Pháp luật

Xét xử vụ AIC: Bị cáo từ Mỹ gửi ý kiến đến Hội đồng xét xử

Ngày 23/12, tại phiên toà xét xử vụ AIC, luật sư của các bị cáo được cho là bỏ trốn và đưa ra xét xử vắng mặt cho hay, thân chủ của mình từ nước ngoài gửi ý kiến đến HĐXX.

Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (Tổng giám đốc Công ty Thành An Hà Nội) đã ký hợp thức các hồ sơ dự thầu, trong đó làm “quân đỏ” 2 gói thầu và làm “quân xanh” 3 gói thầu, để Công ty AIC và công ty “quân đỏ” khác trúng thầu. 

Sau khi Công ty AIC trúng thầu, Công ty Thành An Hà Nội ký các hợp đồng mua thiết bị y tế của Công ty Phúc Hưng và Công ty TCI (Công ty con của AIC), bán lại cho Công ty AIC thu lợi nhuận số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.

Cáo trạng cho rằng, bị cáo Thuyết đã trốn ra nước ngoài, CQĐT ra lệnh truy nã nhưng không có kết quả. 

Tại toà, luật sư của ông Thuyết công bố bản tường trình của Tổng giám đốc Công ty Thành An Hà Nội. Bản tường trình này đã được gửi đến HĐXX, trong đó nêu bị cáo Thuyết hiện đang cư trú, có địa chỉ rõ ràng ở Mỹ.

Thông qua báo chí và luật sư, bị cáo biết được ngày 21/12/2022, bị cáo bị đưa ra xét xử. Theo tường trình, ông Thuyết nhận được thông tin về vụ án quá gấp, không đủ thời gian thu xếp để có thể về Việt Nam dự toà, dù bản thân bị cáo mong muốn được trực tiếp trình bày tại toà.

Xét xử vụ AIC: Bị cáo từ Mỹ gửi ý kiến đến Hội đồng xét xử
Các bị cáo tại toà. Ảnh: TTXVN

Bị cáo đồng ý để luật sư tham gia bào chữa cho mình. Về kết luận bị cáo làm “quân đỏ”, “quân xanh” giúp Công ty AIC trúng 5 gói thầu, bị cáo cho biết, do sự việc xảy ra đã lâu nên không còn nhớ.

Về kết luận điều tra và cáo trạng vụ án, bị cáo tôn trọng hai văn bản này. Tuy nhiên, về nội dung quy kết bị cáo “bỏ trốn, đề nghị xử lý nghiêm”, ông Thuyết khẳng định mình không có ý định bỏ trốn và không hề biết có vụ án này.

Theo tường trình, bị cáo Thuyết được phép xuất cảnh vào tháng 4/2021, để sang Mỹ giám hộ cho hai con nhỏ. Thời điểm đó, vụ án chưa hình thành, CQĐT chưa tiến hành xác minh và khởi tố vụ án. Khi bị cáo nhận được thông tin về vụ án, hồ sơ vụ án đã được chuyển sang toà. Sau 10 ngày toà đưa vụ án ra xét xử, nên bị cáo bất khả kháng, không thể kịp để trở về Việt Nam tham dự toà.

Bị cáo mong HĐXX giải quyết vụ án thấu đáo và mong được hưởng lượng khoan hồng. Trước khi phiên toà diễn ra, bị cáo đã gửi tiền về cho gia đình nhờ nộp toàn bộ số tiền thu lợi bất chính là gần 2 tỷ đồng.

Tại toà, luật sư của bị cáo Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cát Vân Sa) cũng cho biết, bà Hạnh không có mặt tại toà nhưng sẽ sớm có bản tường trình gửi đến HĐXX.

Theo cáo buộc, do muốn bán thiết bị y tế cho dự án thông qua Công ty AIC, bà Hạnh đã thực hiện hành vi thông thầu thông qua việc ký khống 13 bảng báo giá thiết bị để chuyển cho đơn vị tư vấn thẩm định giá. Sau đó, Công ty AIC và các công ty “quân đỏ” trúng 13 gói thầu theo mức giá của các báo giá trên, gây thiệt hại số tiền hơn 128 tỷ đồng. 

Sau khi Công ty AIC trúng thầu, Công ty Cát Vân Sa ký hợp đồng kinh tế bán 42 thiết bị y tế cho Công ty TCI đưa vào dự án, thu lợi hơn 1,2 tỷ đồng. 

Cáo trạng cho rằng, quá trình điều tra, bà Hạnh khai nhận hành vi của mình rồi sau đó bỏ trốn. CQĐT đã ra lệnh truy nã nhưng không có kết quả.

Tại toà, luật sư của bị cáo Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh trang thiết bị y tế Nha khoa Việt Tiên (Công ty Việt Tiên) cho hay, thân chủ của mình đang điều trị bệnh và chăm sóc con bị tự kỷ tại Mỹ. Bị cáo sẵn sàng hợp tác với toà.

Cáo buộc cho rằng, bị cáo Vinh đã thực hiện hành vi thông thầu thông qua việc làm “quân xanh” giúp Công ty AIC trúng 10 gói thầu, gây thiệt hại hơn 74 tỷ đồng. Sau khi Công ty AIC trúng thầu, Công ty Việt Tiên ký 3 hợp đồng bán 11 thiết bị y tế cho Công ty TCI để cung cấp vào dự án, qua đó thu lợi hơn 120 triệu đồng.

Quá trình điều tra, ông Vinh khai nhận hành vi của mình, sau đó bỏ trốn. CQĐT đã ra lệnh truy nã nhưng không có kết quả.

Theo T.Nhung (VietNamNet) 




https://vietnamnet.vn/xet-xu-vu-cong-ty-aic-bi-cao-tu-my-gui-y-kien-den-hoi-dong-xet-xu-2093508.html