Kinh tế

Vốn hóa Bia Hà Nội tăng 3 lần sau khi lên sàn chứng khoán

Habeco tăng giá 181% sau khi lên sàn chứng khoán khiến vốn hóa đạt 1,1 tỷ USD. Habeco dự tính sẽ chuyển sàn từ UPCoM sang niêm yết HOSE.

Habeco tăng giá 181% sau khi lên sàn chứng khoán khiến vốn hóa đạt 1,1 tỷ USD. Habeco dự tính sẽ chuyển sàn từ UPCoM sang niêm yết HOSE.

Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là ngày 17/11. Mục đích nhằm lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để chuyển sàn giao dịch cổ phiếu BHN từ sàn đăng ký giao dịch UPCoM sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Sàn UPCoM vốn được đánh giá là sàn không đòi hỏi nhiều quy định như khi niêm yết trên HNX hay HOSE, thủ tục để đưa cổ phiếu lên giao dịch khá đơn giản.

HOSE là sàn niêm yết chứng khoán lớn nhất cả nước, nơi tập trung những công ty có vốn hóa lớn. Vì vậy, nếu chuyển lên sàn HOSE sẽ thu hút được nhiều các nhà đầu tư hơn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Vốn hóa Bia Hà Nội đạt 1,1 tỷ USD

Chốt phiên giao dịch ngày 04/11, cổ phiếu BHN tăng trần hết biên độ lên mức giá 109.500 đồng/cổ phiếu.

 Cổ phiếu BHN đã có chuỗi tăng giá liên tục và đều tăng trần trong 6 phiên liên tiếp kể từ ngày 28/10 (ngày giao dịch đầu tiên) đến nay. Cụ thể, BHN đã tăng từ mức giá khởi điểm 39.000 đồng/cổ phiếu lên 109.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng giá 181%.

Nguyên nhân cổ phiếu BHN tăng giá mạnh do cơ cấu cổ đông rất tập trung. Hiện tại, Nhà nước (thông qua Bộ Công Thương) nắm 81,79% và đại gia ngành bia là Carlsberg nắm 17,23%. Như vậy, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng chỉ là 0,98% tương đương hơn 2,27 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra, các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào giá cổ phiếu BHN khi sắp tới đây Nhà nước sẽ thực hiện thoái hết vốn tại doanh nghiệp này.

Von hoa Bia Ha Noi tang 3 lan sau khi len san chung khoan hinh anh 1
Sau 8 năm cổ phần hóa,ngày 28/10 vừa qua Habeco mới thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Với thị giá trên 109.500 đồng/cổ phiếu, BHN đã gia nhập câu lạc bộ các cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng trên thị trường chứng khoán. Trên cả 3 sàn giao dịch, chỉ có 14 cổ phiếu lọt câu lạc bộ này.

Tại mức giá 109.500 đồng, Habeco có vốn hóa thị trường 25.382 tỷ đồng, tương đương 1,13 tỷ USD. Vốn hóa của Bia Hà Nội đã tăng 2,8 lần sau một tuần lên sàn chứng khoán.

Tăng giá mạnh cũng giúp giá trị thị trường của 189 triệu cổ phiếu BHN do Bộ Công thương nắm giữ tăng thêm hơn 13.300 tỷ đồng, tương ứng giá trị tăng thêm 600 triệu USD.

Carlsberg chưa đồng ý hủy thỏa thuận chọn cổ đông chiến lược 

Mới đây, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Habeco.

Tuy nhiên, Carlsberg có thể ngăn cản quá trình thoái vốn của Nhà nước, do hãng bia nước ngoài này đã ký thỏa thuận chiến lược khi trở thành cổ đông lớn năm 2009, là có quyền tăng tỷ lệ sở hữu trong trường hợp Nhà nước thoái vốn và có quyền chấp thuận các cổ đông chiến lược khác.

Thỏa thuận này hạn chế Chính phủ trong việc lựa chọn người mua tiềm năng do Carlsberg có quyền phủ quyết.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc này, ngày 01/11, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Carlsberg. Tại đây, Carlsberg đưa ra 3 điều kiện cho phía Bộ Công Thương nếu muốn hủy thỏa thuận cũ.

Theo đó, Carlsberg đề xuất Bộ Công Thương phân số cổ phần còn lại thành 2 phần. Phần 1 đấu giá 20% vốn điều lệ của Habeco công khai ra bên ngoài, trong đó Carlsberg được quyền tham gia đấu giá và 61,79% còn lại sẽ bán thỏa thuận cho Carlsberg. Cũng theo đề xuất này, phía Bộ Công Thương cần xác lập có lộ trình chi tiết cho Carlsberg biết về kế hoạch thoái vốn.

Hiện tại, Bộ Công Thương chưa đồng ý với đề xuất trên của Carlsberg.

Theo Phương Diệp (Zing.vn)