Lối Sống

Nắng nóng, người bệnh cao huyết áp cần làm gì để phòng tránh đột quỵ?

Nhiều người thường nghĩ chỉ thời tiết lạnh mới nguy hiểm với người tăng huyết áp, nhưng trên thực tế trời nắng nóng mùa hè cũng rất nguy hiểm với những người bị bệnh này. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng người bệnh cần hết sức thận trọng để phòng ngừa những biến chứng do tăng huyết áp gây ra.

VnExpress dẫn lời BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, vào những ngày nắng nóng, huyết áp thường không ổn định. Nguyên nhân chủ yếu do trời nóng khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi, gây mất nước và điện giải, dẫn đến thể tích máu tuần hoàn giảm, người bệnh bị tụt huyết áp. Nhiệt độ cao còn khiến mạch máu giãn ra, huyết áp càng xuống thấp. Đây là lý do khiến một số người cảm thấy xây xẩm, chóng mặt khi đi nắng nhiều vào ban ngày.

Trong khi đó, huyết áp có xu hướng tăng cao vào ban đêm. Bởi vì thời tiết oi bức khiến bệnh nhân bứt rứt, trằn trọc khó ngủ, làm cho nhịp tim nhanh hơn, dẫn đến tăng huyết áp. Theo Hiệp hội Tim mạch học Việt Nam, huyết áp cao là khi huyết áp tâm thu đo tại phòng khám lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg, huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg.

Bác sĩ Mai giải thích thêm, trời oi bức cũng khiến nhiều người ngồi máy lạnh cả ngày, thậm chí có lúc giảm nhiệt độ phòng xuống dưới 20 độ C, trong khi ngoài trời 35-36 độ C. Ở ngoài trời nắng, mạch máu giãn ra, huyết áp có xu hướng giảm. Khi vào phòng điều hòa, mạch máu đang giãn nở gặp nhiệt độ lạnh đột ngột sẽ co lại, làm huyết áp tăng cao đột ngột.

Khi huyết áp tăng cao đột ngột có thể khiến bệnh nhân gặp các biến chứng nguy hiểm đến não (đột quỵ, nhồi máu não, xuất huyết não); tim (suy tim, nhồi máu cơ tim). Nếu tình trạng huyết áp không ổn định kéo dài, có thể gây ảnh hưởng mắt (mờ mắt, mù vĩnh viễn); suy thận; xơ vữa mạch máu, hình thành cục máu đông, gây tắc mạch.

Nắng nóng, người bệnh cao huyết áp cần làm gì để phòng tránh đột quỵ?
Ảnh minh họa: Internet

Người bệnh cao huyết áp cần làm gì để bảo vệ sức khỏe trong ngày nắng nóng

Hạn chế ra ngoài khi trời nắng

Trong thời tiết nắng nóng, người đang dùng thuốc điều trị huyết áp không nên hoạt động nhiều ngoài trời để phòng giãn mạch quá mức gây nên tình trạng tụt huyết áp.

Khi phải ra ngoài, nhất là vào thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao trong ngày nên mặc áo chống nắng, đội mũ, kính mát và mang theo nước để uống bù nước thường xuyên, bù đắp cho lượng nước liên tục mất do đổ mồ hôi.

Nắng nóng, người bệnh cao huyết áp nhất định phải biết điều này để phòng bệnh tim mạch, đột quỵ - Ảnh 3.
Ảnh minh họa

Không bật điều hòa quá thấp

Sự thay đổi nhiệt độ từ nóng đến lạnh đột ngột như thế sẽ khiến những mạch máu vốn đang ở trạng thái giãn nở bình thường tức thời co lại, dẫn đến huyết áp tăng cao. Ngược lại, nếu đang ở trong phòng có máy điều hòa trong một thời gian rồi đi ra ngoài thời tiết nóng bức, các mạch máu sẽ giãn nở, điều này khiến huyết áp không ổn định.

Uống đủ nước

Việc cung cấp nước đều đặn cho cơ thể rất quan trọng. Người cao huyết áp nên uống nhiều nước và uống đều đặn, không nên đợi đến lúc khát mới uống, để giảm được độ kết dính trong máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể đồng thời tạo thói quen uống 1 ly nước sau khi thức dậy vào buổi sáng và 1 ly nước trước lúc đi ngủ.

Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống cũng có tác dụng trong kiểm soát huyết áp. Người huyết áp cao cần bổ sung các loại thực phẩm tốt như: Ngũ cốc thô, cá, gia cầm, đậu, rau quả, trái cây tươi, sữa và những sản phẩm từ sữa ít béo; ăn nhiều thực phẩm giàu chất kali như cà chua, khoai lang, nho, các loại đậu; nên ăn cá, thịt trắng như thịt gà, thịt gia cầm bỏ da; hạn chế ăn thịt đỏ như thịt bò, thịt heo; hạn chế ăn bánh ngọt, nước ngọt, thực phẩm chứa nhiều chất béo.

Vận động đều đặn

Khi thời tiết nóng bức, dù vận động ít, cơ thể cũng sẽ ra nhiều mồ hôi, điều này khiến nhiều bệnh nhân cao huyết áp, đặc biệt là người cao tuổi thường ngại vận động, đi lại. Thực tế, vận động sẽ giúp mạch máu co giãn và đàn hồi tốt, làm tăng tính bền của thành mạch. Vì thế, có người đã ví sự vận động chính là "tập thể dục cho mạch máu".

Khám sức khỏe định kỳ

Nguyên tắc quan trọng để kiểm soát huyết áp là người bệnh cần phải dùng thuốc đều đặn, không ngắt quãng. Vì vậy, người bệnh cao huyết áp cần được theo dõi thường xuyên và kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo tránh biến chứng nguy hại ảnh hưởng sức khỏe.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/nang-nong-nguoi-benh-cao-huyet-ap-can-lam-gi-de-phong-dot-quy-d216782.html