Tiểu thương chợ truyền thống bày hàng hóa ngập lối đi; cửa hàng trong trung tâm thương mại giăng bảng giảm giá đỏ rực... nhưng vẫn vắng khách mua. Đây là tình cảnh kinh doanh những tháng cuối năm hiện nay tại TPHCM.
Ngày 31/10, tại Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (chợ An Đông, quận 5), tiểu thương ngành hàng quần áo thời trang bày hàng ngập lối đi. Đây là khu chợ chuyên bán sỉ nên giá cả rất mềm, từ khoảng 100.000 đồng/sản phẩm. "Chúng tôi bán lẻ cũng theo giá sỉ, quần áo chủ yếu hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Hàng hóa bao mặc, bao đổi trả" - chị Tâm, tiểu thương chợ An Đông cho biết.
Tuy hàng hóa phong phú nhưng khách đến chợ mua sắm khá thưa thớt. Nhiều quầy sạp, tiểu thương buồn tênh ngồi buôn chuyện hoặc lướt điện thoại cho hết ngày. "Nhiều hôm không bán được một sản phẩm nào. Chợ ngày càng vắng" - một tiểu thương thở dài, nói.
Nhiều quầy hàng đóng cửa nghỉ bán hoặc treo bảng cho thuê, sang sạp kèm số điện thoại để khách tiện liên hệ. Theo các tiểu thương, hàng hóa ở chợ đang chịu nhiều áp lực từ siêu thị, cửa hàng, người kinh doanh online. Giờ thêm “cú bồi” hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài đưa trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử nên bán buôn càng khó khăn hơn.
Trước đây khoảng vài năm, thời điểm này các quầy hàng đã bắt vào mùa bán hàng Tết, nhưng nay im lìm, hàng hóa ế chỏng chơ.
Tại TPHCM hiện có 233 chợ, trong đó có 3 chợ đầu mối và 230 chợ truyền thống với tổng 221/230 chợ đang hoạt động. Theo thống kê, hiện nay lượng khách đến chợ truyền thống giảm 20 - 30% so với thời điểm trước dịch và giảm 30 - 50% so với thời điểm năm 2019. Trong đó, khách mua sắm đối với ngành thực phẩm giảm 10 - 30%; ngành hàng vật liệu, phụ kiện máy móc... giảm 20 - 40%; ngành hàng tạp hóa, quần áo, giày dép... giảm 50 - 70% so với thời điểm trước dịch bệnh COVID-19.
Trước đây, ban quản lý tại nhiều chợ ở TPHCM mở lớp tập huấn, hướng dẫn tiểu thương bán hàng bằng cách livestream, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử... Thế nhưng đến thời điểm này, số thương nhân tận dụng chuyển đổi số để kinh doanh không nhiều. Đa số phản hồi không có hiệu quả bởi giá cả cạnh tranh, tốn chi phí chạy quảng cáo, không có nhân sự thực hiện...
Một số sạp hàng kiên trì bán online bằng cách livestream trên chính trang mạng xã hội của mình. Đơn cử như sạp hàng Thái Trang tại chợ An Đông vẫn đều đặn livestream giới thiệu sản phẩm vào mỗi buổi chiều để tìm khách.
Khu vực bánh kẹo trên lầu của chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM), hàng hóa ngập lối đi nhưng chỉ có người bán, vắng hẳn người mua. Theo Ban quản lý chợ Bình Tây, chợ có khoảng 2.000 quầy sạp, số lượng sạp tạm ngưng kinh doanh khoảng 500.
Ngay cả thực phẩm thiết yếu như rau củ, thịt cá cũng giảm lượng khách, giảm số lượng hàng bán ra. "Người dân thắt chặt chi tiêu, trong khi giá cả leo thang nên chợ vắng khách nhiều lắm. Chúng tôi cũng không dám nhập hàng nhiều, bán không hết là lỗ vốn nên chỉ nhập đủ bán trong ngày" - chị Hồng, tiểu thương ngành hàng rau củ quả bộc bạch.
Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), tiểu thương hàng trái cây chăm chút từng mặt hàng để hút khách mua. Tuy nhiên lượng khách không khá hơn bao nhiêu. Trái cây ở đây đa số là hàng loại 1, chủ yếu khách mua để biếu tặng, bày bàn thờ...
Các cửa hàng ở trung tâm thương mại như Diamond, Vivo City... cũng không khá hơn. Dù không phải dịp lễ Tết nhưng nhiều cửa hàng vẫn trưng bảng giảm giá ngay lối đi để kéo khách. Một thương hiệu thời trang khá nổi tiếng ở quận 1 giảm giá 50% hầu hết các mặt hàng nhưng gần như vắng bóng khách xem hàng.
Hàng hóa đẹp, chất lượng... nhưng khá cao, từ 1 triệu đồng/sản phẩm càng khiến người tiêu dùng chùn tay.
Nhiều sản phẩm giảm giá 50%, hoặc đồng giá 399.000 đồng nhưng chỉ có một khách xem hàng. Sau đó người này cũng không mua. "Thu nhập giảm nên tôi chấp nhận chọn mua quần áo "no name" (không thương hiệu) để có giá rẻ hơn" - người này cho biết.
Theo Uyên Phương (Tiền Phong)