Sau những cuộc “đi bãi” đẫm máu, Lương “tổng” lê lết với những cuộc “trốn nã” từ Bắc vào Nam. Nếu không có tình yêu của người vợ, có lẽ gã đã không còn trở về được với cõi thiện.

Sau những cuộc “đi bãi” đẫm máu, Lương “tổng” lê lết với những cuộc “trốn nã” từ Bắc vào Nam. Nếu không có tình yêu của người vợ, có lẽ gã đã không còn trở về được với cõi thiện.

Lương “tổng” sinh năm 1957. Gã có nước da đen nhăn nheo, trên ngực chằng chịt những nét xăm trổ thể hiện một thời “số má”.

Tên đầy đủ của gã là NguyễnVăn Lương, cái tên này đã khiến chính quyền Hà Tuyên (nay là Tuyên Quang và Hà Giang) một thời khiếp đản. Cũng như những gã giang hồ miền Bắc (cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ trước), Lương “tổng” phiêu dạt với những tháng ngày tội ác đầy mình.

Sinh ra trong một gia đình gia giáo bề thế tại huyện Sơn Dương. Lương được gia đình chăm lo, giáo dục tử tế. Khi học hết lớp 10 (tương đương tốt nghiệp THPT hiện tại), gã được điều về làm cán bộ giữ chức thủ kho của tỉnh Hà Tuyên.

Nhưng không được bao lâu, cuối năm 1980, gã nảy ra việc rút ruột của công. Bị phát hiện, gã chịu mức án 60 tháng tù giam. Đó là lần đi trại đầu tiên của Lương “tổng”.

Ra tù, tưởng chừng như sẽ là cơ hội để hắn làm lại cuộc đời thì số phận lại đẩy hắn lún sâu thêm vào con đường tội lỗi. Lương “tổng” kể: “Năm 1986 ra tù với hai bàn tay trắng, về địa phương trong tiếng khinh bỉ của người làng. Cuộc đời cơ cực hơn sau khi lấy vợ và sinh con trai đầu lòng. Cuộc sống quá khó khăn khiến mình lại nghĩ đi “cải thiện” cuộc sống. Những năm đó, khu vực mỏ thiếc Bắc Lũng, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang là điểm đến của những người ôm mộng làm giàu. Cũng như mọi người, mình tìm đến đó để mong kiếm tiền nuôi vợ con”.

Lương "tổng" nhớ lại cuộc đời giang hồ một thời.
 
Cuộc sống không như mong đợi khi những lần “đi bãi” vốn đã khổ lại thường xuyên bị các nhóm khác đến chèn ép và cướp bóc. Không cam chịu, Lương “tổng” bèn lập ra nhóm trong đó quy tụ từ 10 đến 15 người cùng cảnh ngộ để chống lại các nhóm khác. Trong những cuộc tranh giành địa bàn ở khu vực mỏ thiếc, ngoài nhóm của Lương “ tổng” còn nổi lên các nhóm khác như của Lừng “bá đỏ”, Chiến “Hợp Thành”, “ Đại tá” Khang.... Các nhóm này dùng đủ mọi thủ đoạn để “dằn mặt”, đánh chiếm để lấy “số má”.

Mỏ thiếc Bắc Lũng những năm đó là địa bàn nổi cộm về tình trạng mất an ninhnên chính quyền đã có các biện pháp để xóa bỏ. Những đợt truy quét của công an khiến việc “đi bãi” ngày một khó khăn hơn. Thấy không thể tiếp tục được nữa, Lương và các chiến hữu của mình quyết định đi tìm vùng đất mới, mục tiêc được nhằm tới là các bãi vàng ở Na Rì (tỉnh Bắc Kạn).

Ban đầu, nhóm của Lương không thể cạnh tranh với các “thổ địa” trong khu vực, sau một thời gian Lương bắt quen được với các ông trùm là Lẫm “lùn” và Hải “tay quăng”. Được nương nhờ, hắn rất nhanh chóng hòa nhập cùng với các đại ca, tiến hành tranh giành địa bàn với các nhóm khác.

Trong khuôn mặt gầy gò của người đàn ông năm nay gần 60 tuổi hết hiện lên nỗi thống khổ khi nghĩ đến quãng đời đã qua. “Luật ở bãi vàng là luật rừng, luật kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, luật của những con thú được đặt lên trên hết. Cảnh giác, phòng bị với tất cả mọi người, kể cả trong lúc ngủ. Tiền nhiều dễ sinh ra các tệ nạn và dễ gặp nhất là dính đến ma túy. Mình vẫn còn sống đến ngày hôm nay có lẽ cũng là tránh được sự cám dỗ của ma túy, nhiều lúc muốn thử cho biết nhưng nghĩ lại, cuộc đời đã đủ tủi nhục lắm rồi, khi đã nghiện ma túy thì chỉ có chết”, Lương “tổng” thông tin.

Cuộc sống cướp bóc và đâm chém ở các bãi vàng ngày một khốc liệt, muốn có thời gian yên tĩnh, Lương “tổng” tìm về thăm gia đình nhưng khi vừa về nhà thì hắn lập tức bị bắt. Đó là năm 1988, khi đứa con trai đầu lòng mới có 1 tuổi. Bị giải lên huyện, không muốn vào tù một lần nữa, hắn nảy ra ý định vượt ngục.

Đêm hôm đó, lợi dụng sự mất cảnh giác của cán bộ trông coi, hắn áp chế được quản giáo rồi cùng với một nhóm người trốn thoát. “Chạy nã” vào Nam, qua các tỉnh Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh rồi qua Campuchia, muốn tồn tại chỉ còn cách là đi đến đâu cướp đến đó hoặc tìm sự giúp đỡ của “dân anh chị” có “máu mặt” ở các tỉnh.

Hiện tại, cuộc sống của Lương "tổng" bình dị với những công việc đời thường bên gia đình.

Một thời gian, nhận thấy có vẻ như sự truy bắt của công an đã bớt “căng”, Lương quay ra Bắc, tham gia các vụ trộm cắp và cướp, nổi tiếng nhất là vụ cướp một xe hàng nhân sâm, tam thất của một nhóm buôn hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam qua địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Sau đó hắn bị công an huyện Sơn Dương bắt lần thứ 3.

Tổng mức án 37 năm 6 tháng tù giam giành cho Lương “tổng” là mức án tù kỷ lục mà một phạm nhân phải chịu thời đó. Sau khi xem xét các yếu tố, tòa quyết định giảm cho hắn 17 năm 6 tháng chỉ phải chấp hành án 20 năm tù giam. Qua nhiều trại giam từ Tuyên Quang, Thanh Hóa cuối cùng hắn bị giam ở trại giam Tân Lập (tỉnh Phú Thọ) đến khi ra tù.

Trong suốt 20 năm ấy, người phụ nữ là vợ của Lương “tổng” một mình gánh vác gia đình, nuôi dạy con cái. Đó cũng là người phụ nữ luôn thăm nuôi và động viên Lương “tổng” nhiều nhất.

Tháng 1/2013, mãn hạn tù, Nguyễn Văn Lương trở về gia đình. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng với ý chí quyết tâm chuộc lại quá khứ, anh bắt đầu xây dựng kinh tế gia đình. Nhờ bạn bè, người thân giúp đỡ, anh Lương mở trang trại nuôi gà, ngan, ngỗng, lợn với hàng trăm con. Bên cạnh đó còn tự trồng rau, mía, ngô để giúp đỡ vợ con.

“Vừa sinh con thì chồng đi tù, bằng bẵng 20 năm mới về. Hiện tại cuộc sống tuy vẫn còn khó khăn nhưng được cái có vợ có chồng, 3 đứa nhỏ giờ cũng đã lớn, bọn nó biết thương mẹ mà chăm ngoan làm việc. Cách đây mấy tháng, vợ chồng tôi góp tiền vào cùng với công sức của các con cũng xây cho thằng con trai lớn cái nhà, tuy cũng không lớn lắm nhưng cũng coi như là công sức của cả nhà dành dụm bao năm”, chị Nhặn vợ Lương “tổng” tâm sự.

Nghe vợ tâm sự, Lương “tổng” cúi mặt, mắt gã rớm lệ. Lương “tổng” nói: “Nếu không có cô ấy suốt hơn 20 năm qua một mặt vừa nuôi dạy con cái, chăm lo gia đình, một mặt cho tôi hiểu thế nào là chữ tình thì chắc cũng chẳng có ngày hôm nay…”.

Ông Chu Văn Triều, trưởng thôn Đa Năng thông tin: “Anh Lương từ khi mãn hạn tù trở về thì đã chịu khó làm ăn, giúp đỡ vợ con, xây dựng kinh tế. Đối với tình hình an ninh của thôn thì không gây ra tai tiếng gì. Đó cũng là điều mừng cho thôn và cho riêng gia đình anh ấy”.

>> Giang hồ Thành Nam và những bí mật lần đầu công bố
>> Ngăn chặn bữa tiệc của 500 'giang hồ'

Theo Khải An (Nguoiduatin.vn)