Pháp luật

Bộ Công an đề nghị phong tỏa tài sản của vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có công văn gửi UBND tỉnh các tỉnh, thành đề nghị chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản gồm bất động sản, cổ phần/góp vốn, cổ phiếu,...đứng tên vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết và hai em gái của bị can này.

Công văn do Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc phối hợp phục vụ điều tra vụ án Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty liên quan.

Theo đó, cơ quan điều tra đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản gồm bất động sản, cổ phần/góp vốn, cổ phiếu,...đứng tên bốn cá nhân. Những người này gồm: ông Trịnh Văn Quyết (cựu chủ tịch Tập đoàn FLC) và vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp, hai em gái ông Quyết là bà Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế.

Bộ Công an đề nghị phong tỏa tài sản của vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết
Bị can Trịnh Văn Quyết 

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra còn đề nghị tạm dừng cho giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp,...đối với khối tài sản như bất động sản, cổ phần/góp vốn, cổ phiếu,...của các cá nhân nêu trên.

Theo đề nghị của CQĐT, sáng 14/4, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản hỏa tốc gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc yêu cầu rà soát thông tin, biến động tài sản của các tổ chức, cá nhân để phục vụ công tác điều tra của Bộ Công an.

Tại công văn hỏa tốc nêu trên, tỉnh UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài nguyên và môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai, các tổ chức hành nghề công chứng kiểm tra, rà soát thông tin về bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu… của các đối tượng có liên quan - theo danh sách cụ thể đã được Bộ Công an cung cấp. Tạm dừng thực hiện các giao dịch có liên quan.

Trên cơ sở đó giao Sở Tư pháp tổng hợp, trực tiếp có văn bản cung cấp thông tin cho Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và báo UBND tỉnh trước ngày 15/4.

Cách đây ít ngày, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đề nghị 8 ngân hàng cung cấp hồ sơ mở tài khoản, thông tin tài khoản thanh toán, tiết kiệm, tiền vay (VNĐ và ngoại tệ), sao kê tài khoản, sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch (các bút toán giao dịch ký, nhận, chuyển tiền) từ năm 2016 đến nay liên quan ông Trịnh Văn Quyết cùng một số cá nhân để phục vụ công tác điều tra vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán".

Ngoài bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế....; CQĐT cũng đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan 14 công ty, tổ chức có liên quan.

Trước đó, 29/3, Bộ Công an cho biết đã khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Quyết về tội thao túng thị trường chứng khoán. Sau ông Quyết, hai em gái của bị can này cùng một số lãnh đạo, cán bộ Tập đoàn FLC cũng đã bị bắt.

Cơ quan điều tra cáo buộc, từ ngày 1/12/2021 đến 10/1, ông Quyết đã chỉ đạo các cá nhân điều hành Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất cao, tạo ra cung cầu giả, đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá 24.050 đồng/cổ phiếu (tăng 64%).

Sau đó, ông Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1/2022 với giá 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỉ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỉ đồng.

HL (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/bo-cong-an-de-nghi-phong-toa-tai-san-cua-vo-chong-ong-trinh-van-quyet-tintuc818775