Kinh tế

Yeah1 sẽ mất hơn 83% lợi nhuận, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra

Vốn hóa của Yeah1 mất hơn 2.000 tỷ đồng sau 4 phiên cổ phiếu giảm sàn. Thông tin tiêu cực vẫn chưa dừng lại khi báo cáo của HSC dự báo lợi nhuận doanh nghiệp này có thể mất 83%.

Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) trong bản tin gửi các nhà đầu tư ngày 7/3 về tình hình của Tập đoàn Yeah1YEG-12.8% dự báo trong kịch bản xấu nhất, lợi nhuận sau thuế của Yeah1 Group có thể giảm 83,3% so với dự báo trước đó. Trường hợp này xảy ra nếu công ty không đạt được thỏa thuận với YouTube và phải trích lập hết, đồng thời xóa khoản đầu tư 12 triệu USD vào ScaleLab trong năm nay. 

Nhân định đưa ra trên cơ sở sau khi Yeah1 công bố ngày 3/3 cho biết YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung với Yeah1. Với thông tin này hầu hết dự báo tích cực cùng khuyến nghị mua vào cổ phiếu này trước đó đã hoàn toàn lệch hướng. 

Trả lời chúng tôi, YouTube cho biết: "Chúng tôi quyết định thực thi các quyền trong hợp đồng và chấm dứt quan hệ hợp tác với một số mạng lưới đa kênh cùng với các công ty con của họ. Những công ty này bị phát hiện lặp lại các hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quy định của chúng tôi. Chúng tôi cần đảm bảo sự an toàn cho người xem cũng như những nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng YouTube".

Yeah1 sẽ mất hơn 83% lợi nhuận, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra

Kênh Yeah1 sở hữu lợi nhuận thấp hơn kênh của bên thứ ba

Trong các mảng kinh doanh của công ty, mảng MCN đóng góp chính vào doanh thu của Yeah1 Network, chiếm 67% tổng doanh thu năm 2018. Cụ thể, năm 2018 doanh thu của Yeah1 Network đạt 19,28 triệu USD, tương đương 461,7 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2017, và lợi nhuận sau thuế đạt 3,94 triệu USD, tương đương 91,8 tỷ đồng, tăng 96%.

Trong đó, doanh thu từ hoạt động MCN trên YouTube là 13,3 triệu USD, bao gồm 1,35 triệu USD doanh thu từ kênh của Yeah1 Group và 11,95 triệu USD từ quản lý kênh thứ ba; doanh thu cho thuê quảng cáo trực tiếp là 6,5 triệu USD.

Chiếm tới 67% tổng doanh thu của Yeah1 Network nhưng doanh thu từ quản lý kênh của bên thứ ba chỉ đem lại lợi nhuận sau thuế 1 triệu USD, tương đương 25,4% lợi nhuận sau thuế của Yeah1 Network và 13% lợi nhuận sau thuế của Yeah1 Group. Nguyên nhân do Yeah1 Group tính phí dịch vụ đối với người sở hữu kênh chỉ bằng 5-30% số tiền YouTube trả cho người sở hữu kênh.

Trong khi đó, các kênh do Yeah1 Group sở hữu đem lại 0,7 triệu USD lợi nhuận sau thuế, tương đương 17,7% lợi nhuận sau thuế của Yeah1 Network trong năm 2018.

Lợi nhuận sẽ mất 83% nếu không đàm phán được

Trong kịch bản xấu nhất là Yeah1 Group không đạt được một giải pháp nào với YouTube, nghiễm nhiên Yeah1 Network, ScaleLab và SpringMe sẽ không còn là các nhà mạng MCN của YouTube và sẽ không được tiếp tục quản lý kênh của bên thứ ba.

Điều này đồng nghĩa với việc không còn doanh thu từ quản lý kênh của bên thứ ba; không còn doanh thu từ ScaleLab do hầu hết doanh thu của ScaleLab đến từ quản lý kênh của bên thứ ba. Ngoài ra, Yeah1 Group sẽ phải trích lập và xóa hết khoản đầu tư vào ScaleLab, đồng thời hạch toán lỗ 12 triệu USD từ khoản đầu tư này. Số tiền này được Yeah1 thanh toán mua 100% cổ phần ScaleLab.

Với kịch bản này, HSC dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sẽ bị điều chỉnh giảm 83,8% từ dự báo trước đây là 256,7 tỷ đồng (tăng trưởng 64,8%) xuống còn 26 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy rõ, sự cố lần này có liên quan trực tiếp tới mảng YouTube MCN. Trong đó, đội ngũ này duy trì 2 hoạt động gồm quản lý các kênh tự sở hữu và quản lý kênh của bên thứ 3. Theo đó, mô hình hoạt động của 2 loại YouTube MCN khá tương đồng, cùng nhận được 55% doanh thu quảng cáo từ YouTube.

Tuy nhiên, Yeah1 phải chia lại 70-95% doanh thu với các kênh của bên thứ ba, trong khi được giữ lại 100% với các kênh tự sở hữu. Chính vì vậy, việc quản lý các kênh tự sở hữu mang về biên lợi nhuận cao hơn nhiều lần với biên lợi nhuận lên tới 50-70%, trong khi quản lý các kênh của đối tác trung bình chỉ khoảng 8%.

Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)