Pháp luật

Bất ngờ nhận án tử, gã thanh niên hốt hoảng lật mặt "bạn vàng"

“Do gia đình nghèo nhất nên bị cáo sẽ nhận hết tội, đổi lại hai người bạn ở ngoài sẽ lo chu cấp cho cuộc sống của mẹ và anh trai của bị cáo”, tử tù Đàm Phạm Hoài Nam kháng cáo.

“Do gia đình nghèo nhất nên bị cáo sẽ nhận hết tội, đổi lại hai người bạn ở ngoài sẽ lo chu cấp cho cuộc sống của mẹ và anh trai của bị cáo”, tử tù Đàm Phạm Hoài Nam kháng cáo.

Chúng tôi gọi đây là buổi tối định mệnh của gã thanh niên Đàm Phạm Hoài Nam (SN 1987), trú phường Nam Lý, TP.Đồng Hới (Quảng Bình) bởi chỉ vì cách giải quyết một xích mích nhỏ của người bạn cùng chơi đã khiến cuộc đời Nam bỗng chốc trở nên tối tăm khi phải đối diện với án tử hình treo lơ lửng trên đầu.

Theo hồ sơ vụ án, sự việc xảy ra vào lúc 23 giờ 30 phút tối ngày 5/10/2011, Đàm Phạm Hoài Nam, Trần Ngọc Huy và một số người khác đến uống bia ở quán Bar Hoàng Đế, TP.Đồng Hới.

Trong lúc đang uống bia, Trần Ngọc Huy cầm ly thủy tinh đi qua bàn của nhóm thanh niên ở xã Quảng Thuận (trong đó có anh Lý Đức Toàn) dùng ly đánh vào đầu anh Nguyễn Hoài Nam vì Huy cho rằng trong lúc đi vệ sinh, anh Nam đã để nước tiểu bắn vào người Huy.

Khi bảo vệ quán bar đến can ngăn thì Huy tiếp tục dùng ly khác ném qua bàn nhóm thanh niên xã Quảng Thuận và dùng tay xô đổ bàn. Anh Nguyễn Hoài Nam bị thương, bỏ chạy ra ngoài, được các bạn chở đến bệnh viện băng vết thương.

Đàm Phạm Hoài Nam trước vành móng ngựa.

Khi sự việc trở nên ồn ào và phức tạp, anh Lý Đức Toàn lên tiếng khuyên can thì Huy và Nam xông vào đánh anh Toàn nhưng được mọi người can ngăn.

Một lúc sau, anh Lý Đức Toàn cũng đi ra ngoài cổng quán bar thì Huy và Nam lại gây sự với anh Toàn. Thấy vậy, Lê Xuân Tiến (là bạn của Huy và Nam) cùng có mặt ở quán bar đã can ngăn thì anh Toàn có đánh một cái vào mặt Tiến. Ngay lúc đó, Nam xông vào định đánh anh Toàn thì anh Toàn bỏ chạy, Nam đuổi theo.

Khi anh Toàn chạy đến đường Phạm Hồng Thái, cách quán Bar Hoàng Đế khoảng 126m thì Nam đuổi kịp và rút dao giấu sẵn trong người đâm anh Toàn một nhát vào ngực trái và đâm tiếp 3 nhát vào người gây thủng tim, thủng phổi, làm anh Toàn gục tại chỗ.

Gây án xong, Nam vứt dao quay lại thì gặp Lê Xuân Tiến và Trần Ngọc Huy vừa chạy tới, cả 3 người quay về quán bar lấy xe máy. Sau đó, Nam, Huy và Tiến đến một nhà nghỉ ở phường Nam Lý, TP.Đồng Hới thuê nhà trọ nghỉ.

Khi vào phòng, thấy áo có dính máu nên Nam đã cởi áo vứt lại nhà nghỉ rồi gợi ý cho Huy và Tiến đến thuê phòng nghỉ tại phường Hải Đình. Cả 3 cùng thuê phòng rồi ngủ lại. Tại đây, Nam đã kể cho Trần Ngọc Huy và Lê Xuân Tiến về việc Nam dùng dao đâm anh Lý Đức Toàn.

Bất ngờ nhận án tử

Sáng ngày hôm sau, biết tin anh Lý Đức Toàn chết nên Đàm Phạm Hoài Nam và Trần Ngọc Huy đến Công an TP.Đồng Hới đầu thú. Trong lời khai của mình tại cơ quan điều tra, Đàm Phạm Hoài Nam đều nhận mình đã đuổi theo và trực tiếp dùng dao đâm anh Lý Đức Toàn dẫn đến tử vong.

Vì vậy, trong phiên tòa sơ thẩm đầu tiên, đứng trước vành móng ngựa, Nam đã khai nhận toàn bộ hành vi giết người của mình. Kết thúc phiên tòa, Nam nhận mức án cao nhất là tử hình vì tội giết người.

Nghe thấy tòa tuyên án, Nam như không tin vào tai mình, bởi trong trí tưởng tượng, Nam chưa bao giờ nghĩ mình lại nhận mức án cao như vậy. Và chính trong lúc đối diện với ranh giới sinh tử ấy, Nam đã quyết tâm khai ra sự thật bằng một lá đơn kháng cáo kêu oan cho rằng, người đâm anh Lý Đức Toàn là Lê Xuân Tiến, Nam đứng ra nhận tội thay Tiến vì Tiến hứa hẹn sẽ lo chu cấp cho mẹ và anh trai của Nam.

Khi Nam đưa ra lý do mình nhận tội thay bạn, nhiều người sẽ liên tưởng đến hoàn cảnh cuộc sống của Nam, phải chăng, đó là một gia đình khó khăn và có hoàn cảnh đặc biệt?.

Bà Phạm Thị Minh Hóa đau xót khi đứa con trai sớm dẫm lên dấu chân của mẹ.

Khi kể về đứa con trai của mình, bà Phạm Thị Minh Hóa lại khóc nức nở: “Năm Nam 6 tuổi, tôi bị tòa kết án 17 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản và tội tham ô. Sau chuyện của tôi, gia đình bị tịch thu hết tài sản, buộc Nam và anh trai phải sống cùng bố trong một căn nhà nhỏ”.

Cuộc sống sớm thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ, bố lại lấy vợ khác, vì vậy, hai anh em Nam tự bảo ban nhau sống cho qua ngày. Lớn hơn một chút, Nam bắt đầu tụ tập với đám bạn lêu lổng, suốt ngày hội hè, đàn đúm, rồi vô tình, Nam trở thành một thanh niên cộm cán ở phường từ lúc nào không hay.

Có lẽ tuổi thơ thiếu vắng cha mẹ, sống trong sự cưu mang của người thân, hàng xóm đã hình thành ở Nam một “khí phách” như những tên giang hồ thực thụ khi đứng ra gánh lấy trách nhiệm cho những người mình từng một lần mang ơn.

Bà Hóa tâm sự: “Nam 15 tuổi thì tôi được ra tù trước thời hạn, mẹ con đoàn viên trong nước mắt tủi hờn. Ba mẹ con sau đó sống với nhau trong một căn nhà thuê đơn sơ, dẫu cuộc sống khó khăn nhưng đầy ắp tình yêu thương”.

Cho đến khi bà nhận được tin con trai của mình ra đầu thú về tội Giết người. Bà bàng hoàng đau đớn trong tuyệt vọng, bởi đứa con trai mà mình đứt ruột đẻ ra lại sớm chịu cảnh tù tội như mẹ nó.

Nhưng khi nghe Nam giải bày nguồn cơn sự việc, rằng Nam bị oan vì nhận tội thay bạn, bà đã cùng Nam làm đơn kháng cáo kêu oan gửi hết các cơ quan chức năng để mong tìm lại công bằng cho con.

Tuy nhiên, trong tất cả các phiên tòa sau đó, Nam đã không chứng minh được hành vi vô tội của mình cũng như không đưa ra được tình tiết mới nên HĐXX đều tuyên án tử hình đối với Đàm Phạm Hoài Nam.

Và cho đến ngày 28/4/2014, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ra quyết định 25/2014/KN-HS kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao Đà Nẵng và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng để điều tra lại. Bởi tòa án nhân dân tối cao cho rằng, có nhiều chi tiết trong quá trình điều tra vẫn còn mâu thuẫn.
 
>> Vì sao thi hành án tử Nguyễn Đức Nghĩa kéo dài tới 4 năm

Theo Bích Ngọc (Nguoiduatin.vn)