Pháp luật

Vợ chồng chủ doanh nghiệp lập khống hồ sơ chiếm đoạt gần 29 tỷ đồng của ngân hàng

Vận hành cùng lúc 5 doanh nghiệp, Hải và vợ bị cáo buộc lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa để vay gần 29 tỷ đồng của ngân hàng. Phần lớn số tiền vay sau đó được chuyển đi lòng vòng và sử dụng không đúng mục đích vay nợ.

TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Nguyễn Sơn Hải (SN 1975, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Giám đốc Công ty CP Cửa cuốn Úc-SmartDoor - gọi tắt là Công ty cửa cuốn Úc-SmartDoor) và Phạm Vân Anh (SN 1976, vợ bị cáo Hải) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, phiên tòa này đã phải trì hoãn ngay ở phần thủ tục, do bị cáo Nguyễn Sơn Hải đề nghị Tòa án triệu tập một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng để đối chất. Trong số ấy, có cả Giám đốc chi nhánh ngân hàng cho vợ chồng bị cáo vay tiền.

Vợ chồng chủ doanh nghiệp lập khống hồ sơ chiếm đoạt gần 29 tỷ đồng của ngân hàng
Ảnh minh họa.

Theo cáo trạng truy tố, ngày 1-4-2016, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội nhận được đơn của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tố cáo Nguyễn Sơn Hải có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền vay của tổ chức tín dụng này.

Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định, Nguyễn Sơn Hải là Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty cửa cuốn Úc-SmartDoor, bố vợ Hải là Chủ tịch và vợ Hải là Phó Giám đốc doanh nghiệp này. Ngoài ra, vợ chồng Hải còn thành lập 4 công ty khác và nhờ người khác đứng tên trên danh nghĩa.

Trong thời gian từ tháng 3-2012 đến tháng 8-2012, Nguyễn Sơn Hải và Phạm Vân Anh đã có hành vi gian dối, sử dụng các pháp nhân do mình thành lập, chỉ đạo, điều hành để ký các hợp đồng mua hàng hóa và các giấy tờ liên quan đến việc mua bán hàng hóa nhôm, thép không gỉ khống, xuất hóa đơn GTGT mua bán hàng hóa nhôm, thép không gỉ khống cho nhau nhằm tạo dựng hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng và hồ sơ tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay giả.

Thực tế, hàng hóa mua bán là nhôm, thép không gỉ không có thật, không có việc mua bán hàng hóa giữa các công ty với nhau để lập hồ sơ vay vốn của VIB chi nhánh Hà Nội với tổng số hơn 28,9 tỷ đồng và được giải ngân theo 12 khế ước nhận nợ.

Sau khi được VIB giải ngân, Hải và Vân Anh đã không sử dụng tiền vay theo đúng mục đích vay vốn mà chuyển tiền lòng vòng qua các công ty của vợ chồng Hải, rồi dùng tiền dó để trả nợ các khoản vay trước đó của Công ty cửa cuốn Úc-SmartDoor tại VIB, Techcombank hoặc rút tiền mặt sử dụng vào các hoạt động khác của doanh nghiệp, chiếm đoạt tiền vay của ngân hàng.

Đến ngày 20-12-2017, Hải đã khắc phục hậu quả, trả toàn bộ tiền dư nợ gốc của 12 khế ước nhận nợ trên (số tiền được xác định mua bán hàng hóa khống) cho VIB với tổng số tiền 25,9 tỷ đồng. Dư nợ gốc còn lại là gần 7,7 tỷ đồng của 9 khế ước nhận nợ được xác định mua bán hàng hóa thật.

Đến ngày 20-8-2018, VIB đã có văn bản gửi Cơ quan CSĐT- Công an TP Hà Nội và Viện KSND TP Hà Nội đề nghị rút đơn tố cáo, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vợ chồng Hải, do đã khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng không chấp nhuận vì hành vi phạm tội của vợ chồng giám đốc doanh nghiệp đã hoàn thành.

Tại cơ quan điều tra, Hải khai do là người đại diện theo pháp luật của Công ty nên Hải phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ vay trên với Ngân hàng VIB. Sau đó, Hải khai do cần tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên vợ chồng Hải đã sử dụng các hợp đồng mua bán hàng hóa khống, xuất hóa đơn GTGT mua bán hàng hóa khống giữa Công ty cửa cuốn Úc-SmartDoor với 4 Công ty do vợ chồng Hải thành lập và nhờ đứng tên đại diện để hợp thức hóa đơn chứng từ, lập hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo vay tiền của Ngân hàng VIB. Thực tế không có hoạt động mua bán hàng hóa giữa các công ty trên.

Theo lời khai của Hải, Kế toán trưởng của Công ty cửa cuốn Úc-SmartDoot không biết việc lập hồ sơ mua bán hàng hóa khống giữa Công ty cửa cuốn Úc-SmartDoor và các công ty trên, chỉ làm thủ tục giấy tờ kế toán do Hải chỉ đạo, được trả lương tháng và không được hưởng lợi gì. Những người được nhờ đứng tên doanh nghiệp cũng không hưởng lợi gì.

Hiện Hải đã khắc phục hậu quả vụ án, trả toàn bộ tiền vay gốc của 12 khế ước dư nợ đối với Ngân hàng VIB. Quá trình điều tra bổ sung, Hải thay đổi lời khai và khai rằng khoảng năm 2010 - 2011, ông ta bị ốm nên không điều hành hoạt động của Công ty cửa cuốn Úc-SmartDoor, không ủy quyền cho ai và công ty không hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hải không biết về các hợp đồng kinh tế mua bán hàng hóa giữa Công ty cửa cuốn Úc-SmartDoor và 4 doanh nghiệp liên quan, không chỉ đạo Vân Anh ký các khế ước nhận nợ, ủy nhiệm chi với Ngân hàng VIB, không biết về số tiền mà tổ chức tín dụng giải ngân theo các hợp đồng kinh tế. Con dấu của các công ty và dấu chữ ký của Hải do Vân Anh quản lý, sử dụng.

Về phần mình, Phạm Vân Anh khai là Phó giám đốc Công ty cửa cuốn Úc-SmartDoor nhưng không phụ trách tài chính kế toán, không tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vân Anh có ký các khế ước nhận nợ, đề nghị vay vốn, ủy nhiệm chi mà kế toán trưởng của Công ty cửa cuốn Úc-SmartDoor đưa lên do Hải là giám đốc chỉ đạo (có ký Giấy ủy quyền).

Vân Anh không biết ai lập các hợp đồng kinh tế mua bán hàng hóa khống, biên bản giao nhận hàng hóa, không biết ai quản lý, sử dụng con dấu của Công ty cửa cuốn Úc-SmartDoor và dấu chữ ký của Hải, không biết về số tiền Ngân hàng VIB giải ngân được sử dụng như thế nào vì do Hải và kế toán quản lý.

Phiên tòa sẽ được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử trở lại vào ngày 23-9 tới đây.

Theo Lâm Vinh (An Ninh Thủ Đô)




https://www.anninhthudo.vn/vo-chong-chu-doanh-nghiep-lap-khong-ho-so-chiem-doat-gan-29-ty-dong-cua-ngan-hang-post551494.antd