Kinh tế

Tại sao giá xăng có thể tăng kỷ lục, lên mức 30.000 đồng?

Giá bán lẻ trong nước có thể lên sát 30.000 đồng một lít vào kỳ điều chỉnh ngày 11/3 nếu nhà điều hành không can thiệp bằng các công cụ bình ổn giá, theo các chuyên gia.

Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội tính toán tại kỳ điều chỉnh sắp tới (11/3), giá xăng dầu có thể tăng mạnh ở mức từ 3.800 đến 4.800 đồng/lít, tùy loại.

Theo vị này, tính giá cơ sở ngày 8/3, giá bán ra trong nước đang âm là 3.800 đồng/lít với xăng và dầu diesel âm tới 4.800 đồng/lít.

Ngay sau kỳ điều chỉnh giá hôm 1/3 vừa qua, các doanh nghiệp đã lỗ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu thô thế giới tiếp đà tăng mạnh nên trong kỳ điều hành sắp tới, dù có can thiệp bằng quỹ thì giá vẫn tăng cao, vị này cho biết.

Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng sẽ vượt mốc 30.000 đồng/lít, tiếp tục phá vỡ kỷ lục.

Tại sao giá xăng có thể tăng kỷ lục, lên mức 30.000 đồng?
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Lý giải nguyên nhân giá xăng trong nước có thể tăng rất mạnh trong kỳ điều chỉnh tới, ghi nhận trên VnExpress, giá dầu thô leo đỉnh khiến giá thành phẩm mặt hàng này tại thị trường thế giới cũng không ngừng đi lên.

Theo dữ liệu được Bộ Công Thương công bố tới ngày 7/3, giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường Singapore với xăng RON92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON92) là 142,01 USD một thùng; xăng RON95 là 145,88 USD; dầu diesel 158,44 USD mỗi thùng.

Như vậy, từ 1/3 đến nay, giá thành phẩm thế giới đã tăng gần 20% mỗi lít xăng, dầu. Việc này khiến chênh lệch giá cơ sở (dùng để tính toán giá bán lẻ trong nước) và giá thế giới ngày càng tăng.

Theo Nghị định 83 trước đây, nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối có quyền tự tăng giá bán lẻ sau 3 ngày kể từ ngày gửi văn bản báo cáo ban điều hành.

Và nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7%, thì Liên Bộ Công Thương - Tài chính phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể. Trong khi đó, biến động giá tuần qua đã tăng gần 20%.

Ông M - một thương nhân phân phối xăng dầu chia sẻ trên báo Lao động: "Ngưỡng biến động đã vượt 10%, là ngưỡng bất thường, đột biến, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, cơ quan điều hành cần tính toán điều chỉnh ngay thay vì chờ đủ 10 ngày, đừng để tình trạng chậm điều hành giá như hồi tháng 2 vừa rồi, không ít doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu méo mặt".

Cũng trên báo Lao động, ông Bùi Ngọc Bảo - quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng việc điều hành giá tiệm cận với thế giới là cái "đích" cần hướng tới. Theo đó, nếu trong trường biến động mạnh, việc xem xét điều chỉnh 2 ngày một lần sẽ tiệm cận với giá thế giới hơn, giảm lỗ cho doanh nghiệp ngành này.

Tuy nhiên, ông Bảo cho biết vẫn chỉ giải quyết được phần nào, bởi vấn đề chính hiện nay là giá dầu thế giới tăng mạnh nhưng không phải do cung cầu mà đến từ những căng thẳng địa chính trị.

Để hạ nhiệt giá xăng dầu, bình ổn thị trường, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ ngày 1.4 đến hết năm 2022, với mức giảm 500 đồng đến 1.000 đồng so với mức kịch khung đang áp dụng. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, người dân, mức mà Bộ Tài chính đưa ra là thấp trong bối cảnh giá mặt hàng này tăng quá mạnh như hiện nay.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 4 đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 2 khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân 1,68% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, giá xăng dầu trong nước bình quân 2 tháng tăng 45,3% so với cùng kỳ, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm, thông tin trên Dân trí.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/tai-sao-gia-xang-co-the-tang-ky-luc-len-muc-30000-dong-tintuc813258