Lối Sống

Tại sao lại không nên ăn bánh mì gói bằng giấy báo?

Nếu mỗi ngày bạn vẫn ăn sáng bằng ổ bánh mì gói bằng giấy báo thì hãy dừng lại ngay trước khi chúng ảnh hưởng tới sức khỏe. Bài viết này sẽ lý giải tại sao tuyệt đối không nên ăn bánh mì gói bằng giấy báo.

Bánh mì là món ăn vô cùng phổ biến ở Việt Nam. Người dân thường có thói quen tận dụng giấy báo cũ hay sách vở đã qua sử dụng để bọc xôi, gói bánh mì. Hành động này được cho là tiết kiệm nhưng lại có ảnh hưởng khó lường tới sức khỏe người sử dụng.

Các nhà khoa học đã chỉ ra trong giấy báo có nhiều loại hóa chất độc hại như các kim loại nặng: chì, thép crom, cát-mi-um, thủy ngân, PCBs (Polychlorinated Biphenyls0 cùng những chất dung môi hữu cơ độc hại như ethanol, isopropanol, toluene…

Trong số các chất độc hại này thì nguy hiểm nhất với sức khỏe con người là chì. Tùy theo từng loại mực in, giấy in mà mức độ nhiễm chì sẽ khác nhau. Dù là giấy báo mới in hay đã để lâu thì hàm lượng chì lưu lại trên mực in trên giấy vẫn còn tồn động. Đồ ăn khi được bọc trực tiếp với tờ báo sẽ bị nhiễm chì có trong mực in.

Tại sao lại không nên ăn bánh mì gói bằng giấy báo?
Ảnh minh họa

Bạn có thể kiểm chứng điều này bằng cách dùng báo bọc trực tiếp vào một chiếc bánh mì mới ra lò hay nắm xôi còn nóng. Khi giở ra trên đồ ăn của bạn đã dính lem nhem các vết mực in. Những tờ báo mới ra lò khi mực mới được in sẽ có mức độ nhiễm chì cao hơn báo cũ. Chỉ cần cầm một tờ báo mới, bạn cũng có thể thấy trên tay mình bụi và vệt mực. Các chất độc hại trong giấy báo dù đã được làm khô trên giấy và giảm đáng kể độ độc hại nhưng vẫn gây nguy hiểm khi ăn hay hít phải.

Theo các nhà khoa học thì có tới 0,1 – 1mg kim loại chì trong 1kg giấy báo. Con người chỉ cần hít phải 0,5 – 2mg là đã bị nhiễm độc chì. Khi đem giấy báo bóc thực phẩm còn nóng thì mức độ nguy hiểm của chì cũng cao hơn.

Việc sử dụng giấy báo để gói bánh mì vô cùng nguy hiểm. Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời PGS.TS Nguyễn Công Khẩn, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: “Việc dùng giấy báo để gói thực phẩm là hành vi rất thường gặp, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng. Trước hết, phải kể đến các loại hóa chất có trong mực in, trong đó có chì”.

Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Hữu Hoan, Viện Hóa học Công nghiệp thì chất chì trong giấy báo dùng để bọc xôi, gói bánh mì có khả năng gây suy giảm trí nhớ, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn,…

Nguy cơ nhiễm khuẩn do giấy báo cũng khá cao khi những tờ giấy báo đi từ nhà máy sản xuất đến các sạp hàng bán báo, qua tay người đọc do vậy khả năng nhiễm một số loại vi khuẩn gây bệnh là không thể tránh khỏi.

Ăn bánh mì đúng cách?

Bánh mì là một trong những thực phẩm phổ biến ở Việt Nam. Bánh mì thường được làm từ lúa mì, hoặc các loại ngũ cốc thay thế, men và các thành phần khác. Bánh mì sau khi mua về hoặc sau khi làm sẽ chỉ đảm bảo tươi, đủ dinh dưỡng trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên bánh mì không phải là thực phẩm lành mạnh hoàn toàn với sức khoẻ.

Báo Vietnamnet dẫn nguồn trang Eating Well cho biết, bánh mì nhiều chất xơ có thể gây khó chịu cho một số người. Mặc dù cơ thể cần có đủ lượng chất xơ từ các nguồn thực phẩm nhưng không phải ai cũng có thể xử lý được 25-38g/ngày theo Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ.

Ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất xơ có nguy cơ gây đầy hơi, chuột rút, khó chịu. Những người không hấp thụ chất xơ nên ăn bánh mì trắng hoặc bánh mì chua sourdough với ít chất xơ hơn.

Hãy ăn bánh mì với lượng vừa đủ nhưng cần kết hợp với các loại thực phẩm khác.

NT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/tai-sao-lai-khong-nen-an-banh-mi-goi-bang-giay-bao-d187533.html