Kinh tế

Tỷ giá USD/VND tăng tiếp: Ai lợi, ai thiệt?

Từ ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VNĐ từ mức +/-3% theo tỷ giá trung tâm lên +/-5% nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

 Giảm áp lực tỷ giá, triệt tiêu đầu cơ

Theo NHNN, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành, xung đột Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.

Để duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường tiền tệ, ngoại hối, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra, ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức áp dụng biên độ tỷ giá mới.

Cụ thể, để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của FED và các ngân hàng trung ương trên thế giới, ngày 17/10/2022, NHNN ban hành Quyết định số 1747/QĐ-NHNN quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép.

Theo đó, biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ (USD) được điều chỉnh từ ±3% lên ±5%. Đây đã là lần điều chỉnh tăng thứ 5 liên tiếp từ đầu năm với mức tăng tổng cộng đã là 1.360 đồng/USD, tương đương hơn 5,9%. So với đầu năm, tỷ giá USD trên thị trường đã tăng 7%.  

Liên quan đến Quyết định số 1747, ngày 17/10, NHNN cũng đã tăng tỷ giá trung tâm sáng thêm 45 đồng/USD so với phiên trước đó, lên mức 23.586 đồng/USD. Với sự điều chỉnh cả tỷ giá trung tâm lẫn biên độ điều chỉnh tỷ giá, trên thị trường ngày 17/10, giá USD bán ra nhiều ngân hàng được nâng lên mức 24.500 đồng/USD, giá bán USD trên thị trường tự do vượt 24.500 đồng/USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân khác khiến NHNN phải điều chỉnh biên độ tỷ giá còn do sức ép từ cán cân vãng lai. Mặc dù cán cân thương mại nước ta vẫn thặng dư tương đối, nhưng cán cân dịch vụ thâm hụt lớn và cán cân tài chính cũng đang trong trạnh thái yếu (vốn đầu tư gián tiếp giảm).

Tỷ giá USD/VND tăng tiếp: Ai lợi, ai thiệt?
 Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh. (Ảnh: Tin nhanh chứng khoán)

TS Đinh Trọng Thịnh nhận định việc NHNN nới rộng biên độ tỷ giá nhằm làm giảm áp lực tỷ giá trên thị trường, cân bằng cung cầu, tránh tình trạng đầu cơ. Hiện giá thị trường đang có sự chênh lệch lớn giữa giá mua bán của các ngân hàng thương mại với giá chợ đen, dẫn đến tình trạng đầu cơ. Do vậy, nới rộng biên độ tỷ giá giúp làm giảm áp lực tỷ giá, phù hợp với thị trường, tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại mua bán với tỷ giá mới, không vi phạm luật nhà nước, luật ngân hàng.

Xuất khẩu có lợi, nhập khẩu bất lợi

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc Việt Nam phải điều chỉnh giá trị đồng tiền là khó tránh. FED liên tục tăng lãi suất thời gian qua đã khiến cho hầu hết các đồng tiền trên thế giới mất giá mạnh so với USD: Yên Nhật mất giá khoảng 40%, Euro và bảng Anh mất giá khoảng 30%, Trung Quốc - quốc gia có mức độ mất giá nội tệ thấp nhất cũng mất giá khoảng 8%.

Việt Nam kiểm soát tốt tỷ giá, cung - cầu ngoại tệ tương đối ổn. Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đang kiểm soát rất tốt lạm phát bằng cách giảm thuế đối với xăng dầu. Biến động tỷ giá USD/VND từ đầu năm 2022 đến nay không quá lớn nên mức độ tác động lên các ngành không nhiều. Tuy nhiên, trước sức ép về tỷ giá, NHNN buộc phải áp dụng điều chỉnh tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá hối đoái. Từ nay đến cuối năm VND có thể sẽ mất giá từ 4%-5%. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.

Tỷ giá USD/VND tăng tiếp: Ai lợi, ai thiệt? - 1
 (Ảnh minh hoạ)

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty AFA Capital, tỷ giá có ảnh hưởng đến lạm phát, nợ công và cán cân tổng thể xuất nhập khẩu. Các ngân hàng được mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước phải phục vụ mục đích nhu cầu thanh toán thật chứ không phải để đầu cơ. Nếu không nới biên tỷ giá, USD sẽ “tuồn” từ ngân hàng ra chợ đen.

Các doanh nghiệp xuất khẩu ròng như thủy sản, đồ gỗ, phân bón… hưởng lợi do có doanh thu bằng USD, tuy nhiên những doanh nghiệp nhập khẩu bị ảnh hưởng bất lợi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có dư nợ bằng USD mà không có nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu sẽ bị lỗ tỷ giá. Các doanh nghiệp ghi nhận doanh thu bằng ngoại tệ khác, nhất là đồng Euro, yên Nhật, bảng Anh, nhân dân tệ thì mức độ tác động lớn hơn, bởi các đồng tiền đó mất giá mạnh so với USD (doanh nghiệp xuất khẩu chịu thiệt hại, còn nhập khẩu hưởng lợi).

Theo khảo sát, sau khi NHNN tăng biên độ tỷ giá, trên thị trường chính thức, giá bán USD tại hầu hết ngân hàng đã tăng hàng trăm đồng so với cuối tuần trước. BIDV hiện niêm yết tỷ giá giao dịch đồng bạc xanh ở mức 24.180 đồng/USD (mua) và 24.460 đồng/USD (bán), cao hơn tới 230 đồng so với cuối tuần trước. HDBank hiện niêm yết giá mua vào ở mức 24.440 đồng/USD và bán ra ở 24.500 đồng/USD, cao hơn 260 đồng; Techcombank niêm yết ở mức 24.165 - 24.470 đồng/USD, tăng 223 đồng; Eximbank niêm yết ở 24.180 - 24.430 đồng/USD, tăng 190 đồng…

Theo Tuyết Vân (Kienthuc.net.vn)




https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/ty-gia-usdvnd-tang-tiep-ai-loi-ai-thiet-1763247.html