Pháp luật

'Đường đi' của 100 bánh cocaine trước khi đến Việt Nam

Tàu hàng Mark Shenzhen chở lô hàng phế liệu chứa 100 bánh cocaine đã lênh đênh trên biển 2 tháng trước khi cập cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Theo lịch trình hàng hải, tàu Mark Shenzhen (quốc tịch Liberia), rời cảng Trinidad và Tobago (thuộc châu Mỹ) vào cuối tháng 5, điều khiển bởi thuyền trưởng Vernygora, quốc tịch Ukraine. Sau đó, tàu cập cảng Panama (quốc gia Trung Mỹ), lưu tại đây nửa tháng rồi khởi hành đến Trung Quốc vào ngày 15.7.

'Đường đi' của 100 bánh cocaine trước khi đến Việt Nam
Một trong 4 túi cocaine được giấu trong lô hàng phế liệu cập cảng Cái Mép ngày 24.7 vừa qua
C.T.V

Đến sáng 24.7, tàu cập cảng Cái Mép để trả 17 container phế liệu của Công ty Stamcorp International PTE LTD (Singapore) cho bên nhận là Công ty cổ phần Thép Pomina 2 và xuất cảnh đi Singapore trong buổi sáng cùng ngày. Tổng trị giá lô hàng 355 tấn thép phế liệu nhập khẩu về cảng Cái Mép theo hợp đồng gần 2,8 tỉ đồng.

Khi tàu vừa cập cảng Cái Mép, do có nhiều dấu hiệu nghi vấn, cơ quan hải quan đã tiến hành kiểm tra thực tế một container có số hiệu MRKU 0172045/42G1 và phát hiện 100 bánh cocaine (119 kg, trị giá 34 triệu USD, tương đương khoảng 790 tỉ đồng). Phía doanh nghiệp là Pomina cho biết, số niêm phong thực tế lúc kiểm tra trên container là ML-CO 0063200 không đúng với chứng từ nhận hàng bao gồm thông báo hàng đến của hãng tàu Maersk Line, packing list và vận đơn (Bill of lading) mà chủ hàng cung cấp.

Theo các cơ quan chức năng, đây là vụ án lớn, số lượng cocaine bị phát hiện và bắt giữ cũng lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Xuân Chiểu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thép Pomina cho biết, cả doanh nghiệp và đối tác Singapore sẵn sàng phối hợp và cung cấp toàn bộ tài liệu cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên, vì Pomina chưa thực hiện việc mở tờ khai hải quan, kiểm tra chứng từ đúng hay sai… nên vẫn chưa thanh toán cho lô hàng này. Do đó đến lúc này, Pomina vẫn chưa phải là chủ sở hữu của lô hàng 355 tấn thép phế liệu nói trên. Pomina đã mua thép phế liệu từ nhiều đối tác thuộc nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Stamcorp International của Singapore.

Theo Công ty Pomina, 6 tháng đầu năm nay, bình quân mỗi tháng Pomina nhập khẩu từ đối tác Singapore này 20.000 tấn thép phế liệu.

“Theo quy trình giao dịch, sau khi mở tờ khai hải quan, kiểm tra bộ chứng từ nhận hàng đúng theo giấy tờ phía chủ hàng cung cấp thì công ty mới nhận hàng và thanh toán tiền qua ngân hàng. Trong trường hợp này, do số niêm phong (seal) thực tế lúc kiểm tra trên container không đúng với chứng từ của chủ hàng cung cấp nên chắc chắn công ty cũng sẽ không nhận hàng. Hiện nay chúng tôi rất mong cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vì sao số hàng cấm này có mặt trong các container nhập khẩu hàng về Việt Nam để không ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cũng như tình hình sản xuất của công ty”, ông Đỗ Xuân Chiểu nói.

Theo Nguyên Nga - M.Phương (Thanh Niên Online)