Pháp luật

'Mánh lừa' nghìn tỷ của địa ốc Alibaba

Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch địa ốc Alibaba, dùng 22 pháp nhân công ty con "vẽ" 58 dự án không có thật, xây dựng 5 bước giao dịch thu 2.500 tỷ đồng của khách.

Hành vi của Nguyễn Thái Luyện, 35 tuổi, cùng 21 đồng phạm vừa được Công an TP HCM kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang VKS đề nghị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Đây được cho là vụ án lừa đảo bằng dự án "ma" lớn nhất từ trước đến nay, diễn ra trên nhiều tỉnh thành.

Theo điều tra, Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty địa ốc Alibaba từ tháng 5/2016, vốn điều lệ một tỷ đồng. Trong hai năm, công ty thay đổi vốn thêm hai lần lên mức 1.600 tỷ đồng. Với vai trò Chủ tịch HĐQT và lợi thế hiểu biết về pháp luật, Luyện tìm cách lách luật, tạo dựng lên hệ thống kinh doanh dự án bất động sản không có thật theo mô hình đa cấp, gồm 5 bước.

'Mánh lừa' nghìn tỷ của địa ốc Alibaba
Nguyễn Thái Luyện làm việc cùng cơ quan điều tra tháng 9/2019. Ảnh: Công an cung cấp.

Đầu tiên, Luyện dùng tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt được từ khách hàng, chỉ đạo người thân và nhân viên thân tín đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.

Tiếp theo, những người này lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện thành lập, để các công ty này tự vẽ dự án không có thật trên đất nông nghiệp, phân lô tách thửa trái quy định.

Sau khi nhận được ủy quyền, các công ty của Luyện với tư cách là Chủ đầu tư đã tự vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, tách thửa từ 100 m2 đến dưới 400 m2 trái quy định, ghi là đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài rồi quảng cáo bán sản phẩm.

Ở giai đoạn này, các pháp nhân không thực hiện những thủ tục theo quy định pháp luật về việc lập dự án, đăng ký với cơ quan quản lý đất đai để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tách thửa đất.

Sau đó, Luyện yêu cầu các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án tự vẽ với Công ty Alibaba để doanh nghiệp này trở thành đại lý phân phối cho khách hàng. Việc làm này nhằm mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án trên, đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định mà đăng ký mua.

Cuối cùng, khi khách hàng đồng ý mua, Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng. Số tiền thu được nộp về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện cam kết mua lại với giá cao hơn 30-38% sau hơn một năm kể từ ngày nộp tiền, hoặc thuê lại với mức 2% một tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị Hợp đồng.

Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công ty Alibaba sẽ chuyển tài sản của khách hàng sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại.

Cơ quan điều tra xác định, "tập đoàn' địa ốc Alibaba lừa gần 4.000 người, chiếm đoạt gần 2.500 tỷ đồng. Giúp sức cho Luyện là nhiều người thân như vợ, hai em trai và các nhân viên thân tín. Những người này được phân công nhiệm vụ, từng bước lách luật, đưa khách hàng sập bẫy.

Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột của Luyện, Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) đã sử dụng tư cách cá nhân đứng tên thu mua, nhận chuyển nhượng trên 92 thửa đất nông nghiệp tại Đồng Nai, Bình Thuận bằng nguồn tiền chiếm dụng của khách hàng. Sau khi hoàn tất thủ tục đặt cọc hoặc chuyển nhượng, Lĩnh ký ủy quyền toàn bộ số đất này cho Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), Trần Huy Phúc (Giám đốc, đại diện theo pháp luật của các Công ty Law Firm và Công ty 108 - hai công ty sân sau của Alibaba.

Các công ty này tự lập dự án dân cư không có thật, phân lô trái pháp luật, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Lĩnh. Những dự án "ma" được quảng cáo lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư, chiếm đoạt lượng tiền rất lớn của khách hàng.

Trong đó, Lĩnh đã ký 84 hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các dự án không có thật gồm Long Phước 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8; dự án Thắng Hải Newtimes City... giúp anh trai chiếm đoạt gần 40 tỷ đồng.

'Mánh lừa' nghìn tỷ của địa ốc Alibaba - 1
Công ty Alibaba lập hàng chục pháp nhân để lừa đảo. Ảnh: Công an cung cấp.

Võ Thị Thanh Mai, với tư cách Giám đốc công ty cổ phần Alibaba Law Firm, ký Hợp đồng nhận ủy quyền từ các cá nhân đứng tên đất, tự vẽ 28 dự án trên nền đất nông nghiệp, gồm: Hoàng Gia Residence, Alibaba Diamond City, Alibaba Golden City, Alibaba Long Thành, Alibaba Luxury City, Alibaba Thắng Hải Newtimes City, Alibaba Tân Thành, Alibaba Tân Thành 2, Alibaba An Phước, Alibaba City Land, Alibaba Bình Châu, Alibaba Long Phước và 16 dự án Alibaba Long Phuớc 1-16.

Tiếp đó, Mai tiếp tục ký hợp tác kinh doanh, phân phối bán đất nền trong dự án với Công ty Alibaba để Công ty này trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng.

"Việc làm này của Mai nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án, đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng mà đồng ý mua. Nhờ sự giúp sức của vợ, Luyện chiếm đoạt của hơn 397 bị hại số tiền 116 tỷ đồng", cơ quan điều tra nhận định.

Tương tự với vai trò thua mua đất, Nguyễn Thái Lực (em ruột Luyện, Giám đốc và là người đai diện theo pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Địa Ốc Xanh) đã giúp anh trai lừa, chiếm đoạt của 311 bị hại với số tiền hơn 62 tỷ đồng tại các dự án "ảo": Ali Mega Xuân Lộc, Tân Thành Center City 1, Tóc Tiên Residence.

Đối với Huỳnh Thị Ngọc Như cơ quan điều tra xác định, bị can là Phó Tổng Giám đốc phụ trách đào tạo của Công ty Alibaba, kiêm các chức vụ: Phó Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Tia Chóp, Giám đốc sàn giao dịch CB Real, Giám đốc chi nhánh CB Real. Cô này quản lý bộ phận kinh doanh bất động sản của Alibaba và tham gia môi giới hầu hết các dự án không có thật do công ty này tạo ra, giúp Luyện chiếm đoạt nhiều tỷ đồng ở các dự án: Alibaba Tân Thành 2, Alibaba Tân Thành, Alibaba Long Phước 14.

18 bị can còn lại có vai trò đồng phạm, giúp Luyện thực hiện "mánh lừa" đối với gần 4.000 người, chiếm đoạt tổng số tiền gần 2.500 tỷ đồng.

Hồi tháng 9/2019, khám xét Công ty Alibaba và các công ty thành viên, cảnh sát thu giữ hơn 9 tỷ đồng, 250 miếng kim loại màu vàng, 20 thỏi kim loại màu vàng, 3 ôtô, 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... được cho là tang chứng vụ án.

Nhà chức trách đã phong tỏa, tạm giữ hàng chục tỷ đồng trong tài khoản của các nhân viên và pháp nhân của các Công ty thuộc Công ty Alibaba, kê biên tổng cộng 650 thửa đất với tổng diện tích hơn 447 ha.

Theo Quốc Thắng (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/manh-lua-nghin-ty-cua-dia-oc-alibaba-4210319.html