Hàng loạt chiêu khuyến mại 'khủng' dịp nghỉ lễ 30-4 nhưng doanh nghiệp lại lo dân chỉ đi để 'ngó' thay vì mua sắm.
 Hàng loạt chiêu khuyến mại 'khủng' dịp nghỉ lễ 30-4 nhưng doanh nghiệp lại lo dân chỉ đi để 'ngó' thay vì mua sắm.
Tờ Tuổi trẻ dẫn hàng loạt ví dụ về các siêu thị lớn như Big C, Co.op Mart đã tung ra các chiêu khuyễn mãi để kéo khách hàng.

Theo đó từ ngày 24/4 đến hết 3/5, hệ thống siêu thị Co.op Mart và Co.op tra trên cả nước áp dụng giảm giá đến 50% cho hơn 4.000 sản phẩm nhu yếu và còn tặng hơn 1.600 phiếu mua hàng cho khách hàng đăng ký thẻ thành viên mới và chuẩn bị rút thăm trúng 19 chuyến du lịch.

Tuy nhiên các doanh nghiệp đều có nỗi lo chung đó là không thể bán được hàng như mong muốn.
 

Nhiều chiêu khuyến mãi nhưng doanh nghiệp vẫn lo sức mua của dân yếu

 
Về điều này, giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối một số thương hiệu thời trang quốc tế cho hay cách đây một tháng, ông đã phải cân nhắc rất kỹ về kế hoạch nhập hàng bán dịp lễ 30/4 vì “sức mua được kỳ vọng nhiều nhất là dịp tết vừa rồi đã không như ý, giảm ít nhất 20% so với năm ngoái, thì cũng không nên kỳ vọng quá nhiều về sự đột biến của thị trường trong dịp lễ”.

Vị này cho rằng “đợi lễ đi mua sắm” đã và đang có xu hướng “lỗi mốt” vì các kỳ nghỉ lễ sau này ngày càng kéo dài.

“Khách hàng đi chơi xa nhiều hơn thay vì chọn lang thang mua sắm bằng cách... ngắm qua cửa kính (window shopping). Bản thân tôi từng chứng kiến sự mệt mỏi của nhân viên bán hàng trong những dịp lễ vì chỉ toàn người đi ngó chứ thực mua chẳng có bao nhiêu” - vị này nói.

Điều này không quá xa so với thực tế, bởi mới đây tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân các chuyên gia kinh tế cũng thừa nhận điều này.

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mặc dù năm 2014 được xem là năm có dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn kỷ lục, tăng thêm hơn 10% so với năm trước, lên tới 67.000 doanh nghiệp. Kể cả bước sang quý I/2015 số doanh nghiệp chết vẫn tăng hơn 10%.

Từ con số này, bà Lan cho rằng nền kinh tế sẽ không có được đà phục hồi một cách vững chắc.

"Dù rằng ở đâu đó và trong chính báo cáo của TS Trần Đình Thiên cũng đưa ra những con số về dấu hiệu phục hồi nhưng sau đó lại có hàng loạt dẫn chứng chứng minh sự mong manh của sự phục hồi đó là số doanh nghiệp đóng cửa vẫn tăng cao, sức mua của dân vẫn yếu.

Tâm trạng chung của các chuyên gia nghi ngờ về con số phục hồi của nền kinh tế và liệu có cơ sở để có thành tích đẹp như hiện nay không?. Tôi nghĩ rằng doanh nghiệp bao giờ cũng là lực lượng làm ra nhiều nhất của cải cho xã hội và tạo ra tăng trưởng. Thế nhưng doanh nghiệp cứ tiếp tục chết như vậy thì lấy đâu ra tăng trưởng?", bà Lan nói.

Theo con số thống kê tốc độ tăng trưởng kinh tế 2014 đạt 5,98% cao hơn hẳn mức 5,42% của năm 2013, nhưng dưới góc nhìn của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, thì vẫn là phục hồi ở mức thấp.

"Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa bền vững, và có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng thấp", ông Thiên nhận định.

TS. Lê Việt Đức thì cho rằng, có thể tin nền kinh tế đã đi tới đáy vào năm 2013 và đang dần dần lập được trạng thái cân bằng ổn định với năng suất, chất lượng và tốc độ tăng trưởng tăng dần lên kể từ năm 2014. Nhưng kinh tế vĩ mô 2014: Ổn định về lượng, trì trệ về chất, chưa rõ tương lai”.
 
>> Cảnh giác với xả hàng dịp lễ

Theo Phương Nguyên (Đất Việt)