Pháp luật

3 người đã chết và hàng loạt cá nhân giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan không bị xem xét xử lý

Bà Trương Mỹ Lan đã thuê, nhờ hàng trăm cá nhân đứng tên hồ sơ, cổ phần, tài sản để tạo lập hồ sơ vay khống nhằm "rút ruột" hơn 1 triệu tỷ đồng từ Ngân hàng SCB.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Tạo dựng hệ thống chân rết "rút ruột" SCB

Cổng thông tin điện tử Chính Phủ dẫn thông tin từ cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty ''ma'', thuê/nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo, ký hợp thức chứng từ rút, nộp tiền để tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của SCB.

Theo kết quả điều tra, có 875 khách hàng gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay, được Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên.

Ngoài việc tạo lập các công ty ''ma'' đứng tên hồ sơ vay vốn, bà Trương Mỹ Lan còn câu kết và chỉ đạo các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật hoặc được giao quản lý công ty thực tế có hoạt động kinh doanh.

3 người đã chết và hàng loạt cá nhân giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan không bị xem xét xử lý
Bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan trước khi bị bắt

Trong đó, Trương Huệ Vân là cháu ruột Trương Mỹ Lan, được giao quản lý điều hành một số Công ty trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Nguyễn Phi Long (Tổng Giám đốc), Đặng Quang Nguyên, (Phó Tổng Giám đốc) Công ty Lavifood; Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ) là chồng Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư Times Square… để các công ty này đứng tên vay vốn hoặc tạo lập thêm nhiều công ty ''ma'', tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống, rút tiền của SCB để cùng sử dụng.

Mỗi khi cần rút tiền, bà Lan chỉ đạo cán bộ ở SCB và đồng phạm tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để hợp thức; đưa các cá nhân được thuê/nhờ đứng tên khoản vay, đứng tên tài sản, đại diện công ty ''ma'' đến ký vào hồ sơ vay vốn khống, hồ sơ thế chấp, hầu hết là ký vào các tờ giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký.

Các đại diện pháp nhân và cá nhân đứng tên khoản vay đều không được thụ hưởng và sử dụng tiền, không biết mình vay và nợ SCB số tiền đặc biệt lớn; những người đứng tên tài sản đều xác nhận không phải tài sản của họ.

Bằng các thủ đoạn trên, bà Trương Mỹ Lan đã "rút ruột" hơn 1 triệu tỷ đồng từ Ngân hàng SCB.

Vì sao hàng loạt cá nhân giúp sức cho Trương Mỹ Lan không bị xử lý hình sự?

Báo Công thương dẫn cáo trạng của Viện KSND Tối cao xác định, nhóm đối tượng được thuê đứng tên ký khoản vay, đại diện pháp luật công ty ký hồ sơ vay, đứng tên tài sản bảo đảm, ký chứng từ rút, chuyển tiền, làm nhân viên kế toán, nhân sự hành chính… liên quan đến các hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định là các đối tượng có vai trò thứ yếu.

Ngoài tiền lương được trả, những người này không được hưởng lợi gì khác. Bản thân họ không nhận thức được hành vi đứng tên như trên đã giúp sức cho bị can Trương Mỹ Lan rút tiền Ngân hàng SCB. Những người này cũng là những người lệ thuộc, thực hiện nhiệm vụ do các đối tượng khác thuê.

Quá trình điều tra, những người được bà chủ Vạn Thịnh Phát thuê, nhờ đứng tên đại diện các công ty đã thành khẩn khai báo. Do vậy, không cần thiết phải xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ.

Ngoài nhóm người trên, trong vụ án này, có một nhóm cán bộ Ngân hàng SCB ở cấp đơn vị, chi nhánh cho vay; tái thẩm định cho vay; tham mưu cho Ban Tổng giám đốc, cán bộ giúp việc cho HĐQT, Ban Kiểm soát... Theo VKS, họ có tham gia trong hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định, không kiểm tra, kiểm soát hoạt động Ngân hàng SCB.

Bên cạnh đó, một nhóm cá nhân là những người ở cấp đơn vị, chi nhánh có tham gia hạch toán liên quan đến tiền giải ngân đối với các khoản vay của bị can Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Song, VKSND Tối cao xác định họ chỉ là những người lệ thuộc, là người làm công ăn lương, không giữ chức vụ, vị trí chủ chốt, thực hiện công việc chuyên môn theo yêu cầu của lãnh đạo Ngân hàng SCB... nên không bị xử lý hình sự.

3 bị can đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự

Ngoài những cá nhân nêu trên, VKSND Tối cao cũng xác định, 3 bị can trong vụ án đã qua đời nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

Đó là ông Nguyễn Ngọc Dương (Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula, thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát), đây là người đã tham gia vào quá trình chỉ đạo tìm kiếm, thuê người đứng tên các khoản vay, đứng tên các pháp nhân, sở hữu cổ phần… Ông Dương cũng là người trực tiếp đứng tên hợp đồng vay vốn, hợp đồng thế chấp tài sản, là người giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan rút tiền Ngân hàng SCB.

Hai người còn lại là bà Nguyễn Phương Hồng (Phó Giám đốc, Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn) và ông Nguyễn Tiến Thành (thành viên HĐQT Ngân hàng SCB) đã tham gia xây dựng hồ sơ vay vốn, thực hiện việc xét duyệt, cấp tín dụng đối với các khoản vay của khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn trái quy định của Ngân hàng SCB. Hai người này cũng đã giúp cho bị can Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội để sử dụng, chiếm đoạt tiền trái phép của tổ chức tín dụng, báo An ninh thủ đô dẫn thông tin từ cáo trạng.

Theo Duy Anh (Đời Sống & Pháp Luật)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/3-nguoi-a-chet-va-hang-loat-ca-nhan-giup-suc-cho-ba-truong-my-lan-khong-bi-xem-xet-xu-ly-a397489.html