Kinh tế

Vì đâu cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo mạnh, diễn biến kém so với thị trường thời gian qua?

Chỉ số giá cổ phiếu ngành Ngân hàng tăng thấp 5,8% trong 1 tháng gần đây mặc dù chỉ số dòng tiền tích lũy cho thấy dòng tiền vào ngành này tăng mạnh và đang ở mức khá cao nếu xét trong khung thời gian từ đầu năm đến nay.

Tính đến ngày 27/7/2023, đã có 683 ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết đại diện 55% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM công bố báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh Q2/2023 và 6 tháng đầu năm 2023, với tổng lợi nhuận sau thuế giảm 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vì đâu cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo mạnh, diễn biến kém so với thị trường thời gian qua?
Ảnh minh họa

Đây là quý thứ 3 liên tiếp lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng và doanh nghiệp này suy giảm so với cùng kỳ, thống kê từ FiinTrade.

Hiện có khoảng 47% ngân hàng và doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ và tỷ lệ này cải thiện đáng kể so với quý 1/2023 (39%). Tỷ lệ các ngân hàng và doanh nghiệp vừa ghi nhận lãi và vừa có tăng trưởng so với cùng kỳ cũng cải thiện, hiện ở mức 42% so với tỷ lệ 32% trong Q1/2022.

Cụ thể, với ngành Ngân hàng, động lực tăng trưởng yếu. Lợi nhuận sau thuế của 15/27 Ngân hàng tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm lại đáng kể so với mức tăng 12%-46% trong 4 quý trước đó. So với Q1/2023, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng này giảm 6,2%. Khả năng hấp thụ vốn ở các doanh nghiệp hiện khá thấp khi họ đang ở giai đoạn khó khăn lớn về hoạt động kinh doanh do hệ lụy từ cầu tiêu dùng yếu.

Thiếu vắng động lực tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn, cổ phiếu ngành Ngân hàng đang “yếu” hơn so với thị trường chung. Chỉ số giá cổ phiếu ngành Ngân hàng tăng thấp 5,8% trong 1 tháng gần đây mặc dù chỉ số dòng tiền tích lũy FMI trên FiinTrade cho thấy dòng tiền vào ngành này tăng mạnh và đang ở mức khá cao nếu xét trong khung thời gian từ đầu năm đến nay.

Vì đâu cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo mạnh, diễn biến kém so với thị trường thời gian qua? - 1

Với khối Phi tài chính, lợi nhuận sau thuế của 634/1518 doanh nghiệp Phi tài chính đại diện 45% vốn hóa của khối tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ giảm 37,6%, nhưng tốc độ suy giảm đã thấp hơn so với các quý trước.

Trên bình diện chung, khối Phi tài chính vẫn đang gặp khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, cầu tiêu dùng yếu, đầu tư tư nhân giảm mạnh và hoạt động giải ngân vốn đầu tư công chưa thực sự đột phá.

Xét theo ngành, kết quả kinh doanh Q2/2023 cho thấy tình trạng đã bớt “khó khăn” hơn ở 1 số ngành, bao gồm Thực phẩm & Đồ uống, Tài nguyên Cơ bản và Hóa chất. Trong khi đó, một số ngành tiếp tục tăng trưởng tốt về lợi nhuận như Công nghệ Thông tin và Dược phẩm.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu các ngành với kết quả kinh doanh Q2/2023 cải thiện (ngoại trừ Thực phẩm & Đồ uống) đã có mức tăng giá tốt hơn thị trường chung trong 3 tháng gần đây.

Theo FiinGroup, dự kiến cả năm 2023, tổng thể lợi nhuận toàn thị trường sẽ đi ngang trong đó nhóm ngành tài chính vẫn dự kiến duy trì tăng trưởng lợi nhuận sau thuế gồm ngân hàng tăng 13,6%, chứng khoán tăng 71,6% trong khi bảo hiểm giảm 7,8%; Nhóm doanh nghiệp phi tài chính ghi nhận suy giảm lợi nhuận thu hẹp mức suy giảm còn khoảng âm 16,5% cho cả năm 2023.

Điều này cho thấy sự kỳ vọng nhất định về mức độ khôi phục trong nửa cuối năm 2023. Nhóm ngành bất động sản và xây dựng, vật liệu mặc dù suy giảm mạnh cả năm 2022 và nửa đầu năm 2023 và nhưng dự kiến cả năm tốc độ suy giảm mạnh (nếu không tính Vinhomes). Nhóm ngành xuất khẩu dự kiến suy giảm mạnh cả năm 2023 và Nhóm ngành liên quan đến cầu tiêu dùng nội địa về cơ bản giảm nhẹ hoặc đi ngang.

Theo Thu Minh (VnEconomy.vn)




https://vneconomy.vn/vi-dau-co-phieu-ngan-hang-bi-ban-thao-manh-dien-bien-kem-so-voi-thi-truong-thoi-gian-qua.htm