Pháp luật

Phan Quốc Việt và rắc rối quanh khối tài sản kếch xù

Tại phiên tòa xét xử, HĐXX dành thời gian thẩm vấn bị cáo Phan Quốc Việt và các bên liên quan đến khu đất mà CQĐT đã kê biên của Chủ tịch Việt Á.

Theo cáo trạng, Công ty Việt Á có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, gồm 4 cổ đông sở hữu vốn điều lệ. Trong đó, Phan Quốc Việt sở hữu 47,25% vốn điều lệ, bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ bị cáo Việt) sở hữu 24%.

Phan Quốc Việt và rắc rối quanh khối tài sản kếch xù

Trả lời thẩm vấn tại tòa chiều 4/1, bà Hồ Thị Thanh Thủy cho hay, từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, bà đã tự nghiên cứu, tìm tòi cách sản xuất ra test xét nghiệm. Đến tháng 7/2020, bà hoàn tất công trình nghiên cứu.

Đầu năm 2020, khi nghe chồng nói chuyện về việc phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm, bà Thuỷ có biết nhưng không trực tiếp làm việc với HVQY. Thời điểm hiện tại, việc quản lý công ty bà ủy quyền cho người phụ trách về pháp chế. “Bản thân tôi là người làm chuyên môn, làm công việc nghiên cứu, không biết đến tình hình của công ty”, lời bà Thủy.

Khi được hỏi về vấn đề khắc phục hậu quả vụ án cho chồng, bà Thuỷ cho biết, sẵn sàng cùng công ty khắc phục hậu quả cho bị cáo Phan Quốc Việt “hết sức có thể”. Với bất động sản ở Nha Trang, Khánh Hòa mà CQĐT đã kê biên của Chủ tịch Việt Á, bà Thủy trả lời không hay biết về tài sản này cho đến khi nhận được phụ lục tài sản kê biên của ông Phan Quốc Việt.

Trả lời thẩm vấn của tòa về khối tài sản bị kê biên, phong tỏa, Phan Quốc Việt nói: “Không nhớ hết”. Khi HĐXX nhắc nhở, bị cáo Việt xác nhận có 3 tài khoản ngân hàng, 55 sổ tiết kiệm đứng tên mình với tổng số tiền hơn 321 tỷ đồng bị phong toả.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phong toả 52 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ bị cáo Việt (tổng số tiền 142 tỷ đồng) và 2 sổ tiết kiệm đứng tên con bị cáo (trị giá 20 tỷ đồng).

Trình bày về 52 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ mình, Phan Quốc Việt cho hay, đây là số tiền mà bị cáo trả nợ cho mẹ. Trước câu hỏi của HĐXX về cơ sở nào để xác định số tiền 142 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm là của mẹ bị cáo, ông chủ Việt Á khẳng định, quá trình làm ăn, nhiều lần bị cáo phải vay tiền gia đình. Số tiền mẹ bị cáo có được có thể do vay bạn bè và các nguồn khác.

HĐXX đã triệu tập mẹ của bị cáo Việt nhưng người này không có mặt tại tòa.

Đối với những tài sản bị kê biên, phong toả, Chủ tịch Việt Á khẳng định sẽ dùng để khắc phục hậu quả.

Rắc rối khối tài sản kếch xù

Trong số các tài sản mà CQĐT kê biên của bị cáo Phan Quốc Việt có 16 bất động sản ở số 9 Mạc Đĩnh Chi, phường Bến Nghé, TP HCM.

Trình bày về các bất động sản trên, Chủ tịch Việt Á cho rằng, đây là tài sản của ông H.N.L (bạn thân của bị cáo) trước đó vì rắc rối trong việc hợp tác làm ăn đã phải đem thế chấp cho một ngân hàng.

Để giúp bạn "đảo nợ", bị cáo Việt đồng ý đứng tên mua lại 16 bất động sản trên rồi sau đó lại mang thế chấp ngân hàng để vay tiền giúp bạn. Tại tòa, ông L. thừa nhận việc bị cáo Việt đã đứng tên 16 bất động sản để giúp ông dùng các bất động sản này thế chấp ngân hàng vay hơn 800 tỷ đồng.

Có mặt tại tòa, đại diện ngân hàng đề nghị được xử lý tài sản trên, cụ thể là phát mại 16 bất động sản để thu nợ gốc và lãi đến thời điểm tháng 12/2023 là 853 tỷ đồng.

Về phần mình, ông L. chấp nhận phương án để các bên ngồi lại với nhau tự giải quyết.

Theo T.Nhung (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/phan-quoc-viet-va-rac-roi-quanh-khoi-tai-san-kech-xu-2235333.html