Pháp luật

Thủ đoạn tinh vi của đường dây giả danh các bác sĩ bệnh viện lớn để bán thuốc giả cho 8.000 người

Mỗi hộp thuốc có chi phí sản xuất là 25 nghìn đồng, được bán với giá 2 triệu đồng; “ưu đãi” cho người già, người có công; thương bệnh binh…

Ngày 11/12, Công an huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, đã khởi tố 26 đối tượng về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" ở đường dây giả danh các bác sĩ bệnh viện lớn để bán thuốc giả.

Thủ đoạn tinh vi của đường dây giả danh các bác sĩ bệnh viện lớn để bán thuốc giả cho 8.000 người
Lực lượng chức năng khám xét trụ sở, văn phòng công ty Dược phẩm SPARTA. Ảnh: Công an cung cấp.

Qua điều tra, cơ quan công an xác định đối tượng cầm đầu đường dây trên là Phạm Viết Trung (SN 1995, trú ở Xuân Thành, Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình).

Sau khi học xong đại học, Trung ở lại Hà Nội làm một số công ty chuyên bán hàng đa cấp. Từ đây, Trung nhận thấy nhu cầu của rất nhiều người dân về sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng để điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp.

Để thành lập công ty, Trung cùng với Lưu Đức Tịnh (ở xã Ninh Xuân, Hoa Lư, Ninh Bình) và Nguyễn Hải Đăng (SN 1997, trú ở xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội); Nguyễn Xuân Tuyên (ở xã An Lưu, Kinh Môn, Hải Dương) góp cổ phần với tổng số tiền là 100 triệu đồng. Nhóm này sau đó thành lập Công ty Cổ phần Dược phẩm SPARTA do Trung làm Giám đốc, trụ sở hoạt động tại tầng 7 tòa nhà số 251 Vũ Tông Phan, phường Khương Đình.

Để có sản phẩm, các đối tượng nghĩ ra mẫu mã các loại thuốc, bao bì rồi đặt hàng một nhà thuốc gia truyền sản xuất với các sản phẩm như: Hạ đường QY, Thanh mạch QY, Mộc gan QY...

Thủ đoạn tinh vi của đường dây giả danh các bác sĩ bệnh viện lớn để bán thuốc giả cho 8.000 người - 1
Tang vật bị thu giữ. Ảnh: Công an cung cấp.

Sau đó, Trung trực tiếp điều hành thành lập các nhóm kinh doanh có mô hình gồm 2 người/nhóm, 1 đối tượng có nhiệm vụ lập fanpage trên mạng xã hội rồi chạy quảng cáo, mời chào bệnh nhân; đối tượng còn lại làm sale có nhiệm vụ giả danh bác sĩ để tư vấn, bán thuốc.

Các đối tượng lập các fanpage có tên “Bệnh viện Quân đội 108 - Chuyên khoa Nội tiết” hoặc “Bệnh viện Quân y 103” - đăng tải các hình ảnh, logo của các bệnh viện kể trên. Các trang này có tiêu đề, nội dung, hình ảnh có liên quan đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 103 để thu hút những người bệnh có nhu cầu tìm hiểu, chữa bệnh.

Khi người dân kích vào các fanpage trên, các đối tượng sẽ mời chào để lại thông tin, số điện thoại để “bác sĩ” gọi điện lại tư vấn.

Có thông tin, số điện thoại của người bệnh, đối tượng bán hàng sẽ giả danh bác sĩ bệnh viện gọi lại cho bệnh nhân tư vấn, mời chào mua liệu trình điều trị tiểu đường, huyết áp.

Mỗi hộp thuốc có chi phí sản xuất là 25 nghìn đồng, được bán với giá 2 triệu đồng; “ưu đãi” cho người già, người có công; thương bệnh binh… với giá 700.000 - 1 triệu đồng/sản phẩm.

Sau khi bán 1 loại thuốc, chúng tiếp tục lôi kéo, lừa đảo bệnh nhân bằng cách mời chào họ mua sản phẩm tốt hơn, giá tiền cao hơn để tiếp tục bán sản phẩm khác.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 5/2022 đến 10/2023, Trung và đồng phạm đã bán thành công 12.800 đơn hàng cho hơn 8.000 bị hại ở các tỉnh thành trên cả nước, thu về hơn 30 tỷ đồng.

Sau khi thu được tiền, các đối tượng chia theo cổ phần và đóng góp trong quá trình bán hàng. Đáng chú ý, đối tượng Vũ Quang Vinh (SN 2002, ở Mường Khoa, Chiềng Khoa, Vân Hồ, Sơn La) tự xưng là Thiếu tướng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để tư vấn khiến bệnh nhân rất tin tưởng.

Hiện, cơ quan công an đã bắt tạm giam 24 đối tượng; cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú 2 đối tượng là Cao Thuỳ Dương (SN 1998, trú ở Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) và Lưu Thị Thuỷ (SN 1999, trú ở Thanh Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) do đang mang thai.

PTH (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/thu-doan-tinh-vi-cua-duong-day-gia-danh-cac-bac-si-benh-vien-lon-de-ban-thuoc-gia-cho-8000-nguoi-d198930.html