Pháp luật

Trước khi bị tạm giữ, TGĐ BĐS Nhật Nam Vũ Thị Thúy đã huy động bao tiền?

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TP Hà Nội mới đây đã tạm giữ bà Vũ Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại BĐS Nhật Nam.

Bà Vũ Thị Thúy bị tạm giữ do có hành vi đưa ra thông tin sai sự thật về Công ty Nhật Nam có nhiều BĐS, dự án đầu tư, có lợi nhuận cao để huy động vốn của nhiều cá nhân, rồi sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho các cá nhân trên. Từ đó, bà Thúy chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Tổng Giám đốc Công ty Nhật Nam bị điều tra theo Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước khi bị tạm giữ, TGĐ BĐS Nhật Nam Vũ Thị Thúy đã huy động bao tiền?
Bà Vũ Thị Thúy. 

Thời gian qua, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, Công an TP Hà Nội đã tiến hành điều tra những dấu hiệu vi phạm của Công ty Nhật Nam do bà Vũ Thị Thúy làm Tổng Giám đốc. Hiện cơ quan công an đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố đối với bà Vũ Thị Thúy.

“Nổ” sở hữu nhiều BĐS, dự án đầu tư có lợi nhuận cao

Công ty Nhật Nam được thành lập vào năm 2019. Người đại diện theo pháp luật là bà Vũ Thị Thúy (SN 1983, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa). Theo giới thiệu, ngoài trụ sở chính tại TP HCM còn có 12 chi nhánh trên cả nước như Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Công ty Nhật Nam từng giới thiệu đang sở hữu khối tài sản rất đa dạng như: Nhà hàng, karaoke, khách sạn, chuỗi cafe cao cấp…Trong lĩnh vực BĐS, Nhật Nam giới thiệu mình sở hữu quỹ đất trải dài từ Bắc vào Nam, như : Hà Nội, Thanh Hóa, Buôn Mê Thuột, Phú Quốc… đặc biệt quỹ đất này đều nằm ở những vị trí đắc địa. Công ty Nhật Nam sở hữu trong tay nhiều sổ đỏ với diện tích rộng lớn.

Trong đó Nhật Nam thống kê gồm có 23.000m2 đất tại Buôn Đôn (Đắk Lắk) với 41 “sổ đỏ”; 70.000m2 đất tại Phú Quốc trong đó có 35 lô có sổ đỏ; 120.000m2 đất tại Bến Cầu, Tây Ninh; 20 lô đất tại Mỹ Đức, Hà Nội; 4 quỹ đất tại Lợi Thuận 1,2,3,4, Tây Ninh; khu biệt thự cao cấp Nhật Nam tại Hà Nội với tổng diện tích 16.318m2 với 39 lô có sổ đỏ…

Tuy nhiên, phần lớn những vị trí đất trên đứng tên chủ sử dụng là cá nhân khác (không phải lãnh đạo Công ty Nhật Nam). Cụ thể, tại vị trí phường Xuân Khanh, Thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) mà Công ty Nhật Nam giới thiệu là đang sở hữu 39 lô biệt thự (đã có sổ đỏ) với tổng diện tích 16.318m2 thực chất đây là dự án Xuân Khanh Villas do Công ty Cổ phần Xây dựng số 2 làm chủ đầu tư.

Mới đây, một nhóm khách hàng ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Nhật Nam cho biết, qua lời giới thiệu, quảng bá của Công ty Nhật Nam, cụ thể là Tổng giám đốc Vũ Thị Thúy thì đây là một doanh nghiệp lớn với tiềm lực khổng lồ. Công ty có hàng loạt tài sản đảm bảo có giá trị như: chuỗi nhà hàng, dịch vụ karaoke; công ty tài chính; các resort kinh doanh nhiều năm qua và hàng loạt bất động sản có giá trị ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Công ty cũng đang triển khai những chiến lược kinh doanh độc nhất thị trường và mục tiêu trở thành doanh nghiệp BĐS đứng Top 5 tại Việt Nam. Do đó, họ đã đổ tiền vào công ty qua các Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Chiêu trò trả lợi nhuận hàng ngày với tỷ suất lợi nhuận cao

Công ty Nhật Nam lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hàng ngày với tỷ suất lợi nhuận cao (từ 5 - 7%/tháng, tương đương 60 - 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi BĐS).

Từ năm 2019 cho đến năm 2022, Nhật Nam đã liên tục đưa ra nhiều hình thức hợp tác kinh doanh với các mức phân chia lợi nhuận, trong đó phổ biến ở mức 92% trên 2 năm, tương đương với 46%/năm. Nhà đầu tư có thể tham gia các gói đầu tư từ 20 triệu đồng cho đến hàng chục tỷ đồng. Lợi nhuận và gốc được trả hàng ngày, trừ thứ Bảy, Chủ nhật. Thậm chí, nếu nhà đầu tư mua gói đầu tư 10 tỷ đồng, thì sẽ được tham gia vào Câu lạc bộ doanh nhân. Lợi nhuận vẫn nhận 46%/năm, nhưng lại được tặng thêm mỗi tháng 30 triệu đồng, tặng thêm 5 chỉ vàng, 1 mảnh đất và 5 tháng phân chia lợi nhuận.

Lên tiếng về mức lãi suất trên, chuyên gia pháp lý cho rằng, khó có thể có hoạt động sản xuất kinh doanh nào hiện nay có được lợi nhuận cao, để có thể chi trả cho các nhà đầu tư như của Công ty Nhật Nam. Nếu có làm ăn thật, dự án thật, hoạt động tốt cũng không thể nào có được lãi suất cao như vậy. Trả lãi cao như thế này chỉ có cách là huy động đa cấp, nhận của người sau trả cho người trước.

Đáng chú ý, có đến 30.000 nhà đầu tư trên toàn quốc đã tin tưởng và hợp tác với Công ty Nhật Nam. Tuy nhiên, báo cáo tài chính từ năm 2019 - 2022 doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thấp và không nộp đồng thuế nào. Mới đây, Cục Thuế TPHCM cũng ra quyết định thông báo về việc Công ty Nhật Nam đã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh và quyết định phong tỏa hóa đơn, mã số thuế của doanh nghiệp này.

Từng được nhiều lần cảnh báo

Hoạt động Hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty Nhật Nam từng được nhiều cơ quan chức năng cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.

Tháng 8/2022, Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an) từng ra văn bản thông báo trong đó có nêu Công ty Nhật Nam có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.

Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Số tiền Công ty Nhật Nam đã huy động thông qua tài khoản ngân hàng là 3.800 tỷ đồng, nhưng khi chia lợi nhuận cho nhà đầu tư, công ty này không sử dụng tài khoản doanh nghiệp mà sử dụng tài khoản cá nhân của Vũ Thị Thuý để chuyển tiền. Hành vi này có dấu hiệu che giấu thu nhập đã chia cho các nhà đầu tư, qua đó trốn tránh nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân thay cho các nhà đầu tư, vi phạm Luật Quản lý thuế.

Ngoài ra, trong quá trình làm việc với khách hàng, nhân viên Công ty Nhật Nam rất đề phòng, từ chối cung cấp hồ sơ và các giấy tờ liên quan đến chương trình đầu tư, pháp lý các dự án thuộc sở hữu của Công ty.

Mục đích sử dụng vốn huy động của Công ty Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình “ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến một thời điểm nào đó dòng tiền của nhà đầu tư đứt gãy, công ty này không còn khả năng chi trả cho nhà đầu tư sẽ nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự.

Không loại trừ khả năng Công ty Nhật Nam sẽ dùng thủ đoạn giải thể, phá sản doanh nghiệp để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, nhà đầu tư gặp bất lợi khi giải quyết các tranh chấp với công ty này.

Mặt khác, bản thân Vũ Thị Thuý, Tổng Giám đốc công ty Nhật Nam đã có 3 tiền án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cho nên nhiều khả năng tiếp tục phạm tội”.

Nhiều địa phương như Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ… sau đó cũng đã đưa ra cảnh báo về chiêu trò huy động vốn với lãi suất “khủng” của Công ty Nhật Nam.

Trước khi bị tạm giữ, Vũ Thị Thúy từng bảo khách hàng “im mồm đi”

Bà Vũ Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Nam từng khẳng định: "Nếu ai đầu tư vào Nhật Nam mất tiền tôi đền. Gửi tiền vào Nhật Nam tôi cam kết sẽ không bị mất".

Tin vào lời hứa của bà Thúy, nhiều nhà đầu tư dù phân tích được những bất thường nhưng vẫn bỏ tiền vào Nhật Nam.Theo số liệu thống kê, đến tháng 8/2022, số tiền mà Công ty Nhật Nam đã huy động từ hàng nghìn nhà đầu tư trong cả nước là hơn 3,8 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, từ tháng 9/2022 đến nay, Nhật Nam dừng trả lãi suất cho khách hàng và chỉ thông báo điều chỉnh tỷ lệ, thời gian phân chia lợi nhuận.

Cuối năm 2022, bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nhật Nam đã mua vào 1.631.622 cổ phần Công ty CP Sông Đà 1.01, trở thành cổ đông lớn thứ 2 với tỉ lệ 23,53% vốn điều lệ. Sau đó được bầu giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện trước pháp luật của Công ty Sông Đà 1.01.

Đầu năm 2023, hàng nghìn khách hàng của Nhật Nam bất ngờ nhận được thông báo từ công ty về việc thu hồi hợp đồng gốc để chuyển sang tư cách pháp nhân mới sang Công ty Sông Đà Nhật Nam. Công ty sông Đà Nhật Nam đưa ra nhiều giai đoạn chi trả tiền cho khách hàng và yêu cầu tất cả hợp đồng phải được chuyển đổi trong tháng 2/2022 thì sau 3 tháng sẽ nhận lãi các tháng 3,4,5 và sẽ được nhận trong tháng 6/2023. Những nhà đầu tư không chuyển đổi qua Sông Đà Nhật Nam, quyền lợi vẫn được giữ nguyên cho đến khi tài sản công ty tăng trưởng và bán đi có dòng tiền về sẽ hoàn lại cho nhà đầu tư nhưng không có thời gian cụ thể.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều nhà đầu tư sau khi đã chuyển đổi hợp đồng xong đến nay vẫn chưa nhận được tiền.

Tại một buổi đối thoại giữa đại diện Công ty Nhật Nam với nhà đầu tư mới đây, nhiều nhà đầu tư bức xúc yêu cầu công ty phải tất toán hợp đồng, nhưng bà Vũ Thị Thúy - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Nhật Nam lại cho rằng các nhà đầu tư cần phải làm việc riêng với Bộ phận Pháp chế của công ty và nói với khách hàng “Chú ơi chú im mồm đi”.

Thậm chí khi nhà đầu nói về việc đi vay lãi ngày để trả lãi ngân hàng, bà Vũ Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty ty Nhật Nam lại nói rằng: "Tôi chưa bao giờ bảo ai đi vay ngân hàng đầu tư tôi. Càng không bao giờ bảo ai khuyến khích đi vay tiền đầu tư nên đừng bao giờ nói với tôi lý do đấy".

Theo Tâm Đức (Kienthuc.net.vn)




https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/truoc-khi-bi-tam-giu-tgd-bds-nhat-nam-vu-thi-thuy-da-huy-dong-bao-tien-1897496.html