Pháp luật

Tướng Minh: "Không đua được về xe với bọn cướp đâu!"

Thời gian qua, tướng Minh có nhiều phát ngôn "bom tấn", nhưng không phải tất cả phát ngôn hay của ông đều có trên mặt báo. Những câu chuyện tôi kể dưới đây là ví dụ.

Thời gian qua, tướng Minh có nhiều phát ngôn "bom tấn", nhưng không phải tất cả phát ngôn hay của ông đều có trên mặt báo. Những câu chuyện tôi kể dưới đây là ví dụ.

Thời điểm đó, dư luận còn căng hơn bây giờ gấp bội, vì đang rộ lên những vụ dùng súng cướp tiệm vàng trắng trợn giữa ban ngày.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao cướp giật ở Sài Gòn lộng hành đến thế và ngành công an TP HCM đã có biện pháp nào hiệu quả?

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM, bấy giờ còn ở cấp bậc đại tá, đã đại diện Công an TP HCM trả lời chất vấn của nhà báo.

Những đặc điểm tình hình tội phạm ở TP HCM được nói đến trong cuộc họp đó đã thay đổi gì sau gần mười năm? Có chăng chúng chỉ gia tăng do con số nhập cư cơ học vào TP HCM vẫn luôn luôn nóng.

Ảnh minh họa.

Ít nhất 10% đối tượng truy nã là từ các nơi vào TP HCM

Trong cuộc họp ấy, ông Phan Anh Minh cho biết như trên.

“Ở các khu đô thị mới hay khu công nghiệp, tỷ lệ dân cư quá cao khiến cảnh sát khu vực quá tải, không thể nắm được tình hình. Có nơi một cảnh sát khu vực quản lý đến 700 hộ dân, trong khi đáng lẽ chỉ quản 220 hộ.

Ở các điểm nóng (lúc bấy giờ) như khu vực Bến Chương Dương (phường Cầu Kho, quận 1) khi bị giải tỏa trắng thì rất nhiều đối tượng nghi vấn đi đâu, công an không nắm được.

Cứ bốn cuộc kiểm tra hành chính thì phát hiện năm người tạm trú không khai báo. Do vậy không thể nào chỉ bằng biện pháp quản lý hành chính mà phát hiện được đối tượng tội phạm.

Tính liên kết giữa công an các địa phương chưa cao. Đối tượng truy nã từ các tỉnh trốn vào Sài Gòn rất nhiều, kể cả truy nã đặc biệt như các nghi can giết người cướp của nhưng Công an TP HCM không thể quản lý được.

Công an TP HCM đề nghị các tỉnh chuyển giao danh sách đối tượng nghi vấn và đồng bọn để phối hợp theo dõi ngăn chặn nhưng các tỉnh không chuyển, trừ Bình Dương.

Con số của Bình Dương là 3.200 đối tượng, trong đó hơn 1.000 đối tượng trốn trung tâm cai nghiện. Nguy cơ những người này tiếp tục gây án để kiếm tiền hút chích rất lớn.

Như vụ Phan Thanh Tòng tung đoạn phim ái ân với một nữ diễn viên lên mạng, khi bắt được Tòng mới biết là người này đã bị truy nã ở quận Phú Nhuận vì tội lừa đảo.

Tên cướp táo tợn giật túi của cô gái. Ảnh cắt từ clip

Bình quân một chiến sĩ ở đội Truy nã thuộc Phòng Cảnh sát hình sự cứ 10 ngày là bắt được một đối tượng truy nã.

Tệ nhất là nghiện ma túy. Có đối tượng có khung hình phạt tử hình, rất nguy hiểm. Biết chắc chắn đối tượng đang ở Lào nhưng không có cách gì bắt. Phải nhờ tỉnh Nghệ An kết hợp.

Vụ bắt Thọ đại úy, tôi đang họp Quốc hội thì anh em báo tin. Phát hiện Thọ đại úy đi trộm xác tử tù, móc ngoặc với một vài người trong Đội mai táng. Phải cho nó vi phạm pháp luật luôn để giăng bẫy bắt. Chi phí cho vụ bắt Thọ đại úy hơn 240 triệu đồng.

(Thọ “đại úy” là cánh tay phải của trùm Năm Cam một thời, có hai lệnh truy nã của Phòng Cảnh hình sự Công an TP HCM về tội Tổ chức đánh bạc và Giết người. Thọ bị bắt vào tháng 8/2004).

Cô Đệ thì đưa hối lộ khiến tôi mất anh em, tôi ức nên tôi phải bắt bằng được thằng đưa hối lộ” (Cô Đệ cũng là đối tượng bị truy nã toàn quốc, từng sát cánh với Thọ “đại úy” tổ chức một hệ thống sòng bạc liên hoàn cho Năm Cam.

Cặp đôi này được báo chí thời điểm đó mệnh danh là “Sát thủ bằng tiền”, dùng tiền mua chuộc rất nhiều cán bộ).

Hai lỗi của cơ quan thực thi pháp luật

Ông Minh nhận định: “Có hai lỗi của cơ quan thực thi pháp luật: một là không chặn được, hai là chậm điều tra phát hiện. Chậm phá án khiến đối tượng tiếp tục gây án.

Như vụ cướp tiệm vàng Ngọc Hà, đối tượng dùng súng đã bắn ở tiệm đi gây sự với dân phòng, bắn tiếp và để lại vỏ đạn. Nhờ vỏ đạn này mà lần ngược lại thủ phạm.

Có thể nói, án cướp có vũ khí thì đã được dự báo trước.

Vũ khí trong nhân dân từ các nguồn được tặng, cho, được quyền giữ trong thời kỳ chiến tranh và ngay sau khi hòa bình còn nhiều. TP HCM lại gần biên giới Campuchia, nhiều đối tượng đã qua Campuchia mua súng.

Có những vụ sĩ quan cấp tá giữ súng (được tặng, chiến lợi phẩm), không quản lý tốt, để con cái lấy đi làm bậy lại kêu đến công an.

Đối tượng phạm tội cũng rất thay đổi, thậm chí có người đang trong lực lượng vũ trang.

Đối tượng thay đổi cách thức, công an cũng phải thay đổi biện pháp điều tra. Đặc biệt rất cần sự phối hợp giữa các địa phương. Phải thẳng thắn thế!”.

Tiệm vàng hớ hênh

Ông Phan Anh Minh cảnh báo về sự chủ quan của các tiệm vàng: “Tiệm vàng Ngọc Châu ở quận 7 đã được cảnh báo vị tri nguy hiểm. Tiệm Tân Kim Thành 2, tiệm Kim Sơn ở Củ Chi, quầy bán vàng đặt sát đường, chỉ có một phụ nữ trông coi.

Công an đã nhắc nhưng chủ tiệm vẫn chủ quan giữ nguyên".

Đại tá Mai Văn Tấn, thời điểm đó là trung tá, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM, nói thêm: “Có những vụ cướp tiệm vàng xong xem lại camera mới biết camera không ghi hình được”.

(Các tiệm vàng kể trên là các tiệm bị cướp giả vờ vào mua vàng rồi dùng súng khống chế, đập vỡ tủ cướp vàng nhảy lên xe máy tẩu thoát. Cá biệt ở tiệm vàng Kim Lý (khu vực chợ An Đông, quận 5, toàn bộ vụ cướp xảy ra trong 42 giây.

Chiều 28-1-2016, tiệm vàng Huỳnh Hoa 5 (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) bị cướp trong vòng 30 giây.

Chiều 11-2-2016, một tiệm vàng tại Củ Chi (TP HCM) cũng bị đập kính cướp trong vòng 5 giây.

Chủ tiệm này cho biết chỉ có camera, không có bảo vệ).

Một phụ nữ bị giật túi xách khi đứng cạnh chồng. Ảnh: Một thế giới

Đội Săn bắt cướp là một giải pháp tình thế

Trước sự lo âu của người dân TP HCM thời điểm đó, các nhà báo đã phản ánh dư luận về tái lập Đội Săn bắt cướp.

Ông Minh trả lời: “Ban Giám đốc Công an TP cho đây là một giải pháp tình thế, chỉ có ở TP HCM. Không nên lâu dài. Tuy nhiên, chúng tôi đã huy động anh em.

Các trinh sát sẽ hóa trang trong khi đeo bám đối tượng, chống cướp trên đường phố. Có thể mặc thường phục nhưng được xuất trình thẻ ngành để kiểm tra đối tượng có dấu hiệu nghi vấn. Sẽ có dấu hiệu để người dân biết khi cần thiết.

Như vụ bắt được đối tượng cướp tiệm vàng Củ Chi là nhờ báo tin, chốt chặn chứ không đuổi bắt, dễ gây nguy hiểm trên đường phố.

Không đua được về xe với bọn cướp đâu, mà phải là phương tiện thông tin liên hoàn. Chủ yếu không phải để đuổi mà là để bắt, báo cho địa bàn sắp tới để bắt.

Trinh sát sẽ hóa trang, phối hợp với các lực lượng khác, có vũ khí nhưng gọn và đa tính năng. Có thể là súng lưỡng dụng, khi đuổi bắt có thể bắn đạn cao su còn khi tự phòng vệ thì có thể bắn đạn đồng".

***

Sau cuộc họp này 9 tháng, vào tháng 4/2008, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (đội đặc nhiệm) trực thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP HCM được thành lập.

Đội đặc nhiệm gồm các cán bộ, chiến sĩ có nhiệm vụ ứng trực, tuần tra, truy bắt các băng nhóm cướp giật, tội phạm hình sự đặc biệt nguy hiểm trên đường phố.

Cùng ngày, Công an các quận, huyện của TP.HCM cũng công bố quyết định thành lập tổ cảnh sát hình sự đặc nhiệm thuộc đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội.

Đến cuối năm 2012, Công an TP.HCM tiếp tục thành lập 34 tổ cảnh sát cơ động phối hợp với cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát giao thông tuần tra, trấn áp tội phạm đường phố.

Cho đến nay, Công an TP HCM vẫn tăng cường tuần tra kiểm soát địa bàn 24/24 h. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn quá mỏng so với số đối tượng và tình trạng tội phạm bộc phát tại TP HCM.
 
>> Clip: Băng cướp thò tay vào nhà giật dây chuyền của gia chủ
>> Clip: Những pha cướp giật táo tợn bị ghi hình
>> Nạn cướp giật du khách đang bôi xấu Sài Gòn
>> Đè nạn nhân xuống bóp cổ, quyết tâm cướp tài sản đến cùng

Theo Hoàng Xuân (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)