Hiện nay Toyota đang đứng trước hai con đường: hoặc sản xuất ô tô tại Thái Lan bán sang Việt Nam hoặc duy trì sản xuất tại Việt Nam.
Hiện nay Toyota đang đứng trước hai con đường: hoặc sản xuất ô tô tại Thái Lan bán sang Việt Nam hoặc duy trì sản xuất tại Việt Nam.
Đó là chia sẻ của ông Ichiro Abe, cố vấn cao cấp về xúc tiến đầu tư FIA-MPI tại Hội thảo liên kết doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Việt Nam- Nhật Bản diễn ra ngày 21/8, do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức.
 

Nếu chi phí sản xuất tại Việt Nam rẻ như Thái Lan thì Toyota mới có thể tiếp tục duy trì đầu tư, sản xuất tại đây.

 
Báo Infonet dẫn lời ông Abe cho biết, hiện nay mỗi năm Toyota Thái Lan sản xuất khoảng 1 triệu chiếc, trong khi đó Toyota Việt Nam chỉ sản xuất 45.000 chiếc. Chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn Thái Lan 20%.
 
Đặc biệt sau khi hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, theo cam kết từ năm 2018 cắt giảm thuế quan nhập khẩu. Ông Abe lo ngại cho nền công nghiệp ô tô của Việt Nam sẽ thêm nhiều khó khăn khi ô tô của các nước có thể ồ ạt vào Việt Nam.
 
Theo ông Abe từ trước đến nay vẫn có quan điểm “sản xuất tại đâu tiêu thụ tại đó” nhưng Toyota không nghĩ như vậy. Nếu chi phí sản xuất tại Việt Nam rẻ như Thái Lan thì Toyota mới có thể tiếp tục duy trì đầu tư, sản xuất tại đây.
 
“Toyota Việt Nam hiện nay đang khảo sát  những doanh nghiệp có khả năng cung cấp linh phụ kiện cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam để giảm chi phí sản xuất. Chính phủ Việt Nam nên hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện”, ông Abe nêu ý kiến.
 
Với những phát biểu trên, một lần nữa Toyota lại dậm doạ rời Việt Nam. Trước đó, đại diện phía Nhật Bản cũng nhiều lần nói về viễn cảnh xám của ô tô Việt Nam, đồng thời đánh tiếng rời Việt Nam.
 
Đặc biệt, hồi tháng 4/2015, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam (TMV), ông Yoshihisa Maruta đã nói rõ: "Trong khi Việt Nam chưa có nhiều nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô thì chi phí nhập khẩu, vận chuyển từ Thái Lan hay Indonesia về Việt Nam rất tốn kém. Nói một cách hơi quá thì nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan vào Việt Nam còn rẻ hơn lắp ráp.
 
Tất cả chúng ta đều hình dung nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn là nhập linh kiện, rồi gỡ ra rồi lại lắp lại. Vì thế việc thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0% vào năm 2018 là một vấn đề lớn. Trong VAMA, TMV cũng như các nhà sản xuất khác cũng đối mặt với vấn đề tương tự, sắp phải quyết định tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu”.
 
Phía Toyota cũng đã từng có văn bản đề xuất nhiều loại thuế lên Chính phủ, mà thực chất là xin ưu đãi hàng ngàn tỷ như: giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất trong nước; giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện CKD từ Nhật Bản từ mức 15-25% theo chính sách thuế MFN (theo cam kết WTO) hiện nay xuống 0%, ngang với mức thuế ưu đãi nhập khẩu linh kiện từ ASEAN vào năm 2018; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất ô tô.
 
Đặc biệt, Toyota xin Chính phủ hỗ trợ cho xe CKD giá trị xe tương đương 50% mức chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Thời gian hỗ trợ phải kéo dài 10 năm.
 
Trong bản đề xuất, Toyota Việt Nam ghi rõ: "Hãng sẽ từng bước ngừng sản xuất các mẫu xe vì không thể đầu tư cho giai đoạn thay đổi sản phẩm tiếp theo do chi phí sản xuất xe cao hơn xe nhập khẩu".
 
Hồi tháng 4/2015, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trước đây Toyota được hưởng ưu đãi thuế nên mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nhưng bây giờ, hàng rào bảo hộ được gỡ bỏ theo cam kết trong khu vực. Theo tính toán của Toyota, còn ưu đãi, còn bảo hộ thì họ còn làm, không bảo hộ thì bỏ đi.
 
"Đừng nghĩ các doanh nghiệp nước ngoài vào là để xây dựng cho nền công nghiệp của Việt Nam, đóng góp công nghiệp hóa cho Việt Nam. Hoàn toàn không phải thế! Đối với họ, lợi nhuận là số 1. Ở đâu có lợi thì họ làm. Chừng nào cơ chế còn có lợi cho họ thì họ làm. Đến lúc họ tính toán là 2018, thuế nhập khẩu không còn nữa, không cạnh tranh được, nhập khẩu về có lợi hơn, thì họ quay sang nhập khẩu", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
 
Theo bà Lan, đừng nghĩ Toyota họ thương người Việt Nam, họ tạo công ăn việc làm cho mình. Lao động giá còn rẻ, trong ngành còn được bảo hộ cao, còn khi không còn thì họ tính đến việc rời đi.
 
>> Ôtô nhập khẩu phải tính thuế theo cách mới
>> Thuế nhập khẩu 0%: Đừng mong giá xe hơi giảm
 
Theo An Nhiên (Đất Việt)