mức "khiêm tốn" chứ không "sốc" như lúc tăng? Mức giảm lần điều chỉnh này được cho là thấp so với sự mong mỏi, kỳ vọng của người tiêu dùng trong bối cảnh giá xăng đã tăng rất cao, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, chi tiêu của họ.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá xăng dầu sau khi giảm trong những ngày giữa tháng 3 nhưng sau đó lại có xu hướng tăng trở lại.

Ngoài ra còn một yếu tố khác ghìm mức giảm của giá xăng dầu kỳ này đó là việc thực hiện trích lập quỹ bình ổn. Sau một thời gian dài tăng liên tục, cơ quan điều hành phải chi sử dụng quỹ bình ổn. Tại nhiều doanh nghiệp, quỹ bình ổn âm hàng trăm tỷ đồng. Do vậy, tại kỳ điều chỉnh này, việc trích lập được cơ quan điều hành sử dụng. Cụ thể tại kỳ này, Liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã quyết định trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 50 đồng/lít, dầu diesel 400 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít.

Vì sao giá xăng tăng kỷ lục nhưng giảm lại nhỏ giọt?

Kỳ này, cơ quan điều hành ngừng chi sử dụng quỹ bình ổn giá với tất cả mặt hàng xăng dầu sau một thời gian dài liên tục "xả". Bộ Công Thương cho biết để hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành gần đây, Liên Bộ đã thực hiện chi sử dụng quỹ cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi 200 - 1.500 đồng/lít.

Do kỳ điều hành lần này giá bình quân các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới giữa 2 kỳ điều hành giảm so với giá bình quân kỳ trước, khi số dư quỹ đã gần hết (tại 13 doanh nghiệp quỹ đã âm) nên để có dư địa điều hành giá trong các kỳ tới khi thị trường còn diễn biến phức tạp, 2 bộ mới quyết định bắt đầu trích lập.

Theo chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, mức giảm của giá xăng trong nước không chỉ phụ thuộc vào giá thế giới, mức trích lập quỹ bình ổn mà còn ở các loại thuế, phí.

"Khoảng 4 ngày gần đây, giá dầu thế giới đã bật tăng trở lại, hiện ở mức hơn 110 USD/thùng. Do đó, liên bộ cũng phải trích lập quỹ để có dư địa ở kỳ điều hành tới có khả năng xăng sẽ tăng trở lại", chủ doanh nghiệp này nói.

Hiện, quỹ bình ổn nhiều doanh nghiệp đầu mối có mức âm lớn như Petrolimex là âm 470 tỷ đồng, PV OIL là âm hơn 840 tỷ đồng...

Để hạ nhiệt giá xăng dầu, Chính phủ đề nghị giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu. Nếu nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thì giá xăng từ ngày 1/4 sẽ được giảm 2.200 đồng/lít (gồm VAT) và giá dầu cũng sẽ được điều chỉnh 1.100 đồng/lít.

Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, nếu giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng thì sẽ phải tính giảm thêm các công cụ thuế, phí khác và kết hợp các chính sách an sinh, xã hội...

Ngoài ra, quỹ bình ổn giá xăng dầu có thể được xem xét thay đổi cơ chế huy động tiền, tăng quỹ lên, tuân thủ quy luật thị trường. Tuy nhiên, ông Diên không loại trừ khả năng tạo nguồn cho quỹ từ ngân sách.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/vi-sao-gia-xang-tang-ky-luc-nhung-giam-lai-nho-giot-tintuc815378